4% dân số Việt Nam bị mắc các chứng bệnh trầm cảm

Thứ Sáu, 07/04/2017, 16:18
Ngày 6-4, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Bộ GĐ-ĐT đã tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Sức khỏe Thế giới (7-4) với chủ đề “Hãy cùng trò chuyện để phòng chống trầm cảm”.


WHO ước tính khoảng 4% dân số Việt Nam bị mắc các chứng bệnh trầm cảm. Nguyên nhân do bị căng thẳng, bị sang chấn tâm lý hoặc sau khi mắc bệnh khác. Hậu quả của trầm cảm gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, khả năng học tập, lao động của người bệnh và dễ dẫn đến những hành động khó kiểm soát và có thể là tự tử.

Phát biểu tại lễ mít tinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Trầm cảm đang là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trên toàn cầu cũng như Việt Nam. Tuy nhiên đối với hoạt động phòng, chống trầm cảm cũng còn nhiều khó khăn, thách thức nên hầu hết những người bị trầm cảm chưa được phát hiện, để điều trị và chăm sóc đầy đủ. Sự thiếu hiểu biết về bệnh này dẫn đến kỳ thị, phân biệt đối xử với người rối loạn trầm cảm.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Bộ Y tế coi trầm cảm là một vấn đề ưu tiên trong chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần. Để dự phòng và kiểm soát trầm cảm hiệu quả, ngành y tế cần tiếp tục tập trung vào các giải pháp: Đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông để người dân có thể nhận biết, phát hiện sớm để đi khám, tư vấn và điều trị kịp thời, biết cách hỗ trợ, giúp đỡ, tạo môi trường hòa nhập và không kỳ thị, phân biệt đối xử với người có rối loạn trầm cảm.

Mít tinh nhân Ngày Sức khỏe Thế giới với chủ đề “Hãy cùng trò chuyện để phòng chống trầm cảm”. 

Phối hợp triển khai các chính sách, chương trình nâng cao sức khỏe tâm thần phù hợp với các nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao như học sinh và thanh thiếu niên, phụ nữ trước và sau sinh và người cao tuổi, thông qua các mô hình trường học nâng cao sức khỏe, tăng cường kỹ năng sống, câu lạc bộ sức khỏe, chương trình tăng cường hoạt động thể lực cho người dân.

Tăng cường năng lực hệ thống y tế tuyến cơ sở để cung cấp các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, quản lý, tư vấn, chăm sóc cùng với phối hợp để phát triển các dịch vụ tâm lý trị liệu, phục hồi chức năng và hỗ trợ xã hội cho người mắc bệnh ở cộng đồng.

Học sinh và thanh thiếu niên là nhóm có nguy cơ cao bị rối loạn trầm cảm vì vậy nhà trường đóng vai trò rất quan trọng trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho các em.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế khuyến cáo: Trầm cảm không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Bất kỳ ai cũng có thể mắc trầm cảm. Để dự phòng bệnh trầm cảm, bạn hãy trò chuyện với mọi người bởi vì trò chuyện là một trong những biện pháp đơn giản nhất để phòng và điều trị trầm cảm.



Thanh Hằng
.
.
.