Khẩn cấp bảo vệ “thành trì” chống dịch

Thứ Bảy, 08/05/2021, 08:41
Bệnh viện được coi là “thành trì” cuối cùng chống dịch COVID-19 bởi đó không chỉ là cơ sở điều trị cho người bệnh, mà nơi đó các nhân viên y tế phải được bảo vệ an toàn. Nếu hệ thống y tế bị dịch xâm nhập, nước ta sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Theo kinh nghiệm của các quốc gia, dịch bùng phát đợt sau thường khốc liệt hơn đợt trước. Đợt dịch thứ 4 ở Việt Nam được đánh giá là phức tạp hơn và chiều hướng khó khăn hơn các đợt dịch trước. Sau 9 ngày xuất hiện, dịch đã lan ra 18 tỉnh, thành với nhiều ổ dịch, nhiều nguồn lây nhiễm, 9 bệnh viện phải phong tỏa, trong đó có 2 bệnh viện tuyến Trung ương.

Nhân viên y tế vận chuyển hàng hoá, thiết bị trong Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, sau khi có quyết định phong tỏa. Ảnh: Nguyễn Khánh.

Dịch xuất hiện trong bệnh viện sẽ rất phức tạp

Sau Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ngày 7.5, BV K đã tạm đóng cửa cả 3 cơ sở vì phát hiện 11 ca dương tính gồm 7 bệnh nhân và 4 người nhà tới chăm bệnh.

Theo lãnh đạo BV K, 11 trường hợp dương tính này nằm trong 120 mẫu xét nghiệm là nhân viên y tế, người bệnh, người chăm bệnh mà BV đã chủ động lấy mẫu từ ngày 29/4, sau khi xuất hiện ca bệnh lây nhiễm cộng đồng tại Hà Nam.

Ngoài ra, BV cũng rà soát có 3 trường hợp gồm 2 nhân viên y tế là F1 (liên quan đến tiếp xúc với nhân viên y tế của BV Bệnh nhiệt đới Trung ương) và 1 nhân viên của Khoa Nội 6 đi trên chuyến bay VN160 ngày 29/4 cùng 2 chuyên gia Trung Quốc. Tất cả 3 trường hợp trên đã được cách ly theo chỉ đạo của CDC Hà Nội và có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính. Đến nay, kết quả của bác sĩ, nhân viên y tế Khoa Ngoại Gan – Mật – Tụy đều âm tính.

Theo đánh giá của PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tại buổi kiểm tra và làm việc vào sáng 5/7 tại BV K, cùng với các biện pháp về kiểm soát nhiễm khuẩn, hiện nay BV đang tăng cường chăm sóc và điều trị bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân nặng. BV phối hợp với CDC Hà Nội mở rộng xét nghiệm toàn bộ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế để sớm khoanh vùng dập dịch.

 Dịch bùng phát chỉ trong 9 ngày, COVID-19 đã lan ra 18, tỉnh, thành phố với gần 161 ca mắc, nhiều ổ dịch lớn, nhiều nguồn lây nhiễm khác nhau, trong đó có 2 ca mắc ở Đà Nẵng chưa rõ nguồn lây. Trong 9 ngày, cả nước đã có 9 BV phải phong tỏa, đóng cửa dừng đón tiếp bệnh nhân gồm: BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2; BV K; BVĐK khu vực Phúc Yên (Vĩnh Phúc); BV Phổi Lạng Sơn; BVĐK Thái Bình; BV Quân Y 105 Sơn Tây; BV Phong da liễu Trung ương Quỳnh Lập (Nghệ An); BV Hoàn Mỹ (Đà Nẵng); BV Medlatec cơ sở Nghĩa Dũng, Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội từng cho biết, điểm quan trọng nhất để bảo vệ Việt Nam tránh khỏi nguy cơ “vỡ trận” như Ấn Độ là bảo vệ thành trì y tế, không để COVID-19 xâm nhập vào BV một cách ồ ạt, vì BV là nơi có rất nhiều bệnh nhân bấp bênh trước ngưỡng sinh tử. Thành lũy cuối cùng của chúng ta là cơ sở y tế, nếu hệ thống BV suy yếu, thảm họa y tế sẽ xảy ra.

Cấp bệnh viện phải coi bệnh nhân đến là F0

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đợt dịch COVID-19 thứ 4 diễn biến phức tạp hơn với chiều hướng khó khăn hơn các đợt dịch trước. Dịch lần này xuất hiện nhiều chùm ca bệnh trong cộng đồng tại nhiều địa phương, do một số nơi vẫn còn lơ là, chưa thực hiện nghiêm quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia, của Bộ Y tế.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), giải pháp cấp bách hiện nay, khi có ca bệnh sốt, ho, khó thở phải xét nghiệm ngay ở phòng khám. Các BV phải đặt nguy cơ lớn nhất là lây nhiễm chéo nên phải đưa công tác phòng chống nhiễm khuẩn lên hàng đầu.

Vậy, giải pháp nào để ứng phó với làn sóng dịch lan vào BV hiện nay? Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, các BV phải có các thông báo từ cổng, tổ chức cách ly, phân luồng bệnh nhân và đặc biệt coi các bệnh nhân đến đều là F0 để có các biện pháp phòng tránh phù hợp. Tất cả các bệnh nhân đến đều được sàng lọc và khai báo y tế. Song song với đó, tổ chức sàng lọc xét nghiệm cho tất cả các nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ở các khu vực có dịch trong cộng đồng. Với các bệnh viện ở khu vực chưa có dịch trong cộng đồng thì định kỳ 3 ngày/tuần phải xét nghiệm cho các bác sĩ tuyến đầu như ở phòng khám bệnh, khoa hồi sức tích cực, thận nhân tạo và các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trong khu vực này.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhắc lại, tất cả các BV trên toàn quốc phải triển khai thực hiện nghiêm các hướng dẫn văn bản của Thủ tướng Chính phủ cũng như của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế về việc thực hiện giãn cách trong bệnh viện, thực hiện khuyến cáo 5K, hạn chế người nhà tới thăm bệnh nhân, tổ chức chăm sóc người bệnh toàn diện, kê giường bệnh giãn cách 2m. Đối với các bệnh nhân mãn tính, các bệnh viện kê đơn thuốc tùy theo tình trạng bệnh và tối đa được kê đơn thuốc 3 tháng và BHYT sẽ thanh toán, để họ không phải tới bệnh viện mà vẫn có thuốc.

“Chúng tôi đề nghị các Sở Y tế hướng dẫn chặt chẽ các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân. Các cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện nghiêm việc quản lý nhân viên y tế tránh lây dịch bệnh từ những nhà hàng, quán bar, quán karaoke…  Đồng thời lãnh đạo ngành y tế các địa phương phải quan tâm động viên các nhân viên y tế để cùng nhau đồng lòng phòng, chống dịch bệnh, bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân lây bệnh để chống dịch hiệu quả, ngăn chặn dịch bệnh lây lan”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Trần Hằng
.
.
.