Mới 85% nước thải y tế ở bệnh viện tuyến Trung ương xử lý đạt yêu cầu

Thứ Năm, 14/12/2017, 18:45
Theo thống kê quan trắc, chất thải y tế nguy hại của các bệnh viện (BV) chiếm khoảng 23% tổng lượng chất thải y tế phát sinh. Tổng lượng chất thải y tế nguy hại được xử lý theo yêu cầu đạt tỷ lệ 99%, trong đó các BV tuyến Trung ương, BV tư nhân đã xử lý 100% lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh.


Những con số này được, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) đưa ra tại Hội nghị xây dựng kế hoạch quản lý môi trường y tế giai đoạn 2018 – 2020, đo Bộ Y tế tổ chức ngày 14-12 tại Vĩnh Phúc.

Tuy nhiên, theo đại diện Cục Quản lý môi trường y tế, vấn đề xử lý nước thải y tế lại chưa như mong muốn khi mới có 478/543 BV (chiếm 88%) có hệ thống xử lý nước thải y tế hoạt động tốt, vẫn còn 54/543 BV (chiếm 9,9%) có hệ thống xử lý nước thải y tế không hoạt động tốt hoặc không hoạt động. Có 11/543 BV chưa có hệ thống xử lý nước thải y tế hoặc đang trong quá trình xây dựng hệ thống xử lý mới, chiếm 2%.

 Tại tuyến Trung ương, tổng lượng nước thải y tế được xử lý đạt yêu cầu là 1.552.233 m3, đạt 85%. Còn ở tuyến tỉnh, tổng lượng nước thải y tế được xử lý đạt yêu cầu là 3.966.416 m3, đạt 90%. Các BV tư nhân, tổng lượng nước thải y tế được xử lý đạt yêu cầu chiếm tỉ lệ cao hơn là 97%.

Nhiều thông tin mới nhất về môi trường y tế được chia sẻ

Vấn đề khí thải lò đốt chất thải rắn y tế đã được các BV quan tâm nên Hiện có 192 BV có lò đốt để xử lý chất thải rắn y tế và đều đã thực hiện quan trắc khí thải lò đốt chất thải rắn y tế. Trong đó, tuyến Trung ương có 1 BV, tuyến tỉnh có 52 BV và tuyến huyện có 135 BV. Riêng khối tư nhân có 4 bệnh viện.

Điều đáng lưu ý là hầu hết các lò đốt đang sử dụng đã xuống cấp, thiếu linh kiện thay thế, không được bảo dưỡng định kỳ nên việc xử lý chất thải bằng lò đốt tiềm tàng nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí, một số BV có các thông số không đạt tiêu chuẩn về SO2, CO, NOx, bụi tổng, Pb…

Vì thế, Cục Quản lý môi trường y tế đang phối hợp cùng Trường đại học y tế công cộng và Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường tiến hành tổng điều tra trên phạm vi toàn quốc về thực trạng phát thải và đánh giá mức độ ô nhiễm. Lãnh đạo Cục Quản lý môi trường y tế cho biết, năm 2018  sẽ hoàn thành việc tổng điều tra. Sau đó, Cục này sẽ có báo cáo cụ thể về kết quả thực hiện Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020.

Liên quan đến vấn đề nước sạch, ngành y tế cho biết việc kiểm tra ở các cơ sở cấp nước từ 1.000m3/ngày đêm trở lên cho thấy tỷ lệ các cơ sở không đạt vệ sinh chung vẫn chiếm tới 12,06%, tỷ lệ không đạt chỉ tiêu lý hóa là 17,1%, tỷ lệ không đạt chỉ tiêu vi sinh là 5,6%. Ở các cơ sở cấp nước < 1.000 m3/ngày đêm, tỷ lệ các cơ sở không đạt vệ sinh chung là 23,5%, tỷ lệ không đạt chỉ tiêu lý hóa là 28,3%, tỷ lệ không đạt chỉ tiêu vi sinh là 10,8%.

Khen thưởng các đơn vị làm tốt về môi trường y tế

Một số địa phương có tỷ lệ cơ sở cấp nước đạt thấp là Nam Định, Lai Châu, Hà Tĩnh, Sóc Trăng, Long An...  Các số chỉ tiêu không đạt thường gặp là nhiễm vi sinh (chỉ tiêu E. Coli, coliform), clo dư, pecmanganate, nitrit, nitrat, độ cứng, độ đục, mangan, sắt, clorua. Nguyên nhân không đạt được giải thích là do thiếu kinh phí, trang thiết bị và hóa chất xét nghiệm.

Một vấn đề khiến nhiều người ngạc nhiên là việc điều tra của Cục Quản lý môi trường y tế cho thấy, mặc dù đời sống đã được nâng cao, việc xây dựng nhà vệ sinh đã được chú trọng để phòng tránh dịch bệnh trong cộng đồng, nhưng ở nhiều nơi vẫn còn diễn ra những thói quen vệ sinh không tốt như sử dụng cầu tiêu ao cá, phóng uế bừa bãi ra môi trường, làm mất vệ sinh và là nguy cơ lây lan dịch bệnh. Hiện, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh trong cả nước mới là 69,6%. Tỉ lệ này cao nhất tại khu vực Đông Nam bộ (94,5%), thấp nhất tại Đồng bằng sông Cửu Long (51,9%).

Một vấn đề cũng được lưu ý tại hội nghị này là công tác y tế lao động và phòng chống tai nạn thương tích. Mặc dù số người lao động được khám sức khoẻ định kỳ hàng năm trong giai đoạn 2011–2017 đã tăng 1,6 lần so với giai đoạn trước, nhưng việc khám sức khỏe định kỳ hiện mới chỉ dừng lại ở việc phân loại sức khỏe và phát hiện một số bệnh tật thông thường. 

Hơn nữa, cũng chỉ một số ít doanh nghiệp thực hiện và chưa có cơ chế triển khai đối với những người làm việc không có hợp đồng lao động. Mới có 42 tỉnh/thành phố đã tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và có trên 5000 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp được phát hiện trong tổng số 100.000 người lao động được khám mỗi năm.

Thanh Hằng
.
.
.