"Khát vọng sáng"và mục tiêu đồng hành với người khiếm thị

Thứ Sáu, 30/11/2018, 18:42

Lễ ra mắt dự án Khát vọng sáng tại TP HCM trong sáng 30-11 có vị khách mời đặc biệt là mẹ của bé Hải An - chị Nguyễn Trần Thùy Dương. Cô bé đã được người dân cả nước biết đến với hành động thật đáng khâm phục đó là mới 7 tuổi bé đã hiến giác mạc sau khi qua đời vì trọng bệnh. Nghĩa cử cao đẹp của bé đã đem lại ánh sáng cho 2 người khác. 


Tại buổi lễ ra mắt dự án cũng thông tin, trên thế giới có khoảng 39 triệu người mù. Cứ 5 giây thế giới có thêm một người bị mù và cứ 1 phút thế giới có thêm 1 trẻ bị mù. 90% người mù sống ở các nước nghèo và đang phát triển với các điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế khó khăn (trong đó có Việt Nam). 

Các em học sinh của Mái ấm Nhật Hồng biểu diễn văn nghệ tại buổi lễ.
  Việt Nam có khoảng 3 triệu người khiếm thị và người có thị lực kém. 1/3 trong số đó là những người nghèo không có tiền điều trị mang lại ánh sáng. 83% tỷ lệ người mù được cho là có thể phòng chữa được. Mỗi năm, số người mù do bệnh giác mạc lại tăng thêm 15.000 người. 

Chị Lê Dương Thể Hạnh ( thứ 2-trái sang), dù mắc bệnh nặng nhưng đã là một tấm gương phi thường về nghị lực sống.

Theo ước tính, Việt Nam hiện có trên 200.000 người mù do bệnh lý giác mạc, cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc. Từ năm 2007 đến nay, cả nước có trên 35.000 đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó đã có 494 người tặng giác mạc sau khi qua đời thuộc 15 tỉnh, thành. 

Tuy nhiên, danh sách chờ ghép giác mạc của Bệnh viện Mắt Trung ương hiện nay có tới hơn 1.000 người và tăng 300 người mỗi năm. Và theo thống kê, chỉ có khoảng 200 ca nhận được cơ hội phẫu thuật ghép giác mạc vì số thực tế giác mạc lấy được rất ít ỏi.

Mẹ bé Hải An giao  lưu với các đại biểu tại buổi lễ ra mắt dự án.

 Trước tình hình trên, Kênh Y tế và Sức khỏe - ytvn.vn phối hợp cùng Hội đồng bảo trợ Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam và Quỹ hỗ trợ từ thiện C.P. Việt Nam thành lập Dự án Chăm sóc mắt và hỗ trợ người khiếm thị mang tên "Khát vọng sáng". Dự án ra đời với mong muốn hướng dẫn người dân cách chăm sóc và bảo vệ mắt; hỗ trợ, giúp đỡ người có bệnh lý về mắt và người khiếm thị; kêu gọi tinh thần nhân ái, sẻ chia và tuyên truyền về việc hiến ghép giác mạc đến cộng đồng.

Tham dự buổi ra mắt dự án Khát Vọng Sáng, chị Nguyễn Trần Thùy Dương mong muốn câu chuyện về bé Hải An sẽ giúp mọi người thay đổi cái nhìn về việc hiến giác mạc.Từ đó, mọi người chung tay hơn nữa để giúp đỡ những bệnh nhân vượt qua mọi khó khăn. Chị chia sẻ: “Hãy ban tặng sự sống sau cái chết để chính mình vẫn "còn sống".".

  Tham dự buổi ra mắt dự án còn có chị Lê Dương Thể Hạnh, một tấm gương phi thường về nghị lực sống. Căn bệnh u não đã khiến chị Hạnh trở thành người khiếm thị nhưng không vì vậy mà chị đầu hàng số phận. Hiện chị Hạnh là giáo viên dạy máy tính miễn phí cho người khuyết tật. Với những đóng góp tích cực cho cộng đồng, chị Hạnh vinh dự nhận được giải thưởng trong cuộc thi viết của quỹ Bill & Melinda Gates. 

 Ông Nguyễn Tuấn Khởi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng bảo trợ TW Hội Chữ Thập Đỏ, Giám đốc Kênh y tế và sức khoẻ, Đơn vị sáng lập và điều hành Dự án Khát Vọng Sáng cho biết: “Mục tiêu trước mắt của dự án là tuyên truyền trực tiếp và tư vấn cho 1.000.000 lượt người về chăm sóc mắt và hiến tặng giác mạc. Vận động khoảng 100.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc; huy động các nguồn lực xã hội tặng 10.000 suất quà, tổ chức khám, chữa, phẫu thuật cho 1.000 bệnh nhân có bệnh lý về giác mạc có hoàn cảnh khó khăn. Đây cũng có thể coi là một dự án đồng hành cùng người khiếm thị”.

H.Nga
.
.
.