Dịch sởi bùng phát mạnh, phòng ngừa lây chéo

Chủ Nhật, 10/03/2019, 08:34
Dịch sởi đã bùng phát và lan mạnh ra 56 tỉnh, thành phố với 2.942 trường hợp mắc sởi dương tính, Bộ trưởng Bộ Y tế phải ban hành Chỉ thị tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh sởi.

Mặc dù đã cảnh báo từ Tết Nguyên đán đến nay, song việc trẻ mắc sởi chưa tiêm chủng vẫn chiếm tỷ lệ trên 90%. Lây chéo và chưa tiêm chủng đã khiến sởi tăng mạnh, nhiều người vẫn còn chủ quan, thờ ơ với dịch.

Lây chéo khiến sởi tăng mạnh

Bé N.A.T (3 tuổi, ở Quảng Ninh) nhập viện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vì mắc sởi biến chứng viêm phổi. Trước đó bé T bị nhiễm trùng huyết, suy tủy, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, trong quá trình nằm viện bé bị lây bệnh sởi và được đưa vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương còn có cháu bé 4 tháng tuổi ở Phú Xuyên (Hà Nội) bị lây sởi từ mẹ. 

Trước đó, bé mắc bệnh phải điều trị tại Bệnh viện huyện Phú Xuyên, mẹ bé mắc sởi trong những ngày chăm con tại viện. Sau khi ra viện được 2 ngày thì bé có dấu hiệu sốt, người nổi ban đỏ và được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương với chẩn đoán viêm tiểu phế quản trên sởi.

Số người mắc bệnh sởi nhập viện nhiều khiến bệnh viện quá tải. Ảnh: CTV

Tại Hà Nội số ca mắc sởi vẫn tiếp tục ghi nhận. Lây chéo là nguy cơ nguy hiểm để bệnh sởi lây lan thành dịch. Năm 2014 ổ dịch lớn là Bệnh viện Nhi Trung ương, sởi lây lan khi trẻ chưa có triệu chứng, trong phòng chờ khám đông hàng trăm người, viurs sởi khuếch tán lây lan nhanh. Theo các chuyên gia y tế thì virus sởi có tính lây lan rất mạnh, chỉ cần đứng cách nhau 1m với người bệnh có thể lây bệnh sởi. 

GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, ở những nơi càng đông người thì càng có nguy cơ bùng phát dịch mạnh. Đối với bệnh nhân sởi phải tổ chức cách ly, điều trị bệnh theo đúng chuyên ngành, bài bản. Sởi đang lan nhanh trên diện rộng, từ tháng 1-2019 đến nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 3-5 trường hợp bệnh nhi mắc sởi có biến chứng vào nhập viện. 

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, từ năm 2016 Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đưa cơ sở hai ở Kim Chung (huyện Đông Anh) vào hoạt động đã giảm quá tải, cơ sở vật chất rộng rãi, phòng bệnh khang trang, bệnh nhân không phải nằm ghép nên việc lây chéo đã được cải thiện rất nhiều. Để chống lây nhiễm, phòng khám sởi của bệnh viện được đặt cuối chiều gió.

GS Kính cũng cho biết, dấu hiệu sớm nhất của sởi là hội chứng viêm long (hắt hơi, xổ nước mũi). Ở nước ngoài người ta đeo khẩu trang để ngăn ngừa lây lan ra cộng đồng, điều này cần phải được người dân ở nước ta thực hiện, kể cả với trẻ em. Vì vậy khi trẻ hoặc người lớn xuất hiện dấu hiệu viêm long là phải nghĩ đến sởi và phải đeo khẩu trang để chống lây chéo, theo dõi, sốt thì đưa đến cơ sở y tế khám. Tại các tỉnh phía Nam, dịch sởi đang bùng phát mạnh, nếu không làm tốt công tác phòng ngừa thì bệnh sẽ càng lan nhanh.

Không được bỏ qua tiêm chủng

Việt Nam chưa khống chế được dịch sởi nên tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh. Sáng 3-9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra công tác phòng chống bệnh sởi ở TP Hồ Chí Minh đã khuyên phụ huynh đưa trẻ đi tiêm phòng sởi đầy đủ, các bà mẹ chuẩn bị có thai phải đi tiêm phòng sởi để có kháng thể cho con khi trẻ sinh ra. 

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, có trên 90% bệnh nhi mắc sởi nhập viện chưa tiêm phòng, trong đó có nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi. Những trẻ này do mẹ chưa tiêm phòng sởi nên trẻ sinh ra không có kháng thể, dễ dàng lây và mắc sởi. Chính vì thế Bộ trưởng khuyến cáo, bà mẹ muốn tiếp tục sinh con thì nên đi tiêm sởi và 5 năm phải tiêm nhắc lại.

Phụ huynh cần đưa con đi tiêm chủng để phòng bệnh sởi.

Sở dĩ bệnh sởi bùng phát mạnh ở TP Hồ Chí Minh là có nhiều phụ huynh cho con tiêm chủng dịch vụ chờ đến 12 tháng tuổi mới tiêm và được hẹn 3-4 năm sau mới tiêm mũi 2, vì vậy trẻ mất cơ hội tiêm mũi 2 sớm và dễ mắc bệnh sởi. Tiêm chủng mở rộng sởi mũi 1 là 9 tháng, mũi 2 là 18 tháng. 

Nhiều phụ huynh lấy lý do bận, con đủ tháng tuổi không tiêm, dẫn tới con mắc sởi biến chứng mới tới viện. Không chỉ TP Hồ Chí Minh, tại nhiều tỉnh, thành cũng mắc tình trạng tương tự, trẻ đến tuổi chưa tiêm chủng sởi vẫn còn lớn.

Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, bệnh sởi bắt đầu gia tăng từ tháng 10-2018, đến nay ghi nhận 18.078 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 2.942 trường hợp mắc sởi dương tính tại 56 tỉnh, TP và số ca mắc vẫn chưa có xu hướng giảm. 

Ngày 8-3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh sởi. Trong đó nhấn mạnh đến việc tổ chức khoanh vùng và triệt để xử lý ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng. Các bệnh viện phải tổ chức tốt khám sàng lọc, phân luồng, khám bệnh, cách ly bệnh nhân, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, TP tổ chức lực lượng y tế thống kê đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng để triển khai tiêm đủ mũi vaccine phòng sởi cho trẻ đạt tỷ lệ ít nhất 95% theo quy mô xã, phường. Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học rà soát tiền sử tiêm chủng của học sinh, vận động gia đình, học sinh tham gia tiêm đầy đủ.
Trần Hằng
.
.
.