Ra đời 5 Trung tâm pháp y tâm thần khu vực:

Góp phần quan trọng giải quyết các vụ án chính xác

Thứ Năm, 18/06/2015, 04:10
Ngày 17/6, Bộ trưởng Bộ Y tế đã công bố thành lập 5 Trung tâm pháp y tâm thần (PYTT) khu vực trực thuộc Bộ Y tế, với sự tham dự của đại diện Văn phòng T.Ư Đảng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ban Tuyên giáo T.Ư, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư Pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát tối cao, Bộ Nội vụ vv…

5 Trung tâm PYTT gồm: Trung tâm ở miền núi phía Bắc đặt tại tỉnh Phú Thọ,;  Trung tâm PYTT khu vực miền Trung đặt tại tỉnh Thừa Thiên Huế; Trung tâm PYTT khu vực TP Hồ Chí Minh; Trung tâm PYTT khu vực Tây Nguyên và Trung tâm PYTT khu vực Tây Nam Bộ tại Cần Thơ. Các Trung tâm này sẽ chịu trách nhiệm giám định PYTT theo quyết định trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và theo yêu cầu của cá nhân và tổ chức cho các đối tượng trên địa bàn mình phụ trách, bảo đảm chính xác và hiệu quả trong việc thực hiện điều tra, giải quyết các vụ án.

Việc thành lập 5 Trung tâm PYTT đặc biệt có ý nghĩa. Theo báo cáo của Viện Giám định PYTT T.Ư, những năm gần đây, số vụ trưng cầu giám định PYTT gia tăng, nội dung trưng cầu, tính chất cũng ngày càng phức tạp. Mà, giám định PYTT có vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt với hoạt động tố tụng, góp phần giải quyết các vụ án chính xác, khách quan đúng pháp luật.

Giám định PYTT còn là một mắt xích quan trọng trong hoạt động xét xử, để đảm bảo đúng người đúng tội, công minh, công bằng của pháp luật, góp phần giữ vững ANCT -TTATXH, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, tập thể và mọi cá nhân. Hiện nay, tội phạm và các tranh chấp có liên quan đến y học ngày càng nhiều và phức tạp, nên đòi hỏi cấp bách việc hoàn thiện tổ chức giám định PYTT, phát triển đội ngũ giám định viên có trình độ cao, mới có thể đáp ứng yêu cầu công tác giám định PYTT.

Nhiệm vụ trọng tâm của giám định PYTT là xác định các đối tượng phạm tội nghi ngờ có rối loạn tâm thần xem họ có bệnh tâm thần hay không, họ mắc bệnh gì và mức độ bệnh. Từ đó xác định năng lực hành vi đối với người có hành vi vi phạm pháp luật. Trên cơ sở đó cơ quan tiến hành truy tố, xét xử quyết định năng lực hành vi dân sự; trách nhiệm hình sự của người vi phạm pháp luật. Đối tượng hướng đến của giám định PYTT là tình trạng sự khỏe tâm thần, trách nhiệm pháp lý, danh dự nhân phẩm của con người - một trong những khách thể được Nhà nước coi trọng bậc nhất và bảo vệ triệt để.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Trong quá trình giám định cần tổ chức, quản lý đối tượng giám định theo quy trình nghiêm ngặt, tránh hậu quả đáng tiếc khi người tâm thần có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Hoạt động giám định PYTT còn có nhiệm vụ quản lý, điều trị bắt buộc các đối tượng có rối loạn tâm thần. Giám định PYTT còn đánh giá mức độ tổn hại về sức khỏe tâm thần của người bị hại, đánh giá năng lực chịu trách nhiệm hành vi của nguyên đơn, bị đơn, người làm chứng… trong các vụ việc dân sự, hành chính.

Để phục vụ công tác điều tra xét xử của các cơ quan pháp luật được tốt, thực sự bảo đảm dân chủ trong hoạt động tố tụng của hệ thống tư pháp, bảo vệ quyền lợi cho người bệnh tâm thần, tránh cho xã hội những tổn thất do người bệnh tâm thần gây ra thì việc xây dựng lại mạng lưới tổ chức, chấn chỉnh lại hoạt động, chuyên nghiệp hoá tổ chức giám định pháp y tâm thần trên toàn quốc phù hợp nhu cầu thực tế xã hội hiện nay là vấn đề cấp thiết và rất quan trọng.

Thanh Hằng
.
.
.