Hiệu quả quản lý bệnh không lây nhiễm từ y tế cơ sở

Thứ Ba, 17/12/2019, 21:11
Bệnh không lây nhiễm (tim mạch, ung thư, đái tháo đường, tăng huyết áp) đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam khi cứ 10 ca tử vong thì có 8 ca do bệnh không lây nhiễm. Giảm tỷ lệ mắc và tử vong sớm cho những người mắc bệnh không lây nhiễm là mục tiêu mà Việt Nam đang thực hiện. 

Triển khai Chương trình Sức khỏe Việt Nam, Bộ Y tế, UBND các tỉnh đang đẩy mạnh công tác phát hiện, quản lý bệnh không lây nhiễm tại các trạm y tế cấp xã trên toàn quốc, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm

Bệnh tim mạch là bệnh không lây nhiễm (BKLN) phổ biến nhất ở Việt Nam, là kẻ "giết người số một" khi chiếm tới hơn 30% số ca tử vong trên cả nước. Tăng huyết áp (THA) và đái tháo đường (ÐTÐ) là nguyên nhân quan trọng của bệnh tim mạch. Ðáng lo ngại, cứ 5 người trưởng thành ở Việt Nam thì có một người bị THA và cứ hơn 20 người thì có một người ÐTÐ. 

Tuy nhiên, hiện số người được chẩn đoán bệnh ÐTÐ trong độ tuổi từ 18 đến 69 tuổi mới đạt 31,1%, THA là 43,1%; số người được quản lý tại các cơ sở y tế về bệnhp ÐTÐ mới đạt 28,9% và bệnh THA là 13,6%... và 70% số người bệnh nằm điều trị tại các cơ sở y tế là mắc các bệnh BKLN. Nguy hiểm hơn, trên 90% người bị tiền ĐTĐ nhưng lại không biết bệnh của mình.

Bác sĩ Trạm Y tế phường 16, quận 4 và người bệnh đang trao đổi và nhận tư vấn chuyên môn của bác sĩ chuyên khoa tim mạch của BV Nguyễn Trãi

Gánh nặng bệnh tật do BKLN là rất lớn, có người khi tới cơ sở y tế, bác sĩ hỏi ra mới biết, 5 năm người đó không đi khám bệnh lần nào. Do vậy, một số BKLN đã không được phát hiện, khi phát hiện bệnh thì phần lớn đã muộn.

Để giảm số người mắc và tử vong, người dân phải khám bệnh định kỳ, chẩn đoán phát hiện bệnh sớm. Để làm được điều này, y tế cơ sở đóng vai trò rất quan trọng. Bộ Y tế cũng như các địa phương đang tăng cường chất lượng của hệ thống y tế cơ sở, nhằm đảm bảo cho mọi người dân được quản lý, chăm sóc sức khỏe ngay tại nơi mình sinh sống.

Nam Định là một trong những địa phương làm tốt điều này. Sở Y tế Nam Định cho biết, không chỉ cán bộ y tế tuyến tỉnh mới được tập huấn chuyên môn về quản lý điều trị THA theo nguyên lý Y học gia đình mà tại tuyến cơ sở như các bệnh viện huyện, thành phố, tuyến xã cũng được tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng, sàng lọc, phát hiện, quản lý bệnh THA, ĐTĐ.  

Qua đó, Nam Định đã triển khai khám sàng lọc phát hiện bệnh ĐTĐ tại 15 xã của 2 huyện, mỗi xã 300 đối tượng (tổng số được khám là 4.500 người) có yếu tố nguy cơ cao. Ngoài ra, một số huyện, thành phố cũng triển khai hoạt động khám sàng lọc THA, tổng số người được khám sàng lọc là 1800 người, số người phát hiện THA là 462 người (chiếm 25.66%), số bệnh nhân được đưa vào quản lý là 460 người.

Năm 2019 ngành Y tế Nam Định đã tăng cường hoạt động truyền thông tại cộng đồng, tăng cường hoạt động thăm hộ gia đình của y tế thôn để truyền thông, tư vấn cho người dân để người dân tự đánh giá nguy cơ mắc bệnh của mình, tự tìm đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám, phát hiện sớm và điều trị.

