Tin vui với chị em trong điều trị bệnh khó nói

Thứ Tư, 16/08/2017, 14:26

Thay vì phải phẫu thuật với nhiều nguy cơ rủi ro, tai biến, mất máu, hậu phẫu kéo dài, Bệnh viện (BV) Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) cho biết sẽ ứng dụng công nghệ Laser ERBIUM-YAG (laser Er:Yag) trong điều trị "rối loạn chức năng sàn chậu nữ" giải quyết nhiều bệnh lý của phụ nữ: són tiểu, sa tử cung, sa bàng quang, sa trực tràng, giảm chất lượng cuộc sống vợ chồng.


* Bệnh trọng nhưng bị... lãng quên

Rất nhiều "nỗi khổ khó nói ra" này của phụ nữ khi vào tuổi lão hoá lâu nay đã không hề được quan tâm, bị lãng quên; trong khi khảo sát tại khu vực TP. HCM, có tới gần 50% phụ nữ bị những căn bệnh này hành hạ.

Hội nghị khoa học chiều 15-8 không chỉ thu hút các bác sĩ (BS) tại BV Từ Dũ mà cả những BS sản phụ khoa và Chuyên ngành sàn chậu từ các BV tại TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh ĐBSCL. Đặc biệt có sự tham gia của các chuyên gia Quốc tế trong lĩnh vực sản khoa, sàn chậu nữ. 

Theo thống kê của Hội sàn chậu học TP. HCM, có khoảng 50% phụ nữ trên 40 tuổi bị rối loạn chức năng sàn chậu với biểu hiện són tiểu. 40% phụ nữ trên 50 tuổi bị rối loạn chức năng sàn chậu với nhiều triệu chứng: Sa tử cung, sa bàng quang và sa trực tràng. 

Các y bác sĩ BV Từ Dũ, Hùng Vương TP Hồ Chí Minh và các Chuyên gia Quốc tế tại hội nghị.

Đề cập tới vấn đề bệnh "tiểu không kiểm soát" ở bệnh nhân nữ, GS Peter Lim Huat Chye - Chủ tịch sáng lập hội Niệu Nữ Châu Á chia sẻ câu chuyện thật: "Một nữ bệnh nhân 59 tuổi "rất tâm trạng", gọi tới chúng tôi: "Tôi cứ ho một tiếng là lại són tiểu. Tôi không ra khỏi nhà được. Bác sĩ ơi hãy giúp tôi!".

Theo đó, cách đây 3 năm, hội Niệu Nữ Châu Á đã nghiên cứu và thấy tại Châu Á, cứ 4 người phụ nữ, có 1 người mắc căn bệnh "tiểu không kiểm soát", trong độ tuổi từ: 50, 59, 60, tới 79 tuổi. 

Bệnh lý của họ ít được giải quyết, ít được điều trị và không được báo cáo. Mục tiêu của BS là làm sao phải giúp họ giảm triệu chứng và duy trì cuộc sống bình thường do tác động rối loạn bệnh lý vùng sàn chậu.

Hội nghị thu hút sự quan tâm của nhiều BS chuyên khoa Sản tại khu vực TP.HCM và phía Nam.

Bác sĩ thực hiện "thị phạm" trên một ca điều trị Rối loạn chức năng sàn chậu cho bệnh nhân tại Bệnh viện Từ Dũ TP Hồ Chí Minh bằng kĩ thuật Laser Er:Yag

GS Marco Gambacciani, Chủ tịch Hội mãn kinh Italia (Ý) cũng chia sẻ: "Ghi nhận tại nước Ý, các BV tiếp nhận từ 31 trường hợp (năm 2013) lên 600 trường hợp (năm 2016) bị các bệnh lý rối loạn sàn chậu ở nữ. Chúng tôi rất quan tâm tới nỗi thống khổ của các bệnh nhân nữ khi đã tới tuổi mãn kinh và tiền mãn kinh. Quan trọng là cần tìm ra biện pháp điều trị để thấy hiệu quả khắc phục tới đâu. Có sự cải thiện sau điều trị laser Er:Yag không?".

* Tin vui với chị em tuổi xế chiều

Chia sẻ câu hỏi vậy phụ nữ tuổi xế chiều có nên chọn giải pháp Laser cho điều trị những bệnh lý rối loạn sàn chậu hay không? theo GS Marco Gambacciani, đã có nhiều nghiên cứu cho thấy, một bệnh nhân sau khi điều trị bằng phương pháp này, chỉ cần 1,5 tiếng sau khi được thực hiện liệu pháp, độ co hồi tử cung đã hiệu quả tức thì và duy trì theo thời gian. 

Ngoài ra, việc đo sức cơ của tầng sinh môn đều có sự cải thiện, tăng lên 58% cho bệnh nhân. Sau mỗi 1 tháng, 3 và 6 tháng khi được điều trị, qua khảo sát đều nhận được sự hài lòng của bệnh nhân. Năm 2012 công bố nghiên cứu tại Nhật cho thấy, trong 65 người được điều trị laser Er:Yag được theo dõi sau 1 năm, 87%  bệnh nhân được cải thiện hoàn toàn: Không còn bị sa tử cung độ 3-4. Không chỉ vậy, những căn bệnh phụ khoa khó trị cũng được giải quyết.

Theo nghiên cứu Y văn nếu điều trị bằng phẫu thuật với các bệnh lý sàn chậu, ở mức độ nặng, cho thấy có nguy cơ nhiều rủi ro: Thủng bàng quang, thủng mạch máu lớn, thủng ruột, tiểu khó, bí tiểu, xuất huyết,... 

Đặc biệt là phụ nữ bị những bệnh lý trên thường xấu hổ, ngại không khám bệnh chữa trị cứ chịu đựng vì cho rằng do tuổi lớn phải chịu. Việc ứng dụng laser Er:Yag mang lại nhiều ưu thế và cái cần nhất là phụ nữ được quyền lợi, thụ hưởng một phương pháp điều trị tốt hơn, ít xâm hại cho cơ thể hơn. 

Theo cơ chế, kĩ thuật Laser Er:Yag là phương pháp không xâm lấn, không đau, không cần thời gian nghỉ dưỡng, cùng với việc tư vấn kĩ lưỡng, thì chắc chắn, liệu pháp "điều trị giảm nhẹ" trên sẽ là tin vui cho nhiều bệnh nhân bị bệnh.

BS Lê Quang Thanh, Giám đốc BV Từ Dũ cho biết, rối loạn chức năng sàn chậu gây ra rất nhiều bất tiện, phiền toái và thiếu tự tin đối với phụ nữ. Nguy cơ bị rối loạn chức năng sàn chậu ở phụ nữ khi cơ sàn chậu suy yếu dần theo tuổi, số lần mang thai và sinh đẻ. Áp lực giải quyết các vấn đề bệnh rối loạn chức năng sàn chậu là rất lớn. Trong 5 năm gần đây, "Sàn chậu học" chính thức được công nhận là 1 môn Y học, theo đó cũng bắt đầu có những bước tiến trong liệu pháp chẩn đoán và điều trị. Điều trị rối loạn chức năng sàn chậu cũng đã thay đổi hoàn toàn. Trước đây, nhiều phụ nữ phải cắt tử cung. Đây là nỗi khổ của bệnh nhân. Do đó tại các BV chuyên khoa Sản, Niệu đã triển khai các kỹ thuật nâng đỡ sàn chậu với sự ứng dụng laser. Đây được xem là bước tiến mới trong Y khoa, mở ra cơ hội mới cho phụ nữ bị bệnh.



Huyền Nga
.
.
.