Mỗi năm Việt Nam có thêm 130.000 người mắc và 17.000 người chết do lao

Thứ Tư, 21/03/2018, 17:46
Lao vẫn là gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam khi số người mắc và tử vong hàng năm do lao rất cao. 


Mỗi năm, Việt Nam có thêm 130.000 người mắc bệnh lao, khoảng 3.500 ca lao đa kháng thuốc cùng 17.000 người chết vì bệnh lao. Đáng lo ngại khi chỉ khoảng 70% số người mắc lao được phát hiện, còn 30% người bị lao vẫn “ẩn khuất” trong cộng đồng, là nguồn lây lan bệnh nguy hiểm nhất. 

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong phòng chống, nhưng Việt Nam vẫn đứng thứ 15 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao nhất thế giới, đồng thời, ở vị trí 15 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất toàn cầu. Đây là những thông tin được PGS.TS. Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) phổi Trung ương cho PV Báo CAND biết vào ngày 21-3.  

Theo ông Phú, nguyên nhân của tình trạng trên là do hiểu biết về bệnh lao và cách phòng chống còn hạn chế, hơn nữa, xã hội còn kỳ thị khiến cho người mắc lao thường giấu bệnh. Đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông nên không có ý thức phòng chống để hạn chế lây bệnh cho người khác.  

Kiểm tra để phát hiện bệnh nhân lao

Hiểu được hậu quả nặng nề của bệnh lao tác động đến từng người dân và nền kinh tế -xã hội, nhiều năm qua, Việt Nam đã nỗ lực ngăn chặn căn bệnh này và đã được đánh giá là nước đi đầu trong công tác phòng chống lao trên thế giới. Nước ta đã có độ bao phủ lao tới 50% dân số, trong khi thế giới mới chỉ đạt 1/5 dân số toàn cầu. Thế giới có 54% số ca mắc lao đa kháng thuốc được chữa khỏi nhưng tỷ lệ này ở Việt Nam là hơn 70%. Nếu điều trị theo phác đồ 9 tháng, tỷ lệ thành công lên tới 85%. Hàng năm, cả nước đã phát hiện và điều trị cho trên 100.000 người mắc lao với tỷ lệ chữa khỏi hơn 90%.

Mỗi năm, hàng nghìn bệnh nhân lao kháng thuốc phải điều trị tại BV Phổi Trung ương

Để có được kết quả này, theo ông Vũ Xuân Phú, Chương trình chống lao Quốc gia (CLQG) triển khai công tác chống bệnh lao đến 100% số quận huyện, 100% số xã phường và 100% dân số. 46/63 tỉnh, thành đã có BV Phổi, BV lao và bệnh phổi. Chương trình cũng đã xây dựng được mạng lưới nghiên cứu lao và bệnh phổi để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh chuyên ngành lao, đồng thời, mở rộng diện tầm soát quản lý lao kháng thuốc ở toàn quốc.

Đặc biệt, Chương trình CLQG đã mạnh dạn áp dụng các loại thuốc và phác đồ điều trị mới nhất theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhằm thực hiện chấm dứt bệnh lao càng sớm càng tốt: Sử dụng các test chẩn đoán mới trong phát hiện sớm bệnh lao và cắt đứt nguồn lây; sử dụng các thuốc mới và phác đồ điều trị lao đa kháng ngắn hạn; triển khai sàng lọc siêu kháng cho tất cả các bệnh nhân có kết quả GeneXpert kháng Rifampicin tại 19 tỉnh, thành phố.  Từ năm 2017, Chương trình CLQG đã thực hiện quy trình quản lý và điều trị bệnh nhân lao tiền siêu kháng và siêu kháng thuốc bằng phác đồ cá nhân và hiện đã có hơn 65% bệnh nhân lao kháng thuốc được quản lý điều trị. 

Năm 2018, Chương trình sẽ mở rộng sàng lọc tới các nhóm đối tượng nghi kháng thuốc và 100% bệnh nhân lao phổi mới. Để thực hiện, Chương trình CLQG sẽ tăng máy móc thiết bị và vận dụng tối ưu hệ thống chuyển mẫu qua bưu điện; xây dựng mô hình quản lý bệnh nhân lao kháng thuốc linh hoạt, để giảm thiểu tỷ lệ bỏ điều trị; mở rộng triển khai phác đồ ngắn hạn điều trị lao đa kháng thuốc trên phạm vi toàn quốc; tăng cường phát hiện và quản lý bệnh nhân tiền kháng, siêu kháng; đảm bảo bệnh nhân được thu nhận điều trị kịp thời ngay sau khi phát hiện và đạt tỷ lệ điều trị thành công cao (90%)… 

Trong tháng 3-2018, BV Phổi Trung ương sẽ lập "Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao" để hỗ trợ mua BHYT cho bệnh nhân chưa có BHYT, và hỗ trợ chi trả một số loại thuốc mà bệnh nhân có BHYT chưa thể chi trả.

Thanh Hằng
.
.
.