Khẩn cấp ngăn chặn hiện tượng trốn khai báo, bỏ lọt ca bệnh

Thứ Sáu, 14/05/2021, 08:46
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, trường hợp ông N.V.T, bệnh nhân 3634, ở tại chung cư Central Point, 27 Lê Văn Lương (Thanh Xuân, Hà Nội) rõ ràng có vi phạm quy định về phòng, chống dịch.

"Tối hôm qua, TP đã có công văn yêu cầu Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội phải chỉ đạo Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội tổ chức kiểm điểm, đình chỉ công tác. Đây là ví dụ sinh động theo câu nói của Thủ tướng về việc một người lơ là, cả xã hội vất vả", Chủ tịch UBDN TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nói.

Không khai báo, hậu quả lớn

Chiều 12/5, Hà Nội ghi nhận 2 trường hợp mắc COVID-19 là hai vợ chồng ở quận Thanh Xuân, được phát hiện dương tính tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Hai vợ chồng bệnh nhân có biểu hiện ho, đau họng, không rõ sốt và được tiếp nhận vào Khoa Cấp cứu của bệnh viện. Hai bệnh nhân này không khai báo tiền sử dịch tễ, đi lại.

Cả 2 đã được đưa thẳng vào phòng cách ly và làm test kháng nguyên COVID-19 tại chỗ. Khi có kết quả test nhanh dương tính, lúc này 2 bệnh nhân mới khai tiền sử dịch tễ có đi Đà Nẵng từ ngày 30/4 đến 2/5 và có triệu chứng ho, đau họng từ ngày 6/5. Sáng 13/5, Bộ Y tế đã công bố 2 ca bệnh COVID-19 này là BN 3631 và BN 3634, có tiền sử đi về từ Đà Nẵng.

Theo CDC Hà Nội, hai bệnh nhân này sau khi từ Đà Nẵng về, đã đi lại nhiều nơi (đi lễ, đi làm, tham dự nhiều cuộc họp, chơi golf, đi siêu thị…), tiếp xúc nhiều người. Đặc biệt, ngày 9/5, BN 3634 đưa vợ có triệu chứng ho đi khám tại Phòng khám Đa khoa quốc tế Thu Cúc (Phòng khám Thu Cúc), thuộc Công ty cổ phần Y khoa và Thẩm mỹ Thu Cúc tại số 216 Trần Duy Hưng, Hà Nội.

Tại đây, dù họ khai có yếu tố dịch tễ từ Đà Nẵng, nhưng bệnh viện không tiếp nhận khám, nên đi về nhà riêng. Tiếp sau đó, 2 vợ chồng vẫn đi làm bình thường, giao lưu, tham gia họp hành, đi siêu thị, tiếp khách, đánh golf…

Đến sáng 12/5, dù ho, đau họng, nhưng cả hai vẫn đi làm bình thường. Tới 10h họ mới đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô khám và không khai báo yếu tố dịch tễ đi từ Đà Nẵng về, vì vậy bệnh viện mới tiếp nhận họ vào Khoa Cấp cứu. Chỉ sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính, họ mới thừa nhận.

Ngay trong đêm 2 ca bệnh cộng đồng được phát hiện, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Nội vụ yêu cầu Công ty Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà Hà Nội (Handico) kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong vi phạm quy định phòng chống dịch đối với ông N.V.T, Giám đốc Hacinco (thuộc Handico) là BN 3634.

Tiếp đó, trưa 13/5, Handico đã có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội và Sở Nội Vụ. Theo đó, Handico đã tạm thời đình chỉ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Hacinco đối với ông N.V.T để kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong việc chấp hành các quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch UBND TP và của Tổng Công ty.

Handico cho biết, trước đó Tổng Công ty đã có văn bản yêu cầu toàn thể cán bộ, công nhân viên nếu có di chuyển qua các địa phương như Yên Bái, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Đà Nẵng, Đà Lạt, Vũng Tàu phải tự cách ly theo dõi, khai báo y tế và làm việc tại nhà 14 ngày (từ 4/5 đến 18/5), nhưng ông T không thực hiện quy định này.

