Giải mã căn bệnh bí tiểu hành hạ suốt 4 năm của một nam bệnh nhân

Thứ Năm, 02/03/2017, 06:58

Bệnh nhân Nguyễn Cẩm Nhường (32 tuổi, ngụ tại Bình Tân,TP. HCM) không may bị tai nạn khi đi du lịch tại Đà Lạt năm 2010 bị vỡ bàng quang, đứt niệu quản, gẫy xương chậu. Bệnh nhân đã được điều trị phẫu thuật xương chậu, xử lý tổn thương tại bàng quang, tuy nhiên, riêng tổn thương "đứt niệu đạo" thì dù đã đi nhiều Bệnh viện (BV) để được phẫu thuật (4 lần) nhưng kết quả vẫn thất bại.

Đặc thù của tổn thương khiến trong suốt 4 năm, bệnh nhân bị bệnh bí tiểu, phải đeo túi dẫn lưu nước tiểu thải ra hàng ngày bên hông rất khổ sở. Căn bệnh thậm chí khiến anh không dám lấy vợ.

Bệnh nhân Nguyễn Cẩm Nhường bên cạnh vợ và cậu con trai 11 tháng trong buổi tiếp xúc báo chí chiều 1-3.

Cho tới năm 2015, khi anh tìm tới Khoa Niệu của BV Bình Dân, các bác sĩ đã thực hiện lượng giá lại hết tình trạng của bệnh nhân, tìm được phương pháp phẫu thuật phù hợp. Ê kíp đã thực hiện phương pháp "Tạo hình niệu đạo bằng phương pháp cắt nối tận tận" cho bệnh nhân. 

Sau hơn 6 tiếng đồng hồ bằng phương pháp vi phẫu với sự trợ giúp của Máy soi dây mềm với đường ống có kích thước nhỏ chừng 5.3 mm luồn vào niệu đạo, uốn dễ dàng qua các góc cong tự nhiên của cơ thể mà không gây tổn thương niệu đạo. Nhờ máy soi dây mềm mà phẫu thuật viên xác định được đường đi chính xác của niệu đạo và đảm bảo các mối nối chính xác.
Th.S-BS Đỗ Lệnh Hùng trao đổi về ca mổ cho bệnh nhân Nguyễn Cẩm Nhường

Ngày 1-3 công bố thông tin về ca bệnh nhân Nhường tại BV Bình Dân, các BS còn rất vui mừng cho biết, sau khi được điều trị mổ thành công, xuất viện được 2 tháng, hoạt động chức năng "đàn ông" của bệnh nhân đã trở lại hoàn toàn bình thường, vui mừng hơn cả là sau đó anh đã xây dựng gia đình, lấy vợ và hiện vợ chồng anh Nhường đã có một cậu con trai được 11 tháng.

Th.S-BS Đỗ Lệnh Hùng, Trưởng Đơn vị niệu đạo BV Bình Dân TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: Phương pháp "Nhờ có chiếc máy soi mềm đã giúp ích rất nhiều cho ê kíp mổ. Có thể hiểu, thiết bị này giúp phẫu thuật viên được dẫn đường, soi vào bàng quang, soi vào niệu đạo và hướng đường mổ đúng, từ đó mà thực hiện nối vào vị trí tổn thương chính xác. "Cắt nối tận tận" là cắt bỏ đi đoạn hẹp, làm rộng hai đầu niệu đạo, sau đó nối hai đầu niệu đạo với nhau...".

Cũng theo Th.s BS Hùng, năm 2016 vừa qua BV Bình Dân đã tiếp nhận và xử lý 250 ca với nhiều tổn thương khác nhau về chứng hẹp niệu đạo, đứt niệu đạo... Các thiết bị được trang bị tại một đơn vị hàng đầu về Nam khoa tại đây đã giúp các BS xử lý nhiều ca thành công, tỉ lệ xử trí các tổn thương hẹp niệu đạo theo các BS cho biết đã đạt thành công là trên 90%. 

Huyền Nga
.
.
.