Kết luận về 3 sự cố sản khoa tại Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng

Thứ Tư, 18/12/2019, 08:45
Ngày 17-12, Sở Y tế TP Đà Nẵng đã có thông báo kết luận của Hội đồng chuyên môn đánh giá sự cố sản khoa nghiêm trọng tại Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng, khiến 2 sản phụ tử vong, 1 sản phụ khác may mắn thoát chết nhờ được các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng nỗ lực cứu chữa.

Sau khi xảy ra 3 sự cố nêu trên, Sở Y tế TP Đà Nẵng đã lập Hội đồng chuyên môn để nghe báo cáo của Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng, nghiên cứu hồ sơ bệnh án, thu thập các thông tin dữ liệu có liên quan; họp thảo luận và đưa ra những đánh giá trên cơ sở nghiên cứu. Theo đó, Hội đồng chuyên môn kết luận “Cả 3 ca bệnh đều là sự cố y khoa nghiêm trọng, liên quan đến thuốc gây tê Bupivacaine”. 

Đại diện lãnh đạo Bộ Y tế và Sở Y tế TP Đà Nẵng thăm sản phụ H tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Về nguyên nhân sự cố, Hội đồng cho rằng, sản phụ T “tử vong nghĩ nhiều đến sốc phản vệ, hoặc ngộ độc thuốc tê; sản phụ S “tử vong nghĩ nhiều đến do ngộ độc thuốc tê”, còn sản phụ H lâm vào tình trạng nguy kịch, hôn mê (đã được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cấp cứu, điều trị kịp thời và hiện đã xuất viện) được “chẩn đoán ngộ độc thuốc tê Bupivacaine (do Ba Lan sản xuất, Công ty CP Dược Trung ương I nhập khẩu, phân phối).

Nhưng mặc khác, thông báo lại giải thích, kết quả kiểm nghiệm ngày 9-12 của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương về mẫu thuốc Bupivacaine (49Gt115 và 49Gt 116) đạt yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn cơ sở. Tính tới thời điểm xảy ra 3 sự cố tại Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng (từ 22-10 đến 17-11-2019), Sở Y tế TP chưa nhận được văn bản nào liên quan đến lô thuốc gây tê đã sử dụng cho các ca bệnh nêu trên từ Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) hay các cơ quan quản lý chuyên môn có liên quan và nhà cung ứng thuốc. 

Thông báo khẳng định cả hai ca tử vong không phải là do phẫu thuật và các y, bác sĩ Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng đã xử trí theo hướng sốc phản vệ và điều trị ngộ độc thuốc tê là đúng. 

Tuy nhiên, bệnh viện chưa tổ chức Hội đồng phân tích tìm nguyên nhân của ca bệnh và không báo cáo ngay phản ứng có hại của thuốc (ADR) trên hệ thống khi sự cố xảy ra. 

Cần lưu ý ở ca thứ 2, “bệnh viện chưa tiên lượng tốt ca bệnh này sẽ chuyển theo chiều hướng nặng hơn nên, việc cấp cứu và theo dõi điều trị sau mổ tại bệnh viện quá lâu trước khi chuyển bệnh nhân kịp thời đến tuyến trên”. 

Đối với ca sản phụ H., Hội đồng đánh giá Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng đã xử lý đúng và chuyển viện kịp thời. Đơn vị tuyến trên tiếp nhận bệnh nhân (Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng) đã cấp cứu ngay theo hướng xử lý ngộ độc thuốc tê nên đã cứu sống được bệnh nhân. Sở Y tế Đà Nẵng đã yêu cầu Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng rút kinh nghiệm sâu sắc về các ca bệnh đã xảy ra sự cố y khoa này. 

Tập trung chú ý ở khâu tiên lượng bệnh, triển khai báo cáo ngay các sự cố y khoa nghiêm trọng theo quy định. Kết luận của Hội đồng không giải thích tại sao thuốc gây tê Bupivacaine đạt yêu cầu chất lượng tiêu chuẩn cơ sở nhưng “liên quan” đến 3 sự cố sản khoa nghiêm trọng liên tiếp, đồng thời cũng không thông tin về việc nên tiếp tục sử dụng loại thuốc gây tê này hay không.

Được biết, Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng hoạt động như một bệnh viên tư, dưới hình thức trực thuộc Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh. Suốt gần 10 năm thành lập và đi vào hoạt động, Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng đã thực hiện 11.126 ca mổ lấy thai, chưa gặp biến cố về gây tê gây mê. 

Sau các sự cố ý khoa nói trên, mới đây, ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng và BanVăn hóa- xã hội HĐND TP đã đề nghị UBND TP Đà Nẵng sớm chuyển Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng sang hình thức công lập.

Thân Lai
.
.
.