Dù có lịch sử dịch dễ đến địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao Đà Nẵng, nhưng ông T đã không thực hiện các biện pháp tự cách ly theo dõi, vẫn làm việc nhiều nơi và di chuyển dày đặc từ khi trở về Hà Nội cho đến ngày 12/5. Theo Hadico, đây là trách nhiệm cá nhân chính của ông N.V.T và trách nhiệm tập thể liên quan của Ban Giám đốc Công ty Hacinco trong việc phân công điều hành công việc.

Qua làm việc với ông T, ông T chứng minh đã khai báo y tế trên cả 2 chuyến bay chiều từ Hà Nội đến Đà Nẵng và từ Đà Nẵng ra Hà Nội, nhưng chưa thực hiện nghiêm các quy định trong phòng chống dịch, chưa ý thức được các triệu chứng bệnh lý, hạn chế tập trung đông người… theo chỉ đạo, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong cộng đồng cũng như khó khăn cho cơ quan chức năng trong phòng, chống dịch.

Theo rà soát của Hacinco, công ty này có 24 F1 và đã được lấy xét nghiệm, đưa đi cách ly tập trung tại Hòa Lạc tối 12/5. Các F2, F3 cũng đã được yêu cầu khai báo y tế, theo dõi sức khỏe cách ly. Ban Giám đốc Hacinco gồm 7 người thì có 6 người là F1 phải đi cách ly tập trung. Hậu quả của việc không khai báo là rất lớn khi đến sáng 13/5, CDC Hà Nội điều tra được 150 F1, có 118 người âm tính lần 1, 2 người dương tính.

Phòng khám Đa khoa quốc tế Thu Cúc đóng cửa từ ngày 13/5.

Bệnh viện bỏ lọt ca bệnh

Ngoài trách nhiệm của bệnh nhân không khai báo y tế, nhiều người đặt câu hỏi, Phòng khám Thu Cúc có bỏ lọt bệnh nhân COVID-19? Trách nhiệm của phòng khám này như thế nào trước bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp trong nước?

Sau khi bị bệnh viện từ chối người bệnh đã về nhà và có 3 ngày đi làm, hội họp, giao lưu, tiếp xúc nhiều người, gây lây lan dịch bệnh. Bằng chứng là ngày 11/5, có 2 trường hợp là nhân viên bất động sản là F1 của ông N.V.T khi cùng tham dự buổi giới thiệu dự án mới, sau đó được lấy mẫu xét nghiệm và ngày 13/5 cho kết quả mắc COVID-19.

Bác sĩ Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho biết, việc cơ sở y tế từ chối tiếp nhận bệnh nhân có yếu tố dịch tễ, để bệnh nhân ra về không những sai với quy định của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP Hà Nội mà còn sai với y đức.

Nếu cơ sở y tế không đủ năng lực thì phải liên hệ, báo ngay cho cơ sở y tế địa phương, bàn giao cho cơ sở y tế địa phương, như vậy mới làm tròn trách nhiệm. Nhưng Phòng khám Thu Cúc lại từ chối tiếp nhận, cho người có yếu tố dịch tễ đi về là không được, gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Theo bác sĩ Tuấn, từ đầu mùa dịch đến nay, Hà Nội đều đã có quy định tất cả các nhà thuốc, cơ sở y tế tư nhân hay công lập đều phải có trách nhiệm giám sát, điều tra các ca nghi liên quan đến COVID-19. Thành phố cũng quy định, các trường hợp người dân bị ho, sốt đến nhà thuốc mua thuốc thì nhà thuốc cũng phải có trách nhiệm lưu trữ đầy đủ thông tin để chuyển về cơ sở y tế.

Đây không phải là lần đầu tiên phòng khám ở Hà Nội bỏ lọt ca bệnh, trước đó Sở Y tế Hà Nội cũng tạm đóng cửa một phòng khám ở quận Tây Hồ do để lọt  bệnh nhân COVID-19 người Nhật Bản. Hà Nội cũng đã đóng cửa, tạm đình chỉ một số bệnh viện không đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Trong nhiều cuộc họp trực tuyến với các địa phương, lãnh đạo Bộ Y tế luôn nhắc nhở, đề nghị các địa phương phải quán triệt, các bệnh viện kể cả công lập và ngoài công lập, các phòng khám tư nhân phải nâng cao cảnh giác hơn một mức, những trường hợp ho, sốt, phải xác định là F0, ngay từ cổng đã hướng dẫn phân luồng họ vào khám ở khu vực dành riêng cho người bệnh ho sốt và lấy mẫu xét nghiệm.

