Chữa khỏi bệnh vẩy nến: Đừng tin quảng cáo và bác sĩ trên mạng

Thứ Hai, 20/11/2017, 11:54
Trên mạng thời gian gần đây tràn lan các quảng cáo về việc chữa khỏi được bệnh vẩy nến khiến nhiều người bệnh phải bỏ không ít tiền nhưng vẫn “tiền mất tật mang”. 


Thiếu thông tin dẫn đến kỳ thị

Bệnh vẩy nến không chỉ gây đau đớn, ngứa ngáy, chảy máu, tàn phế mà người bệnh còn bị kỳ thị vì sợ lây truyền. Tuy nhiên, PGS. Lê Hữu Doanh - Phó Giám đốc BV Da liễu Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam, đã khẳng định: Bệnh vẩy nến chỉ có thể kiểm soát chứ không thể chữa khỏi.

Cho đến nay, rất ít người hiểu đúng về bệnh vẩy nến. Bởi vậy, đã dẫn đến nhiều hệ lụy cho những người mắc căn bệnh này. Từ thực tế của các thành viên trong Hội Bệnh nhân vảy nến, ông Trần Hồng Trường - Chủ tịch Hội, cho biết: Do sợ bị lây bệnh nên hầu hết những người bị bệnh vẩy nến đã bị chồng/vợ bỏ; trẻ con đến trường bị trêu chọc, khiến họ luôn phải giấu mình, sợ người khác biết.

Theo PGS.TS. Lê Hữu Doanh, bệnh vẩy nến bộc lộ ở những vùng da hở, khiến nhiều người còn hiểu lầm đây là bệnh da liễu, có thể lây nhiễm, dẫn đến sự kỳ thị với người bệnh vảy nến. Thực ra, đây là bệnh hoàn toàn không lây. Nhưng do mặc cảm về bệnh tật, nhiều người bệnh cũng tự kỳ thị bản thân bằng việc thu mình, nghỉ việc, ngại giao tiếp… khiến bệnh liên tục bùng phát.

Khám cho bệnh nhân vẩy nến ở BV Da liễu Trung ương 

Việc che giấu bệnh sẽ dẫn đến hậu quả không nhỏ. Bởi những người mắc bệnh vẩy nến đang bị tăng khả năng mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì, viêm loét đại tràng, đột quỵ và bệnh gan. 

Có tới 42% người mắc bệnh vẩy nến mắc bệnh viêm khớp vẩy nến, gây đau đớn, xơ cứng, xưng tại các khớp và có thể dẫn tới biến dạng và mất chức năng vĩnh viễn. “Chất lượng cuộc sống của người bệnh vảy nến đi xuống nhiều hơn cả người bệnh tim mạch, đái tháo đường” - PGS.TS. Lê Hữu Doanh nhấn mạnh.

Ai cũng có thể mắc bệnh vẩy nến, nhưng thông tin về bệnh này ở Việt Nam còn rất ít. Cũng vì thiếu thông tin nên đang có quá nhiều người bị mắc bệnh vẩy nến do chẩn đoán sai hoặc quá muộn, điều trị không đúng cách và thiếu chăm sóc.

Ông Trần Hồng Trường bày tỏ lo ngại khi có nhiều người tin vào internet để tự chữa bệnh, trong khi có nhiều người tham lam dựa vào sự thiếu thông tin của bệnh nhân và kẽ hở trong công tác quản lý để lừa bệnh nhân. Ông Trường còn cho biết, nhiều người cứ gặp người bị bệnh là mách nước, chỉ dẫn cách điều trị, gây áp lực đối với người bệnh, nhiều khi mang lại hiệu quả tiêu cực … 

Trong khi đó có hàng ngàn cạm bẫy của các cơ sở y tế không chính thống luôn săn đón các bệnh nhân với những lời đường mật là chữa khỏi hoàn toàn bệnh vẩy nến, khiến nhiều người cả tin đã mắc bẫy. Tổn hại về mặt kinh tế là đương nhiên, nhưng tổn lại về niềm tin và đạo đức xã hội thì chưa có ai có thể kiểm đếm được.

Điều trị sai nguy hiểm hơn không điều trị

Chính vì thế hiện đang có nhiều người bị mắc bệnh vẩy nến chỉ là do chẩn đoán sai hoặc muộn, điều trị không đúng và thiếu chăm sóc. 

Bệnh nhân bị vẩy nến

Với kinh nghiệm phải điều trị cho nhiều bệnh nhân bị biến chứng do dùng thuốc không đúng, PGS. TS Lê Hữu Doanh cho biết, thà bệnh nhân không điều trị còn hơn là chẩn đoán sai, điều trị sai. Bởi điều trị sai không chỉ dẫn đến bệnh phát toàn thân mà còn gây rối loạn chuyển hóa, sinh ra các bệnh đái tháo đường, suy thận… 

Ông Doanh dẫn chứng bệnh nhân Vũ Chí C. (Hà Nội) đã mắc bệnh 16 năm). Nhưng thay vì đến BV, bệnh nhân lại dùng thuốc lá cây của thầy lang dẫn đến bội nhiễm, toàn thân chảy mủ, phải cấp cứu tại BV Da liễu Trung ương còn phải chạy thận 3 lần/tuần. Hay nhiều người bị vảy nến ở vùng đầu thường bị chẩn đoán nhầm là gàu, nấm da đầu, viêm da đầu… dẫn đến bệnh nặng hơn, lan ra toàn thân. Bên cạnh đó, ở một số cơ sở y tế, thời gian khám quá ngắn, điều trị không hiệu quả.

Thực tế, theo PGS. TS. Lê Hữu Doanh, mặc dù đã có hướng dẫn chung trong điều trị vảy nến, nhưng không phải cơ sở nào cũng có đủ trang thiết bị, thuốc men để điều trị cho người bệnh.

Đại hội đồng Y tế Thế Giới lần thứ 67 khẳng định vảy nến là bệnh mãn tính, không lây, chưa rõ nguyên nhân và cũng chưa có phương pháp chữa khỏi. 


Thanh Hằng
.
.
.