Làm sao để không còn những hình ảnh đau lòng tại bệnh viện?

Thứ Năm, 15/12/2016, 22:05
Gần đây, xuất hiện một số hình ảnh mang thi thể người bệnh về nhà bằng xe máy hoặc khiêng bộ. Thế là chưa hiểu đầu cua tai nheo ra sao, một số tờ báo lập tức “đổ sống” trách nhiệm cho bệnh viện –nơi cuối cùng người chết đến. Rằng bệnh viện phải chịu trách nhiệm đưa người bệnh tử vong về bằng xe ô tô cứu thương chưa không thể để như thế.


Tuy nhiên, theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), xe cứu thương là để vận chuyển cấp cứu người bệnh chứ không phải để chở tử thi. Không có quy định nào cho sử dụng xe cứu thương để chở bệnh nhân tử vong về nhà. Cũng không có quy định nào cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm đưa bệnh nhân tử vong về nhà. Mà phải là nhà tang lễ mới có xe tang bảo đảm vệ sinh môi trường đúng qui định.

Tại một hội nghị của ngành y tế hôm 12-12, vấn đề người bệnh tử vong được đưa về nhà bằng hình thức “thô sơ” cũng được trao đổi và PGS.TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện phổi Trung ương cho biết: Nhiều người nói phải sử dụng xe cứu thương chở bệnh nhân tử vong về nhà là sai. Vì thực tế, theo quy định về quản lý môi trường, chỉ xe ô tô có đèn xanh mới được phép chở xác chết, còn dùng xe có đèn ủ màu đỏ mà chở bệnh nhân tử vong là sai quy định.

Thực tế, dự thảo Thông tư qui định việc quản lý, sử dụng xe ô tô cứu thương mà Bộ Y tế đang lấy ý kiến, cũng không có qui định bệnh viện phải đưa người bệnh tử vong về nhà.

Một số hình ảnh vận chuyển người chết về nhà gần đây khiến
dư luận quan tâm

Bên cạnh đó, bác sĩ Lê Khánh (Bệnh viện Việt Đức) còn cho biết, Bệnh viện Việt Đức có qui định thi thể bệnh nhân tử vong được đưa đến nhà đại thể, khâm liệm xong có biên bản xác nhận của gia đình người chết, gia đình mới được đưa về. Tuy nhiên, đã có không phải một trường hợp gia đình người chết “cướp xác” mang về, thay vì làm đúng quy định của Bệnh viện. Khi đó, các thầy thuốc chỉ có thể giải thích chứ không thể làm gì được.

Ý kiến “quy” trách nhiệm vận chuyển người bệnh tử vong về nhà cho bệnh viện nơi cuối cùng điều trị cho bệnh nhân tử vong là chưa thỏa đáng. Các bệnh viện lớn ở các đô thị còn có nguồn quỹ để hỗ trợ bệnh nhân khi cần, nhưng đa số các bệnh viện miền núi –kể cả tuyến tỉnh hay tuyến huyện – bệnh viện hoạt động hoàn toàn bằng nguồn ngân sách cấp nên hầu như các thầy thuốc làm việc cũng chả có gì ngoài lương. 

Bởi những bệnh viện này thường vắng bệnh nhân nên không thể có nguồn thu để lập quỹ. Mặt bằng đời sống người dân ở miền núi không cao và các thầy thuốc không nằm ngoài việc đó, nên nếu buộc các bác sĩ phải hỗ trợ từ tiền cá nhân là không phù hợp nhất là khi một năm, không chỉ có một người tử vong tại bệnh viện.

Xưa nay, khi có người nhà tử vong tại bệnh viện, người dân cũng vẫn đưa về nhà bằng phương tiện nào tùy theo hoàn cảnh gia đình. Những người trong cuộc hiểu đó là trách nhiệm gia đình phải lo và bệnh viện là nơi đã cứu chữa cho người thân của họ chứ không phải chịu trách nhiệm đưa về.

Tuy nhiên, điều ở đây muốn nói ở đây là để người dân đưa người chết về bằng chở xe máy hay khiêng trên vai  vừa không có tính nhân văn cũng như không đảm bảo vệ sinh môi trường. Một số bệnh viện Trung ương có quy định tử thi phải được khâm liệm mới được đưa về. 

Nhưng theo như những bức ảnh và thông tin về các lần đưa người chết về nhà có thể thấy, ở các bệnh viện tuyến dưới không có quy định này. Điều này cũng cần rút kinh nghiệm, đặc biệt là trong việc tuyên truyền cho người dân hiểu sự cần thiết của việc khâm liệm trước khi đưa tử thi về nhà.

Bên cạnh đó, các địa phương có đông người nghèo cần có một khoản ngân sách để hỗ trợ những gia đình khó khăn khâm liệm người chết tại bệnh viện và vận chuyển về khi họ không thể tự lo được.

Các bệnh viện hiện đã có các phòng công tác xã hội, hoặc nhân viên làm công tác này có nhiệm vụ kết nối các tập thể, cá nhân hảo tâm hỗ trợ cho người nghèo điều trị bệnh, tặng quà vào các dịp lễ tết, thiết nghĩ cũng nên vận động hỗ trợ cho các trường hợp vận chuyển người bệnh nghèo tử vong về nhà. 

Ngân sách Nhà nước không thể lo hết cho mọi việc, vì thế, như trong một hội nghị mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi các tổ chức xã hội dân sự đồng hành cùng Chính phủ trong phòng chống HIV/AIDS mới đạt hiệu quả, thì vấn đề vận chuyển người chết từ cơ sở y tế về nhà cũng nên kêu gọi các tổ chức xã hội dân sự chung tay mới có thể giải quyết được, tránh để những hình ảnh đau lòng như đã xảy ra mới đây.

Thanh Hằng
.
.
.