Giảm chuyển tuyến nhờ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Thứ Ba, 08/12/2020, 21:12
Nhờ triển khai nhiều kỹ thuật cao, kết nối khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến trên, Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu và Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên, huyện Mộc Châu, Sơn La đã cứu sống nhiều ca bệnh nặng, tỷ lệ bệnh nhân không phải chuyển tuyến ngày cang cao, mang lại niềm tin cho người bệnh.

Để giữ chân bệnh nhân, Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu và Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên đã không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ, đồng thời triển khai kỹ thuật cao vào chẩn đoán và điều trị bệnh.

Nếu như trước đây, Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu điều trị chưa được 10.000 nghìn bệnh nhân nội trú thì nay đã tăng lên 16.000 người mỗi năm.

Bệnh nhân đang đợi khám tại Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu.

Ths.BS Vũ Giang An, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu cho biết, bệnh viện được đầu tư đa phòng mổ, 3 máy gây mê, thiết bị máy City 16 dẫy, hệ thống nội soi, điện não, lưu huyết não hiện đại. Bệnh viện có đầy đủ hệ thống hồi sức cấp cứu, tại đây có bệnh nhân thở máy lên tới nửa năm. “Đây là lĩnh vực Bệnh viện có thế mạnh, đã làm được tiêu sợi huyết với trường hợp đột quỵ não đến sớm”, BS Giang nhấn mạnh.

Từ 10 năm trước, Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu đã triển khai phẫu thuật nội soi. Trong những năm qua, bệnh viện không ngừng đưa bác sĩ đi đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, đến nay hầu như các phẫu thuật nội soi đã được triển khai tại bệnh viện. Đặc biệt, từ năm 2019, bệnh viện triển khai nội soi tuyến giáp và là bệnh viện đầu tiên của Sơn La triển khai kỹ thuật này.

Mặc dù là bệnh viện tuyến huyện, song từ năm 2015 Bệnh viện Đa khoa Sơn La đã triển phẫu thuật thay khớp háng, khớp gối. Đến năm 2018, bệnh viện tiếp tục triển khai phẫu thuật nội soi khớp vai. Đặc biệt, bệnh viện đã phẫu thuật sọ não từ năm 2016 và kỹ thuật này đã trở thành thường quy.

Về lĩnh vực sản khoa, các trường hợp mổ mở, mổi nội đều tiến hành ngay tại Bệnh viện, nhiều ca bệnh khó không phải chuyển tuyến điều trị. Đặc biệt, từ năm 2016, bệnh viện đã đón em bé đầu tiên chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Đến nay, bệnh viện là địa chỉ tin cây của nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn. Đặc biệt, bệnh viện còn nuôi thành công trẻ sinh non tháng, nặng 1kg.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu đang thăm khám cho bệnh nhân.

Trong những năm qua, Bệnh viện không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đặc biệt quan tâm đến người bệnh bằng việc triển khai hệ thống chuông bấm gọi; thành lập tổ công tác xã hội, tổ này có trách nhiệm gọi điện thông báo, nhắc bệnh nhân tái khám, hoặc gọi hỏi thăm tình trạng bệnh nhân đối với trường hợp nặng ra viện.

Theo chia sẻ của BS Vũ An Giang, từ năm 2020 Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu tham gia khám chữa bệnh từ xa Telehealth với Bệnh viện ĐH Y Hà Nội. “Sau 5 tháng triển khai, lợi ích của bệnh nhân thu được rất lớn. Có nhiều trường hợp nặng xử lý được ở bệnh viện mà không phải chuyển tuyến. Những ca không đủ trang thiết bị thì chúng tôi mới chuyển tuyến, nhưng trước khi đi, bệnh nhân đã biết rõ tình trạng bệnh của mình”, BS Giang đánh giá.

Điển hình từ lợi ích của khám, chữa bệnh từ xa là bệnh viện đã phẫu thuật cấp cứu được nhiều bệnh nhân bị chấn thương sọ não, người bệnh ra viện có cuộc sống cải thiện. “Chúng tôi đã làm được tại tuyến cơ sở mà không phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên”, BS Giang chia sẻ.

