Xét nghiệm nhóm máu trong xác định quan hệ huyết thống:

Không có giá trị khẳng định

Thứ Bảy, 19/03/2016, 16:51
Nhu cầu đòi hỏi về xét nghiệm quan hệ huyết thống cha con có từ lâu đời. Trong sử sách còn ghi người xưa xác định huyết thống bằng cách cho máu của 2 người vào nhau, nếu hòa tan thì cùng huyết thống, còn không hòa tan thì 2 người đó khác huyết thống. 

Mới đây, câu chuyện của chị Lê Thanh Hiền, người phụ nữ mới phát hiện mình bị trao nhầm ở nhà hộ sinh Đống Đa gần 30 năm trước, đã khiến nhiều người quan tâm. Bởi theo chị kể, điều làm chị dấy lên nghi ngờ chính là từ một lần, chị phát hiện bố chị có nhóm máu O và các anh em trai ruột của bố chị cũng đều có nhóm máu O, nên bắt đầu tìm hiểu về nhóm máu. 

Khi kết quả xét nghiệm cho biết bố mẹ và em gái đều chung nhóm máu O, chỉ riêng chị mang nhóm máu B, thì chị hiểu rằng mình không cùng huyết thống với cha mẹ. Từ những căn cứ này, chị đã đi xét nghiệm AND và được khẳng định, chị không phải con đẻ của bố mẹ chị hiện nay.

Tuy nhiên phải khẳng định ngay rằng, trường hợp từ nghi ngờ nhóm máu đến việc khẳng định qua xét nghiệm ADN đều cho cùng một kết quả của chị Lê Thị Hiền không thể áp dụng cho nhiều người. Bởi có nhiều người khi thấy con cái không trùng nhóm máu với bố, hay anh, chị, em không cùng một nhóm máu, đã tỏ ra hoài nghi, làm tổn hại đến tình cảm gia đình và tổn thương đến người thân.

Kiểm tra các nhóm máu tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương.

Thực tế là tại Trung tâm xét nghiệm ADN và Công nghệ di truyền Hà Nội, từng có người đàn ông đến xét nghiệm ADN chỉ vì 2 cậu con trai mang nhóm máu B, không cùng nhóm máu A với bố, nên ông bố nghi ngờ không phải con mình. 

Có phụ nữ cũng yêu cầu được xét nghiệm huyết thống cho con, để người chồng không hoài nghi, thậm chí bị vu oan chỉ vì một trong 2 đứa con không cùng nhóm máu với ông bố. Nhưng các kết quả xét nghiệm ADN đều khẳng định những đứa trẻ là con ruột của ông các bố. Do vậy, việc căn cứ vào nhóm máu để khẳng định huyết thống là không chính xác.

PGS.TS. Bùi Thị Mai An, Trưởng Khoa huyết thanh học-nhóm máu (Viện Huyết học Truyền máu Trung ương) cho biết, mặc dù xét nghiệm nhóm máu có thể dự đoán được mối quan hệ huyết thống, song việc đó cũng chỉ có giá trị góp phần xác định huyết thống, chứ không mang tính quyết định. Vì thế, chưa có trường hợp nào chỉ dựa vào nhóm máu để quyết định quan hệ huyết thống mà không qua xét nghiệm ADN.

Trước, ở một số bệnh viện, người ta sử dụng phương pháp xác định cùng nhóm máu hay không bằng cách trộn 2 loại máu vào nhau, nếu ngưng kết thì không cùng nhóm và không ngưng kết tức là cùng nhóm, nên có thể truyền máu được.

 Đầu những năm 1900, dựa trên sự có mặt của các kháng nguyên trên màng của hồng cầu, các nhà khoa học đã xác định được con người có 4 nhóm máu là O, A, B và AB. Hệ thống nhóm máu này có ý nghĩa quan trọng trong việc lựa chọn nhóm máu thích hợp để truyền máu. Đến năm 1920, các nhà khoa học đã chứng minh được nhóm máu có thể di truyền đến thế hệ sau, do đó, có thể tiên đoán tương đối nhóm máu người con dựa vào nhóm máu của bố mẹ. Từ kết quả này, các nhà khoa học cũng chỉ ra: Khi biết về nhóm máu của người con và người cha (hay mẹ), có thể xác định được nhóm máu của mẹ (hay cha).

Vì vậy, các nhà khoa học thời ấy đã sử dụng các nhóm máu để xác minh bố hoặc mẹ của một đứa trẻ. Tuy nhiên, việc xác định huyết thống dựa vào các xét nghiệm nhóm máu chỉ mang tính tương đối, nên không đảm bảo tính chính xác để khẳng định mối quan hệ huyết thống giữa cha và con. Để xác định, phải biết được gen qui định nhóm máu. 

Ví như gen qui định nhóm máu của mẹ là OB (hoặc B, BB) và của bố là nhóm máu O, thì con sẽ chỉ là nhóm máu BO hoặc O. Nhưng cũng có nhiều trường hợp đặc biệt khi cha mẹ nhóm máu A,B nhưng khi sinh con nhóm máu O.

Các chuyên gia huyết học cho biết: Có thể dựa vào xét nghiệm nhóm máu để xác định huyết thống trong trường hợp không xảy ra đột biến: Khi biết được nhóm máu của mẹ và cha, có thể suy ra nhóm máu của người con: cả cha và mẹ đều có nhóm máu O thì người con sẽ có nhóm máu O. Nếu người con đó không phải nhóm máu O thì không phải là con đẻ của cặp cha - mẹ này. Nếu bố nhóm máu A, mẹ nhóm máu B thì nhóm máu của người con có thể là A, B, AB hoặc O, nên việc xét nghiệm nhóm máu không thể xác định được huyết thống.

Từ việc biết nhóm máu của người con, có thể suy ra nhóm máu của người bố: Nếu mẹ nhóm máu B, con nhóm máu A thì người cha có thể có nhóm máu A hay AB; còn người mẹ nhóm máu AB, con nhóm máu A thì người cha có thể mang cả 4 nhóm máu. Do đó, đến nay việc xác định xem hai người có cùng huyết thống hay không vẫn phải dựa vào xét nghiệm ADN thông qua việc lấy mẫu máu, tóc của những người đó để xác định ADN.

Xét nghiệm nhóm máu hồng cầu không thể cho kết luận chắc chắn, nhưng theo các chuyên gia huyết học, nếu dựa vào hệ kháng nguyên bạch cầu, có thể có kết quả khá chính xác. Các bạch cầu đều chứa khoảng 40 kháng nguyên protein trong nhóm liên kết, nên khả năng tìm được 2 người cùng một nhóm liên kết là rất hiếm. Đứa trẻ được di truyền một nửa kháng nguyên bạch cầu của bố và một nửa là của mẹ.

Cũng có rất nhiều người đang băn khoăn về việc anh chị em ruộ của mình không cùng một nhóm máu. Nhưng theo các chuyên gia, trong một gia đình, 2 người con mang hai nhóm máu khác nhau là chuyện bình thường. Việc xét nghiệm nhóm máu chưa đủ để giá trị nói gì về việc cùng hay khác huyết thống, mà chỉ là một bằng chứng khoa học góp phần cùng với ADN xác định huyết thống mà thôi! Cho đến nay, phương pháp xét nghiệm ADN vẫn là phương pháp có độ chính xác cao trong xác định huyết thống, chứ không phải xét nghiệm nhóm máu. 

Thanh Hằng
.
.
.