Hai bệnh nhân may mắn "bứng"được khỏi ổ bụng những khối bướu "khủng"

Thứ Ba, 13/09/2016, 17:49
Suốt 30 năm làm nghề nhưng trực tiếp phẫu thuật và bóc tách thành công cho những trường hợp có khối "bướu sau phúc mạc" nặng tới 6-7 kg như 2 trường hợp bệnh nhân Đỗ Đức L.( 60 tuổi, ngụ tại Biên Hoà, Đồng Nai) và Võ Bảo C.( 30 tuổi, ngụ tại Mỹ Xuyên-Sóc Trăng), theo nhận định của TS.BS Thái Minh Sâm- Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh là: "Cả đời làm bác sĩ tối mới gặp lần đầu".

Ngày 13-9, khi BV Chợ Rẫy cho thông tin các trường hợp trên thì họ hiện đều đã được xuất viện và sức khoẻ đang dần ổn định.

Những khối bướu "khủng" sau khi được bóc tách khỏi cơ thể 2 bệnh nhân.

"Bướu sau phúc mạc" là bệnh lý không phải hiếm, hay thường gặp với khoảng 80 trường hợp nhập vào BV Chợ Rẫy mỗi năm. BV Chợ Rẫy cũng là nơi tiếp nhận nhiều ca nhất tại phía Nam mắc căn bệnh này. Tuy nhiên 2 ca trên có nhiều dấu hiệu đặc biệt, đáng lưu ý.

Trường hợp bệnh nhân Đỗ Đức L. nhập BV Chợ Rẫy vào ngày 5-7-2016 với bệnh cảnh: bụng to, đau bụng.

Bệnh nhân này cho biết, cách đó khoảng 8 tháng, bụng anh có triệu chứng to dần và 4 tháng trước ngày nhập viện thì to nhanh khủng khiếp, khiến anh không thể thở được khi nằm ngủ. Anh cũng đã đi khám nhiều nơi nhưng không phát hiện ra khối bướu. 

Gần đây, khi tới khám tại Trung tâm Ung bướu – BV Chợ Rẫy, các bác sĩ qua kết quả siêu âm và CT đã chẩn đoán, khối bướu sau phúc mạc thuộc loại "u tế bào hình thoi", thuộc loại lành tính. Bác sĩ đã ra chỉ định phẫu thuật, nhưng do quá sợ phẫu thuật nên anh về nhà mua thuốc Đông y uống, cho tới ngày 5-7 không chịu nổi cơn khó thở do khối bướu hành hạ, anh quay trở lại BV Chợ Rẫy.

Lúc này, khối bướu đã rất lớn, có đặc tính: chắc, đặc, ít di động, thậm chí khối bướu đã đẩy toàn bộ cơ quan nội tạng trong khoang bụng của bệnh nhân ra phía trước. Nhưng rất may chưa xâm lấn hay làm tổn thương các cơ quan, không xâm lấn những mạch máu lớn. 

Chỉ định phẫu thuật được thực hiện cho bệnh nhân vào ngày 27-7-2016. TS.BS Thái Minh Sâm và các cộng sự đã đứng trong phòng mổ suốt 5 h đồng hồ và "bứng" trọn khối bướu sau phúc mạc (trái) ra ngoài, có kích thước 44X43 cm, nặng tới 6,7kg.

Bệnh nhân cũng đã được truyền máu liên tục, khoảng 30 các chế phẩm máu(hồng cầu, tiểu cầu,... tương đương gần 6 lít máu).

Hình ảnh bên ngoài bụng bệnh nhân Võ Bảo C. trước và sau khi được phẫu thuật.

Bệnh nhân Võ Bảo C. cũng được chẩn đoán mang khối "bướu sau phúc mạc", nhập BV Chợ Rẫy ngày 25-8, phẫu thuật ngày 1-9-2016. Bệnh nhân C. cũng có triệu chứng bụng to lên nhanh chóng cách đây khoảng 2 tháng, khó thở, không thể nằm ngủ giường nổi, phải nằm võng. Kết quả CT tại Chợ Rẫy cho thấy khối bướu rất to, đã "ăn" lấn các cơ quan nội tạng, đẩy cả 2 quả thận bệnh nhân về một bên. Ngày 1-9, ca phẫu thuật cho bệnh nhân được thực hiện, các bác sĩ cũng đã lây ra khỏi cơ thể bệnh nhân một khối bướu có kích thước 53cmX35, nặng 7,3kg.

Điều kì diệu là chỉ sau phẫu thuật 04 ngày, bệnh nhân C. đã được xuất viện.  

Theo TS.BS Thái Minh Sâm, Y văn ghi nhận, tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh bướu sau phúc mạc chiếm khoảng 2% trong các bệnh về U, bướu. Điều trị bằng phẫu thuật là chính. Nguyên nhân gây bệnh thường hình thành từ tế bào có nguồn gốc phôi thai ( chiếm trên 30% số ca mắc) hoặc từ tế bào thần kinh ( chiếm dưới 30% số ca); Đa số là bướu ác tính. 

Tuy nhiên, khác với các bệnh ung thư gan, ung thư ruột, dạ dày...bướu sau phúc mạc ít gây di căn, nên sau khi phẫu thuật, được lấy trọn, khả năng di căn là rất thấp, cũng có những trường hợp phải tái phẫu thuật nhưng 70% bệnh nhân được phẫu thuật có cuộc sống tốt.

Trong số khoảng 80 trường hợp "bướu sau phúc mạc" được nhập viện điều trị mỗi năm tại BV Chợ Rẫy cho thấy, đa số bệnh phát hiện ở người tuổi còn trẻ, trong độ tuổi lao động. Do vậy, với căn bệnh này để phòng tránh nên đi khám định kì thường xuyên.

Việc CT, siêu âm sẽ hỗ trợ giúp tìm ra bệnh để kịp thời chữa trị khi bướu còn nhỏ, vì với tất cả các bệnh về u, bướu mà để tới khi phát hiện bằng cách sờ thấy, siêu âm thấy quá lớn, gây đau, hay gây phù thũng ở cơ thể thì có nghĩa bướu đã gây biến chứng. Nếu bướu "ăn", xâm lấn trúng mạch máu lớn của cơ thể, hay lấn quá nhiều tới cơ quan nội tạng, khi cân nhắc tiến hành phẫu thuật mà gây mất quá nhiều máu, "không có đường trở lui" thì bác sĩ cũng không dám phẫu thuật.

Huyền Nga
.
.
.