Gia tăng tai nạn bỏng ở trẻ: Nguyên nhân chủ yếu do sự lơ là của người lớn

Thứ Sáu, 16/09/2016, 08:19
Theo bác sĩ Nguyễn Thống - Trưởng Khoa bỏng, đa phần số ca trẻ nhập viện vì tai nạn bỏng bắt nguồn từ việc lơi là trong quá trình trông trẻ của người lớn...

Mỗi ngày, Khoa Bỏng – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội tiếp nhận từ 5-7 trẻ bị tai nạn bỏng. Có những trẻ bị bỏng tay, bỏng chân… nhưng cũng có trẻ phải nằm điều trị tích cực vì diện tích bỏng lên đến trên 20% cơ thể. Thậm chí còn phải cắt bỏ một số bộ phận trên cơ thể, khi vết bỏng bị hoại tử, không được cứu chữa kịp thời.

Sáng 15-9, chúng tôi được tiếp xúc với một số người đang chăm sóc bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội. Trong buồng cấp cứu 1 – Khoa Bỏng, chị Đỗ Thị Y., nhà ở xã Phương Đình, huyện Đan Phượng (Hà Nội) không ngừng cưng nựng cậu con trai N.L.G., mới 14 tháng tuổi của mình, khi những cơn đau do vết bỏng ở 2 chân, 2 tay nối nhau xuất hiện.

Nhìn cháu N.L.G. thi thoảng lại khóc nấc lên vì đau, rát, chúng tôi thấy ái ngại. Nhắc đến nguyên nhân khiến cháu N.L.G. phải nhập viện điều trị bỏng, chị Y. nghẹn ngào: “Chỉ vì một chút bất cẩn, không chú ý đến con mà ra nông nỗi này đây nhà báo ạ!”.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thống – Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội thăm khám một trường hợp trẻ bị tai nạn bỏng.

Trước đó, gần 19h ngày 26-8, trong lúc cùng bố đi vào bếp lấy đồ ăn, cháu N.L.G. rướn người, với chạm vào chiếc phích. Khi vợ chồng chị Y phát hiện ra, chiếc phích nước nóng đã đổ ập xuống… thì đã quá muộn.

Theo các bác sĩ Khoa Bỏng cho biết, cháu N.L.G. nhập viện trong tình trạng bỏng nặng, đau rát cả 2 chân, 2 tay. Qua thăm khám, cháu N.L.G. bị bỏng độ II-III, diện tích 25% cơ thể. Do được cấp cứu kịp thời, nên vết bỏng của cháu N.L.G. đang dần hồi phục.

Trường hợp cháu D.T.P.T., 2 tuổi, nhà ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) thì khá một chút. Khoảng 19h30 ngày 6-9, trong lúc nô đùa, cháu đã ngã vào nồi canh đang để dưới sàn nhà khiến cháu bị bỏng độ II – III, diện tích 25% cơ thể (lưng, mông, 2 chân). Do cháu T. bị bỏng sâu nên các bác sĩ đang phải tích cực điều trị với các phác đồ chuyên khoa.

Thống kê của Khoa Bỏng – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội cho thấy, chỉ tính riêng 1 tháng trở lại đây, đã có gần 150 trường hợp trẻ bị tai nạn bỏng đến thăm khám và điều trị. Số ca tai nạn bỏng ở trẻ tăng hơn so với thời gian trước. 

Tai nạn bỏng ở trẻ có nhiều nguyên nhân gây ra, song theo bác sĩ Nguyễn Thống - Trưởng Khoa bỏng, chiếm đa phần số ca trẻ nhập viện vì tai nạn bỏng mà Khoa tiếp nhận và chẩn trị có nguyên nhân bắt nguồn từ việc lơi là trong quá trình trông trẻ của người lớn. 

Các nguồn gây bỏng cho trẻ thường là nước, mỡ sôi, canh, cháo nóng, lửa, cồn… Những tình huống thường dẫn tới bỏng như trẻ lầm tưởng phích, ấm nước sôi có màu sắc là đồ chơi; các bé chạy chơi nơi để bếp, nồi canh, nồi cơm v.v... Lứa tuổi trẻ gặp tai nạn bỏng dao động chủ yếu từ 1-2 tuổi. 

Do thể chất, sinh lý ở trẻ khác với người lớn nên vết bỏng ở trẻ rất dễ tiến triển nặng. Vì chỉ cần bỏng với diện tích 5% cũng có thể gây sốc, khiến trẻ dễ bị nhiễm khuẩn, biến chứng khi không được cứu chữa kịp thời. 

Qua quá trình điều trị, có một số trường hợp trẻ bị bỏng, các bậc phụ huynh đã xử trí cấp cứu không đúng quy cách như: đổ nước mắm, bôi thuốc không đúng quy cách… vào vết bỏng; không băng bó che phủ vết bỏng đúng cách và kịp thời nên vết bỏng bị nhiễm trùng, trở nên nặng hơn. 

Để tránh hậu quả xấu, khi phát hiện trẻ bị bỏng, trước hết các bậc phụ huynh, người nhà của trẻ cần bình tĩnh, loại bỏ ngay nguồn gây bỏng. Sau đó, làm mát hoặc ngâm ngay vùng bị bỏng vào nước lã nhằm giảm đau, làm tổn thương không nặng thêm, giảm phản ứng viêm nề, thoát dịch huyết tương cũng như dự phòng sốc, hòa loãng hóa chất. 

Trong trường hợp trẻ bị bỏng điện thì cần nhanh chóng ngắt cầu dao, cầu chì, nguồn điện, dùng dụng cụ tách trẻ ra khỏi nguồn điện. Khi thấy trẻ ngưng thở, phải tiến hành làm hô hấp nhân tạo. Rồi sau đó băng tạm thời vùng bỏng lại và chuyển ngay đến cơ sở y tế nơi gần nhất.

“Tuyệt đối không được bôi bất cứ thuốc gì khi chưa có chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa lên vết bỏng vì nếu làm như vậy rất dễ gây biến chứng vết bỏng”, bác sĩ Nguyễn Thống khuyến cáo.

Diễm Lệ
.
.
.