Miền Tây thiếu hụt nguồn nhân lực y tế trầm trọng

Thứ Hai, 20/08/2018, 10:15
Năm 2017, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long có 6 bác sĩ nghỉ việc theo nguyện vọng. Còn 6 tháng đầu năm 2018, con số này cao hơn cả năm 2017, nhiều trường hợp khác xin nghỉ, khiến nguồn nhân lực thiếu hụt.

Hầu hết, các bác sĩ xin nghỉ việc đều với lý do vì hoàn cảnh gia đình… Lãnh đạo bệnh viện lý giải, bác sĩ 10 năm công tác, lương chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này không đủ trang trải cuộc sống gia đình, con cái học hành. Nhiều người xin nghỉ việc ở bệnh viện công sang làm cho các bệnh viện tư, phòng khám tư nhân.

Theo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, năm 2018, có 19 y, bác sĩ các cơ sở y tế công lập xin nghỉ việc. Các bệnh viện, cơ sở y tế công thiếu hụt khoảng 300 y, bác sĩ. ĐBSCL có 92 bệnh viện đa khoa (BVĐK) tuyến huyện, 14 BVĐK khu vực và 17 BVĐK tỉnh, 37 bệnh viện chuyên khoa. Trong đó, 21 bệnh viện phục vụ 5 chuyên ngành hiếm, như: lao, phong, tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y.

Bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long điều trị chăm sóc cho bệnh nhi.

Theo kế hoạch, nhu cầu đào tạo 5 chuyên ngành này đến năm 2020 vào khoảng 250 bác sĩ/năm. Vùng ĐBSCL có 8 bệnh viện bệnh lao và phổi nhưng bác sĩ chuyên ngành rất ít, nhiều tỉnh trung bình từ 1 đến 5 bác sĩ. Các tỉnh, thành đều có trung tâm pháp y nhưng chỉ có 4 bác sĩ chuyên ngành, còn lại là chuyên khoa khác...

Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Hậu Giang, năm 2018 có 21 bác sĩ được đào tạo về địa phương nhưng số người ra đi cũng tương đương, khiến nguồn nhân lực y tế thiếu trầm trọng. Việc dịch chuyển bác sĩ từ bệnh viện công sang tư sẽ còn tiếp diễn, vì mức thu nhập chênh lệch quá lớn. Các bệnh viện công rất khó giữ chân nếu bác sĩ muốn ra đi. Năm 2016 và 2017, ngành Y tế của Cà Mau có 74 bác sĩ, dược sĩ bỏ việc, hoặc tự ý nghỉ việc.

Từ đầu năm 2018 đến nay, ngành Y tế Kiên Giang phải giải quyết cho 6 bác sĩ, 2 dược sĩ cao cấp, thạc sĩ xin ra khỏi cơ sở y tế công lập. Theo lãnh đạo các bệnh viện, trường hợp bác sĩ, dược sĩ sau khi được cử đi đào tạo sẵn sàng bỏ ra số tiền từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng để “dứt áo ra đi”.

“Các huyện biên giới như Tri Tôn, Tịnh Biên có tỉ lệ bác sĩ/10.000 dân thấp. Nhiều em đào tạo theo địa chỉ sử dụng vừa tốt nghiệp loại giỏi thì xin cho bồi thường để học lên thêm”, ông Từ Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang cho hay. Năm 2018, tỉnh tăng lên bồi thường 200% nếu không thực hiện theo hợp đồng nhưng vẫn có nhiều trường hợp xin đi. Tại An Giang, số bác sĩ bỏ ra đi theo địa chỉ sử dụng những năm gần đây, chiếm khoảng 20%.

Ông Trần Văn Út, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long cho biết, tỉnh vừa ban ngành chính sách hỗ trợ công chức, viên chức ngành Y tế được cử đi đào tạo sau đại học và chính sách thu hút bác sĩ về nhận công tác. Sinh viên đang học 3 năm cuối có nhu cầu đăng ký về tỉnh công tác được hỗ trợ một lần là 25 triệu đồng, bác sĩ tốt nghiệp là 130 triệu đồng…

Từ tháng 7-2017, tỉnh Kiên Giang đã thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế đối với những thầy thuốc có trình độ từ bác sĩ đa khoa trở lên được đào tạo chính quy, cam kết làm việc tại tỉnh từ 5 năm trở lên sẽ được hỗ trợ một lần 150 triệu đồng. Nếu làm việc tại tuyến cơ sở, vùng khó khăn còn được hỗ trợ nhà ở công vụ, hoặc hỗ trợ chi phí thuê nhà.

Để góp phần bổ sung nguồn nhân lực y tế cho ĐBSCL, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Y tế cho phép Trường ĐH Y dược Cần Thơ phối hợp với các tỉnh, thành ĐBSCL đào tạo bác sĩ, dược sĩ theo địa chỉ sử dụng, việc tuyển sinh sẽ có điểm trúng tuyển thấp hơn điểm trúng tuyển đại học.

Năm 2018, Đại học Y Dược Cần Thơ có 1.229 bác sĩ, dược sỹ, cử nhân tốt nghiệp. Kết quả tốt nghiệp của sinh viên theo địa chỉ sử dụng là 96,2%, tương đương kết quả chung của khóa đào tạo và nhóm sinh viên trúng tuyển diện ngân sách nhà nước. Năm nay, nhà trường tuyển sinh 1.450 chỉ tiêu, trong đó có 410 chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ sử dụng, dự kiến đến năm 2020, có 9,16 bác sĩ/10.000 dân và 2,1 dược sĩ/10.000 dân.

Như Anh
.
.
.