Theo ông Khương Thành Vinh, Phó Giám đốc Sở Y tế Nam Định, Sở còn đẩy mạnh đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế xã, nhất là y tế thôn. Có phác đồ điều trị chuẩn các BKLN được áp dụng tại các tuyến từ trung ương đến địa phương để bệnh nhân yên tâm điều trị tại các tuyến cơ sở. Mở lớp bồi dưỡng chuyên môn, kỹ thuật xét nghiệm, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác điều trị, quản lý BKLN.

Lập hồ sơ quản lý sức khỏe

Tại Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đến năm 2025, phấn đấu hơn 90% dân số được quản lý sức khỏe; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số BKLN. Ðến năm 2030, phấn đấu hơn 95% dân số được quản lý sức khỏe; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số BKLN. 

Còn theo Quyết định số 2559/QĐ-BYT của Bộ Y tế, đến năm 2020, ít nhất 40% người trưởng thành từ 40 tuổi trở lên được đo huyết áp và đánh giá nguy cơ ÐTÐ; ít nhất 70% trạm y tế thực hiện dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý THA theo nguyên lý y học gia đình…

Ðể thực hiện các mục tiêu nêu trên, Bộ Y tế đã tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan để phát huy vai trò bác sĩ đa khoa, bác sĩ gia đình trong thực hiện dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý THA, ÐTÐ; sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy để bảo đảm người bệnh THA, ÐTÐ khi các cơ sở KCB tuyến trên kê đơn điều trị, sẽ được tiếp tục tiếp cận các thuốc này tại cơ sở KCB tuyến huyện và trạm y tế xã. Ngành y tế cũng đang xây dựng tài liệu hướng dẫn về giám sát, báo cáo hoạt động điều trị, quản lý THA và ÐTÐ theo nguyên lý y học gia đình tại các trạm y tế xã…

 TP Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình. Đến tháng 11/2019, thành phố đã có 21/24 trạm y tế chuyển đổi hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình.  Đến khám bệnh tại Trạm Y tế phường 16, quận 4 (Trạm Y tế thứ 21 chuyển đổi), ông P.V.B, 68 tuổi, thật sự yên tâm khi quyết định chọn trạm y tế gần nhà là nơi khám, chữa bệnh ban đầu vì thuận tiện đi lại, cơ sở khang trang, không phải chờ đợi như đến bệnh viện, và được BHYT chi trả toàn bộ. Nhưng điều làm ông yên tâm nhất chính là được bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Nguyễn Trãi tư vấn từ xa, giải thích thêm về hướng điều trị đối với bệnh THA của mình.

Để chuẩn bị cho Trạm Y tế phường 16, quận 4 chính thức đổi mới hoạt động, Sở Y tế đã phân công BV Nguyễn Trãi, BV Hùng Vương và BV Nhi Đồng 2 chịu trách nhiệm hỗ trợ tư vấn chuyên môn cho bác sĩ của Trạm.  

Bên cạnh đó, Trạm Y tế phường 16, quận 4 đã được được nâng cấp khang trang theo quy chuẩn của Bộ Y tế đối với một trạm y tế khi chuyển đổi hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình. Bệnh viện quận 4 điều động luân phiên bác sĩ tham gia khám, chữa bệnh ban đầu tại Trạm và tiếp nhận các bác sĩ của Trạm y tế đến thực hành nâng cao tay nghề. Hoạt động quan trọng tiếp theo chính là mỗi người dân sẽ được Trạm y tế lập hồ sơ sức khỏe điện tử để được quản lý sức khoẻ một cách toàn diện và liên tục.

Để quản lý, chăm sóc sức khỏe cho người dân, các trạm y tế sẽ tiến tới lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho cá nhân, đây là yếu tố then chốt để theo dõi, cập nhật tình hình sức khỏe của từng người, qua đó kịp thời phát hiện người mắc THA, ĐTĐ, nguy cơ tim mạch và một số ung thư phổ biến.

Minh Thư
.
.
.