Bé trai bị ổ khóa “ngoạm” chặt ngón tay

Chủ Nhật, 06/12/2020, 12:50
Ngày 6/12, Bệnh viện ( BV) Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh thông tin, các bác sĩ vừa sơ cấp cứu thành công cho bé trai H.M.K.(SN 2017, ở Đồng Nai) được người nhà hối hả đưa vào BV trong tình cảnh vô cùng đau đớn vì ngón tay cái bị kẹt cứng vào ổ khóa xoay.



Các bác sĩ cấp cứu vừa nhanh chóng dùng các thuốc men để giảm đau vừa dỗ dành bé và tìm hiểu nguyên nhân xảy ra vụ việc.

Người nhà của bé cho biết, không ai rõ nguyên nhân vì sao bé trai 3 tuổi này bị chiếc ổ khóa “ngoạm” chặt ngón tay như vậy. Chỉ biết trước đó, cậu bé chơi một mình trong nhà rồi khóc thét lên, nghe tiếng khóc, mọi người chạy đến và hoảng hốt tìm cách lấy ngón tay  bé ra khỏi ổ khoá. Loay hoay cả tiếng đồng hồ mà không thể nào cứu bé được, người nhà phải tháo ổ khóa mang theo cùng cậu bé chạy thẳng lên cấp cứu trong BV Nhi đồng 2.

Đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp tương tự, bác sĩ Nguyễn Trung Nhân - Khoa bỏng- chỉnh hình cùng ekip trực nhanh chóng trấn an gia đình và làm thủ tục cho bé lên phòng mổ để xử lý. 

Người nhà lúng túng đành đưa bé cùng ổ khoá “ngoạm” chặt ngón tay cái của con vào Bệnh viện.

Các bước làm bung ổ khoá xoay nếu không may gặp tai nạn tương tự.

Thật ra ổ khóa xoay có một chốt an toàn, ekip ấn vào nút này và nhẹ nhàng tách rời từng bộ phận của ổ khóa. Ngón tay cái của cậu bé được giải cứu trong vài nốt nhạc. May mắn ngón tay bé chỉ bị đứt một lớp da mỏng. Sau khi được bác sĩ khâu vết thương và chăm sóc ổn định, bé đã được xuất viện.
Các bác sĩ đã lấy thành công ngón tay cái của bé ra khỏi ổ khoá trong tình trạng bầm tím, trượt da và chảy máu.

Các bác sĩ cho biết, giai đoạn 1-3 tuổi, bé hay tò mò và thích khám phá đồ vật và mọi thứ xung quanh. Ngoài việc cho đồ vật vào miệng hoặc chuyền vật trên tay, trẻ còn quan sát các hành động của người lớn và bắt chước theo. Có những trẻ hiếu động hơn, chạy nhảy, nghịch các thiết bị dẫn đến tai nạn đáng tiếc, những vật dụng tưởng chừng ngoài khả năng tai nạn như ổ khóa này trong một số tình huống cũng nguy cơ gây tổn thương. 

Để đảm bảo sức khỏe nhưng vẫn giúp con học hỏi xung quanh, phụ huynh hãy tạo cho con môi trường khám phá an toàn, bằng cách luôn kiểm tra trong nhà và đặt những vật có khả năng gây nguy hiểm ngoài tầm với của con. Cùng con làm những “qui ước cảnh báo” như vật dụng giấy, bìa tạo hình gây chú ý, thành hình “vòng tròn cấm”, rồi cho con tô màu, phụ huynh cắt và dán vào những nơi cảnh báo trẻ không nên chơi; kiểm tra và sửa sang tại các khu vực nhất là buồng tắm, toa lét, nơi nào có hiện tượng dễ gây trơn trượt hay rò rỉ hệ thống điện thì cần làm an toàn lại, tránh cho trẻ nhỏ mọi sự cố tai nạn thương tích…

H.Nga
.
.
.