"Hoá giải" vòng thắt bẩm sinh, lấy lại ngón tay xinh cho bé gái Campuchia

Thứ Năm, 25/10/2018, 17:02

Chiều 25-10, các bác sĩ Bệnh viện Quốc tế City đã vui mừng cho biết họ vừa phẫu thuật thành công một ca mắc "hội chứng dính ngón bẩm sinh" là một bé gái 2 tuổi người Campuchia. Ca phẫu thuật đòi hỏi chuyên môn khó đã xử lý tách rời hoàn toàn phần dính ngón dị tật ở cả bàn tay trái và bàn chân trái cho bệnh nhi.


Trước đó, bé T.Darika ( 2 tuổi), quốc tịch Campuchia nhập viện Bệnh viện Quốc tế City để kiểm tra vào sáng 23-10. 

Theo kết quả chụp X-Quang cho thấy bé bị thiểu sản các xương ngón tay và dính ngón. Sau 2 tiếng phẫu thuật bằng phương pháp giải phóng vòng thắt, tách ngón thứ 3 và thứ 4 bàn tay trái và ngón thứ 2, thứ 3 bàn chân trái, đến 11 h ngày 23-10, ca mổ kết thúc thành công tốt đẹp.

  Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh, người trực tiếp phẫu thuật cho bé T.Darika tại Bệnh viện Quốc tế City nói xúc động: “Nhóm bác sĩ chúng tôi cũng rất lo, ca mổ vượt qua nhiều khó khăn, nhưng thật vui mừng vì giờ đây bàn tay bé đã có đủ 5 ngón xinh xinh".

Dị tật "Vòng thắt bẩm sinh" khiến các ngón tay bé bị dính (hình trái) đã được tách rời thành côngsau ca mổ ( hình phải)
Theo bác sĩ Xuân Anh, sau khi các ngón được tách rời độc lập, theo thời gian, các đốt ngón tay sẽ dài ra nhanh và tốt hơn vì xương bé còn sụn tăng trưởng. Hiện các ngón tay tuy ngắn nhưng bé vẫn có thể cầm nắm các vật nhỏ, cầm viết và tập vở. Sau này khi trưởng thành, qua tập luyện vật lý trị liệu các ngón tay sẽ linh hoạt hơn nhiều. Ngoài ra, bé có thể dùng phương pháp thẩm mỹ hỗ trợ là gắn ngón tay silicon hoặc phẫu thuật kéo dài, ghép xương ngón.
Gia đình bệnh Nhi vui một thì bác sĩ vui mười vì ca mổ rất khó đã thành công.

 Được biết, "vòng thắt bẩm sinh – vòng thắt dây dính" là bệnh lý hình thành trong bào thai nước ối, quấn các chi khiến máu nuôi dưỡng dẫn đến bàn tay, bàn chân không phát triển từ trong bụng mẹ. Đến nay, y học vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân cụ thể dẫn đến bệnh cảnh hiếm gặp này. Trẻ khi mắc bệnh này sẽ khó điều trị khi một hoặc nhiều ngón tay hoặc chân dính liền với các ngón còn lại, gây biến dạng dẫn đến khó khăn trong sinh hoạt, cầm nắm và mất thẩm mỹ.

 Tuy nhiên, việc phẫu thuật tách dính ngón rất phức tạp, tạo áp lực rất lớn cho bác sĩ bởi đòi hỏi kỹ thuật chuyên môn cao, thời gian phẫu thuật kéo dài, chưa kể sau mổ còn nhiều nguy cơ như: hoại tử vạt da ghép, hoại tử ngón tay sau phẫu thuật, tổn thương thần kinh ngón, có thể khiến ngón tay của trẻ mất cảm giác. Theo thời gian, trẻ có thể bị sẹo co dính lại ngón, cần phải phẫu thuật tiếp. Do vậy, việc phẫu thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ, chi tiết. Vì vậy, bác sĩ cần phải có kỹ thuật, chuyên môn giỏi mới có thể thực hiện thành công ca mổ khó về hội chứng dính ngón.

Trước đây, Bệnh viện Quốc tế City cũng đã từng thực hiện ca mổ tách ngón thành công cho bé 10,5 tháng tuổi tại Gia Lai. Hy vọng, với sự tiến bộ của Y Khoa cùng nỗ lực của các bác sĩ, những bé không may mắn bị dị tật trên vẫn có thể có được đôi bàn tay, bàn chân hoàn chỉnh, bình thường như bao trẻ em khác.

Huyền Nga
.
.
.