Theo một chuyên gia dịch tễ, trong tình hình dịch COVID-19 đang lây lan trong cộng đồng với hơn 500 ca bệnh chỉ trong 2 tuần qua, một phòng khám ở Hà Nội lại để người bệnh có triệu chứng từ vùng dịch tễ về nhà là điều quá nguy hiểm. Việc này phải làm rõ và xử lý nghiêm nếu có vi phạm về phòng chống dịch để các bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước lấy đó làm bài học. 

Trưa 13/5, Sở Y tế Hà Nội đã có Quyết định 226/QĐ-SYT đình chỉ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với Phòng khám Thu Cúc để xác minh và xử lý các thông tin liên quan đến quá trình tiếp nhận, xử lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận ngày 12/5 nhằm đảm bảo công tác an toàn phòng, chống dịch trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại Phòng khám theo quy định của Bộ Y tế. Phòng khám này chỉ được tiếp tục hoạt động khi được Sở Y tế cho phép bằng văn bản.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời gian tới Sở sẽ yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phải siết chặt toàn bộ quy trình sàng lọc, phân loại, phân luồng và tổ chức thực hiện giãn cách trong bệnh viện; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm Bệnh viện an toàn và phòng khám an toàn phòng chống COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế. Đồng thời, quản lý chặt toàn bộ đôi tượng có biểu hiện ho sốt, khó thở khi đến mua thuốc tại các nhà thuốc, các phòng khám tư

Theo quy định về phòng chống dịch COVID-19 hiện nay, tất cả các cơ sở y tế từ tư nhân đến công lập đều không được phép từ chối tiếp nhận bệnh nhân có yếu tố dịch tễ. Tất cả đều phải tổ chức khám, hướng dẫn bệnh nhân, nếu trong trường hợp cơ sở y tế không đủ năng lực bảo hộ để khám cho bệnh nhân thì phải liên hệ với cơ sở y tế địa phương.

Các bệnh viện cũng đã được phân tuyến, có bệnh viện chỉ được giao thực hiện khám, cách ly, có bệnh viện thực hiện điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Đối với bệnh viện chỉ khám, sàng lọc, nếu không đủ điều kiện làm xét nghiệm, phải hướng dẫn bệnh nhân đến nơi có đủ điều kiện xét nghiệm, không được “bỏ mặc” bệnh nhân trong cộng đồng.

Vừa qua, tại Bệnh viện Thanh Nhàn đã có nhân viên vệ sinh lây COVID-19 khi người này làm việc trong khu vực cách ly 11 ca bệnh dương tính từ Bệnh viện K chuyển sang. Tầm soát, sàng lọc phát hiện sớm ca bệnh trong cộng đồng là vô cùng quan trọng lúc này, khi chúng ta đang đương đầu với một đợt dịch COVID-19 nguy hiểm, khó khăn với đa ổ dịch, đa biến chủng.

Chiều ngày 13/5, kết luận cuộc họp  Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh yêu cầu công an TP vào cuộc, điều tra, xem xét xử lý trường hợp ca bệnh là Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) vì vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19.

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh khẳng định trường hợp ông N.V.T, bệnh nhân 3634, ở tại chung cư Central Point, 27 Lê Văn Lương (Thanh Xuân, Hà Nội) rõ ràng có vi phạm quy định về phòng, chống dịch.

Theo Chủ tịch Hà Nội, từ trường hợp này đã lây sang các trường hợp khác, có nhiều F1, nhiều khu vực tình hình phức tạp hơn: "Đại diện Công an TP về báo cáo với lãnh đạo Công an thành phố vào cuộc, xem xét hồ sơ trường hợp này theo quy định của pháp luật, gây hậu quả vì không khai báo y tế. Bản thân anh đi chơi golf trong giờ làm việc. Đã có quy định hạn chế tụ tập đông người mà dự liên hoan, bỏ mặc tất cả quy định. Vi phạm này xử lý thế nào", ông Chu Ngọc Anh nói thêm.

Trần Hằng-Ngọc Yến
.
.
.