Máy chạy thận gặp sự cố, 2 bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn xin chuyển viện

Thứ Sáu, 02/08/2019, 14:35
Trưa 2-8, Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã thông tin về trường hợp 2 bệnh nhân chạy thận nặng từ BV Hữu nghị đa khoa Nghệ An chuyển ra sau khi gặp sự cố về máy chạy thận. Bước đầu xác định nguyên nhân là sốc nhiễm khuẩn.

Trước đó, ngày 30-7, các bác sĩ BV Hữu nghị đa khoa Nghệ An đang chạy thận cho 21 bệnh nhân thì 6 bệnh nhân có phản ứng bất thường như sốt cao, buồn nôn, tức ngực, khó thở.

Trong 6 bệnh nhân có 2 bệnh nhân là chị Hồ Thị Lộc (SN 1990, trú tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) và chị Nguyễn Thị Hồng (SN 1986, trú tại xã Nam Lĩnh, Nam Đàn, Nghệ An) đã được bệnh viện chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai điều trị theo yêu cầu của người nhà.

Bệnh nhân Đặng Thị Trường (SN 1957, trú tại xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) xin được ở lại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An điều trị. Còn với 3 bệnh nhân khác có hiện tượng nhẹ hơn, sau khi cấp cứu, sức khỏe đã ổn định, xin được về nhà theo yêu cầu của gia đình bệnh nhân. 

Bệnh nhân Trường điều trị tại BV Hữu nghị Nghệ An

Theo BS Trần Tất Thắng, Phó Giám đốc BV Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, khi có hiện tượng bất thường xảy ra, BV đã cho dừng việc chạy thận. Theo đó, 132 bệnh nhân khác đang điều trị ngoại trú cũng được BV liên hệ chuyển tới 3 cơ sở y tế khác là BV đa khoa 115, BV Giao thông vận tải Vinh và BV Quân y 4 để tiếp tục điều trị.

Ông Thắng khẳng định, qua kiểm tra, quy trình khám chữa bệnh, chạy thận của ca trực đều đúng theo quy trình của Bộ Y tế quy định. Bình nước của BV theo chu kỳ kiểm định 6 tháng/lần, BV đã mời chuyên gia bệnh viện Bạch Mai vào bảo dưỡng ngày 23/6/2019. Sau khi kiểm tra máy chạy thận hiện chưa phát hiện vấn đề bất thường, mẫu nước đang gửi ra Hà Nội để kiểm tra.

Ngày 1/8, Sở Y tế tỉnh Nghệ An đã quyết định thành lập Tổ công tác tham mưu kiểm tra, xác minh sự cố y khoa chạy thận ở BV Hữu nghị đa khoa Nghệ An do ông Đậu Duy Hoàn, Phó Giám đốc Sở làm Tổ trưởng.

Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, đến sáng 2/8 sức khỏe của 2 bệnh nhân nữ chạy thận khi chuyển ra BV Bạch Mai trong tình trạng rất nặng, hiện đã tiến triển tốt.

2 bệnh nhân chạy thận tại BV Bạch Mai sức khỏe đã tốt hơn

 PGS.TS Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai cho biết, 2 bệnh nhân này nhiễm toan chuyển hoá, suy đa tạng, được các bác sĩ tại Nghệ An xử trí theo hướng sốc nhiễm khuẩn sau đó chuyển tiếp ra khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai.

Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân tiến triển tốt lên, thoát sốc, mạch và huyết áp ổn định, chỉ còn sốt nhẹ 37,5 độ, không còn rét run, có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Kết quả cấy vi khuẩn cho thấy, cả 2 bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn Burkholderia Cepacia gây ra. Phác đồ kháng sinh ban đầu phù hợp với loại vi khuẩn này.

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, ngay khi nhận được tin xảy ra sự cố chạy thận tại BV Hữu nghị đa khoa Nghệ An, BV Bạch Mai đã cử 1 ekip vào Nghệ An để hỗ trợ.

Trong 6 bệnh nhân có phản ứng bất thường thì có 3 bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết, 2 bệnh nhân đã được bù dịch, cung cấp oxy, sử dụng kháng sinh phổ rộng, lọc máu liên tục và hồi sức tích cực.

Trường hợp bệnh nhân nặng tên Trường được điều trị tại Nghệ An hiện sức khoẻ cũng đang tốt dần.

Theo TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo, BV Bạch Mai, biến chứng trong thận nhân tạo có nhiều nguyên nhân, liên quan nhiều yếu tố như nguồn nước, máy móc, lọc máu ra, đưa máu vào... nên rất khó để xác định chính xác nguyên nhân từ đâu dẫn đến sốc nhiễm khuẩn.

Do vậy BV Hữu nghị đa khoa Nghệ An đã gửi mẫu nước ra Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường tại Hà Nội để xét nghiệm. Hiện đang chờ kết quả để đánh giá đúng nguyên nhân.

Nhận xét về quy trình xử trí và cấp cứu của BV Hữu nghị đa khoa Nghệ An khi xảy ra sự cố, TS Nguyễn Hữu Dũng cho biết, BV đã làm đúng quy trình, dừng chạy thận, súc rửa đường ống và gửi mẫu nước đi xét nghiệm.

Về sự cố này, Nghệ An cần thiết phải lập Hội đồng khoa học để đánh giá toàn bộ vụ việc.

Vụ tai biến chạy thận làm 8 người chết tại BV Đa khoa Hòa Bình vào tháng 5/2017 là bài học đắt giá. Thiết nghĩ, ngành Y tế cần thường xuyên tiến hành kiểm tra quy trình chạy thận, trang thiết bị, máy móc, nguồn nước... tại các BV đơn nguyên thận nhân tạo để không xảy ra sự cố y khoa đáng tiếc. 

Tr. Hằng
.
.
.