Không đủ trình độ sử dụng, thiết bị y tế hiện đại cũng mất giá trị

Thứ Tư, 04/11/2015, 23:50
Ngày 4/11, hội thảo bàn về nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng trang thiết bị y tế (TTBYT) đã được tổ chức tại Hà Nội.


Những năm gần đây, từ nhiều nguồn vốn: Nhà nước, vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới, ADB, ODA, viện trợ của các tổ chức quốc tế như WHO, UNICEF vv… TTBYT tại các cơ sở y tế đã được nâng cấp cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, nhiều cuộc khảo sát đã cho thấy, hiện nay nhiều cơ sở y tế chưa sử dụng hiệu quả các TTBYT, gây lãng phí rất lớn về tiền bạc, đồng thời, người dân phải chịu nhiều thiệt thòi khi đi khám, chữa bệnh.
Việc sử dụng hiệu quả các máy móc hiện đại góp phần cứu sống nhiều người bệnh.

Thực tế cho thấy, với những TTBYT hiện đại ở các bệnh viện, nếu được sử dụng đúng tính năng và công suất, người dân sẽ được tiếp cận các dịch vụ cao mà không phải đi xa. Tuy nhiên, hầu hết chỉ các BV tuyến Trung ương mới phát huy được điều này và không phải là tất cả. Ở nhiều cơ sở y tế, mặc dù được đầu tư các TTBYT hiện đại nhưng chưa được sử dụng hiệu quả, do cán bộ chưa đủ trình độ để vận hành; công tác duy tu, bảo dưỡng chưa tốt, khiến tuổi thọ của trang thiết bị giảm xuống… làm hạn chế chất lượng khám chữa bệnh ngay tại các bệnh viện tuyến cơ sở. Vì thế, quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư TTBYT sẽ góp phần tăng cường chất lượng công tác khám chữa bệnh, đồng thời, góp phần chấn chỉnh các hiện tượng tiêu cực, vi phạm trong nhập khẩu, sản xuất, buôn bán và cung ứng, sử dụng TTBYT kém chất lượng, cũng như chủ động trong đầu tư, bổ sung TTBYT mới phù hợp với yêu cầu phát triển các kỹ thuật y học -Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) nhấn mạnh.

TS. Đặng Việt Hùng (Bộ Y tế) cũng chỉ ra: Trình độ của đội ngũ cán bộ chuyên môn y tế chưa đáp ứng kịp những đổi mới về kỹ thuật và công nghệ để có thể khai thác hết công suất TTB hiện có. Hầu hết các bệnh viện đầu tư vào TTBYT để trở thành công cụ cạnh tranh và nâng cao uy tín bệnh viện, tuy nhiên đã xuất hiện các hạn chế như việc lệ thuộc vào TTBYT, lãng phí do thiếu sử dụng, đầu tư không gắn với năng lực sử dụng, tiếp thu công nghệ không chọn lọc.

Theo PGS.TS. Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, hiệu quả đầu tư TTBYT chưa cao do hạ tầng cơ sở vật chất –kỹ thuật y tế chưa đồng bộ, công tác kiểm định TBTYT còn nhiều khó khăn do đội ngũ cán bộ còn chưa đáp ứng. Việc đào tạo, sử dụng nhân lực chuyên ngành TTBYT còn nhiều bất cập. Theo một nghiên cứu thì tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện, tỉ lệ cán bộ kỹ thuật đảm nhiệm phụ trách công tác TTBYT rất thấp: chỉ 6% là kỹ sư, 35% là kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật, còn lại, 59% là cán bộ kiêm nhiệm.

Với các khảo sát thực tế, các nhà chuyên môn cũng cho thấy, chính chất lượng của cán bộ tại cơ sở dẫn đến việc bảo dưỡng, sửa chữa TTBYT tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện gặp nhiều khó khăn. Máy móc hỏng là đắp chiếu, đợi chờ kinh phí, xin máy mới. Máy móc không được khai thác hết công suất, hỏng phải đợi sửa chữa nhiều thời gian sẽ gây lãng phí và giảm hiệu quả sử dụng. Ở nhiều bệnh viện, phòng mổ được trang bị hiện đại, nhưng nếu nhân viên y tế không có kiến thức sử dụng TTBYT thì không thể khai thác đúng với công suất của máy móc, thậm chí, khiến các thiết bị trở thành  “vô giá trị” dù hiện đại đến đâu. Những vụ vi phạm trong vấn đề mua sắm, sử dụng TTBYT ở một số bệnh viện thời gian qua cũng cho thấy, năng lực quản lý TTBYT ở tuyến cơ sở chưa đáp ứng là nguyên nhân các vụ tiêu cực, vi phạm trong nhập khẩu, sản xuất, buôn bán và cung ứng, sử dụng TTBYT kém chất lượng.

Thực tế của việc sử dụng TTBYT kém hiệu quả ở các cơ sở y tế đòi hỏi ngành y tế phải có nhiều thay đổi, để TTBYT thực sự phát huy hiệu quả, phục vụ tốt nhất việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, xứng với “đồng tiền bát gạo”, đặc biệt trong bối cảnh giá dịch vụ y tế sẽ tăng cao từ tháng 11-2015. Hội TBYT Việt Nam đề nghị Bộ Y tế quan tâm hơn nữa đến công tác tư vấn kỹ thuật TTBYT, trước hết là năng lực của các thành viên tham gia trong các tổ chức tư vấn.  Vì việc tư vấn chính xác, khách quan, sẽ giúp cho chủ đầu tư chọn mua được những thiết bị phù hợp với yêu cầu sử dụng và do những nhà sản xuất có uy tín cung cấp với giá cả hợp lý, đảm bảo tính khoa học. Tránh được hiện tượng mua thiết bị có tính năng kỹ thuật thấp, không đáp ứng yêu cầu sử dụng, hoặc những thiết bị có tính năng kỹ thuật quá cao, giá cũng rất cao, trong khi việc khai thác sử dụng cũng chỉ ở những chức năng cơ bản. Mà nếu mua đúng với yêu cầu sử dụng thì giá thiết bị chỉ bằng 2/3, thậm chí, ½ giá thiết bị đã mua. Đương nhiên, chi phí mà bệnh nhân phải bỏ khi phải sử dụng các dịch vụ từ các thiết bị này cũng sẽ giảm theo.

Vấn đề đặc biệt quan trọng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mới có thể sử dụng và khai thác tốt các TTBYT vào hoạt động khám, chữa bệnh cho nhân dân. Việc đầu tư TTBYT phải đúng mục đích, có hiệu quả, tránh tình trạng không có nhu cầu vẫn đầu tư. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: Để bảo đảm hiệu quả khai thác sử dụng trang thiết bị y tế, người sử dụng thiết bị tại các bệnh viện, cơ sở y tế phải có kiến thức, năng lực; các bác sĩ phải có trình độ…Bộ Y tế đang có những phương hướng để thu hút nhân lực và nâng cao trình độ hơn nữa cho cán bộ quản lý TTBYT, nhằm phục vụ tốt hơn trong lĩnh vực khám, chữa bệnh.

Thanh Hằng
.
.
.