Gia tăng bệnh nhân tiểu đường phải cắt cụt chi do không đi khám thường xuyên

Thứ Năm, 20/08/2020, 17:52
Nhiều bệnh nhân tiểu đường trì hoãn việc đi khám đúng hẹn, không tuân thủ yêu cầu của bác sỹ điều trị, còn lơ là, chủ quan trong việc chăm sóc và theo dõi tại nhà gây ra những hậu quả nghiêm trọng như: xuất huyết võng mạc dẫn tới mù lòa, nhiễm trùng và hoại tử chi, suy thận...Số bệnh nhân tăng nặng, phải cắt cụt chi gia tăng từ đầu năm đến nay. 

Theo Bệnh viện Nội tiết Trung ương, trong 6 tháng đầu năm 2020, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tăng nặng hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Nếu cùng kỳ các năm từ 2017 đến 2019, có 8 đến 14 ca cắt cụt lớn trên nền bệnh đái tháo đường (cắt bàn chân, cẳng chân, đùi, cánh tay...) thì trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 7/2020, số lượng đã lên tới 34 ca. 

Các ca bệnh nặng phần lớn là bệnh nhân lớn tuổi, không đến khám đúng hẹn, trì hoãn kiểm tra định kỳ do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. 

Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Trưởng khoa Chăm sóc bàn chân cho biết, phần lớn bệnh nhân đến bệnh viện với các vết thương nhiễm trùng, hoại tử rộng. Nhiều trường hợp chỉ với các vết xước nhẹ ở tay, chân, cổ ngực nhưng do không điều trị kịp thời dẫn đến nhiễm trùng nặng, lan rộng, có nguy cơ tử vong, khiến việc điều trị gặp khó khăn, thời gian nằm viện kéo dài, chi phí điều trị tăng cao. 

Một bệnh nhân bị nhiễm trùng ở chân nặng do kéo dài thời gian khám bệnh

Giải thích hiện tượng bệnh nhân tăng nặng do trì hoãn khám định kỳ, ThS.BS Tôn Thất Kha, Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho rằng: Đường huyết của bệnh nhân đái tháo đường cần theo dõi, kiểm tra thường xuyên. Tuy nhiên, nhiều người bệnh trì hoãn việc đi khám đúng hẹn, không tuân thủ yêu cầu của bác sỹ điều trị, còn lơ là, chủ quan trong việc chăm sóc và theo dõi tại nhà gây ra những hậu quả nghiêm trọng như: xuất huyết võng mạc dẫn tới mù lòa, nhiễm trùng và hoại tử chi, suy thận... Đây là những tổn thương không đảo ngược được, nên việc phát hiện sớm sẽ tận dụng được thời gian “vàng” trong điều trị. 

Chi phí điều trị cho bệnh nhân phát hiện sớm cũng thấp hơn nhiều so với bệnh nhân phát hiện muộn, không trở thành gánh nặng cho gia đình người bệnh và xã hội.

Về vấn đề này, TS.BS Lê Quang Toàn, Trưởng khoa Đái tháo đường – Bệnh viện Nội tiết Trung ương đưa ra khuyến nghị: Với các bệnh nhân đường huyết không ổn định, có các biến chứng mức độ trung bình nặng trở lên, thời gian khám bệnh từ 2-3 tháng là quá dài. Bệnh nhân nên đi khám theo chỉ định của bác sỹ. Nếu có dấu hiệu bất thường cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để nhận được sự hỗ trợ cần thiết. 


Tr.Hằng
.
.
.