Kể về ca bệnh hưởng lợi từ khám chữa bệnh gần đây nhất là bệnh nhi 12 tuổi, dân tộc Dao đã từng được bệnh viện tuyến Trung ương phẫu thuật do thiếu một đoạn xương. Tuy nhiên, tình trạng cháu bé cứ liên tục tái viêm xương phải mổ 2-3 lần. Nhờ hội chẩn từ xa, các thầy thuốc tại tuyến Trung ương đã tư vấn cho bệnh viện có thể mổ tại chỗ, đặt xi măng dọc theo xương khuyết, tạo lỗ hổng để 1-2 tháng sau, cho bệnh nhân chuyển tuyến xuống Hà Nội lấy xương mác ghép thành xương chày. Như vậy, bệnh nhân chỉ cần đi Hà Nội 1 lần để phẫu thuật, không phải tốn kém chi phí đi lại nhiều lần.

Nhiều ca bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên không phải chuyển tuyến.

Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên hiện khám chữa bệnh cho nhân dân huyện Vân Hồ và một phần huyện Mộc Châu. BSCKI Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên cũng cho biết, mỗi năm, bệnh viện khám, chữa bệnh cho trên 90.000 trường hợp. Năm 2020 do dịch COVID-19, tỷ lệ bệnh nhân đến khám giảm, từ đầu năm đến nay có 81.000 lượt bệnh nhân đến khám. Bệnh nhân nội trú hàng năm khoảng 19.000-20.000 người.

Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trong những năm gần đây, bệnh viện không ngừng triển khai nhiều kỹ thuật mới như: Phẫu thuật sọ não, phẫu thuật nội soi tán sỏi ngược dòng bằng phương pháp Laser, tán sỏi ngoài cơ thể, cắt u xơ tiền liệt tuyến, phẫu thuật thay khớp háng bán phần và toàn phần, nội soi đại tràng, nội soi can thiệp tiêu hóa trên, dưới, chụp CT, đo mật độ xương, chụp UIV hệ tiết niệu, chụp Xquang tuyến vú, đặt catheter tĩnh mạch rốn,…

Ngoài ra, bệnh viện còn phối kết hợp với các bệnh viện: Việt Đức, Mắt Trung ương, Xanh Pôn, Bạch Mai duy trì chẩn đoán hình ảnh và cận lâm sàng.

Khoa Nhi của bệnh viện kết hợp với Khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai và Trung tâm Chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Nhi Trung ương, đến nay nuôi được trẻ sinh non thấp cân nhất là 650g, thai 28 tuần, ở huyện Vân Hồ, sau 90 ngày trẻ ra viện nặng gần 2kg.

Nhờ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên đã giữ chân được người bệnh.

“Bệnh viện chúng tôi là bệnh viện đầu tiên điều trị tiêu sợi huyết trong đột quỵ não cấp. Bệnh viện đã cấp cứu được nhiều ca đột quỵ nặng ở địa phương, nếu bệnh nhân phải chuyển tuyến thì sẽ mất “thời gian vàng” cứu sống người bệnh”, BS Sỹ cho biết.

So với phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, cả hai bệnh viện đều đạt hạng 2, nhưng các bác sĩ tại đây đã thực hiện được nhiều phẫu thuật vượt tuyến, như phẫu thuật hạng đặc biệt, hạng 1. Vì thế, tỷ lệ chuyển tuyến tại Mộc Châu, Sơn La đã giảm đáng kể.

Nếu như trước đây, Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên mỗi năm chuyển tuyến khoảng 2.200 ca bệnh, thì hiện nay tỷ lệ chuyển tuyến chỉ từ 700-800 ca, chủ yếu chuyển tuyến do tai nạn. Còn bệnh viện Đa khoa Mộc Châu, năm 2019 có 1.450 bệnh nhân chuyển tuyến thì đến hết tháng 11/2020, tỷ lệ chuyển tuyến giảm xuống chỉ còn 1.200 người.

Trần Hằng
.
.
.