Đầu tư cho trạm y tế sẽ giảm tải cho tuyến trên, tránh nhiễm chéo bệnh viện

Thứ Tư, 14/11/2018, 19:09

Ngày 14-11, lần đầu tiên, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến “Nhân rộng mô hình trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, tăng cường năng lực y tế cơ sở” với sự tham gia của hơn 700 đầu cầu trên cả nước, gồm tất cả các trạm y tế (TYT).



Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã cho biết, năm 2017, Bộ Y tế triển khai thí điểm tại 26 TYT thuộc tám tỉnh, thành với việc đầu tư đồng bộ về trang thiết bị, đào tạo chuyên môn, bổ sung bác sĩ cho TYT xã/phường, bổ sung danh mục kỹ thuật, thuốc… đến nay, nhiều TYT xã/phường điểm đã có những thành quả rất tích cực. 

Với chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), cơ sở vật chất hiện đại, trang thiết bị khá đồng bộ, chuyển giao được nhiều kỹ thuật, gắn bảo hiểm thụ hưởng tốt, bước đầu TYT xã/phường đã thu hút được người bệnh đến khám và điều trị. Một số TYT xã tại Hà Nội, Bạc Liêu, Đồng Tháp làm xã hội hóa rất tốt, thu hút 100 người khám/ngày.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến 

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, kinh nghiệm các nước và thực tiễn cho thấy, có tới 80-90% người dân bị bệnh nhẹ có thể được chăm sóc tại tuyến y tế cơ sở. Đây là tuyến chăm sóc hiệu quả cho người mắc các bệnh mãn tính, những bệnh nhẹ, tránh tốn kém tiền bạc, tránh bị bệnh nặng mới đi chữa bệnh. 

Thực tế có ít nhất 30-40% bệnh nhân điều trị tại tuyến Trung ương có thể điều trị tại tỉnh, 30-40% bệnh nhân tuyến tỉnh có thể điều trị tại huyện, 30-40% bệnh nhân tuyến huyện có thể được chăm sóc sức khỏe tại xã nếu chúng ta tăng cường y tế cơ sở. Có bệnh viện (BV) tuyến Trung ương khám tới 5-6.000 người/ngày trong khi tuyến xã chỉ khám cho 2-3 người/ngày. Vì thế, phải tăng cường y tế cơ sở, mà mô hình đơn giản nhất là sẵn có mạng lưới TYT rộng khắp và khá đồng bộ với hơn 11.000 TYT xã/phường.

Tại các TYT thí điểm, vấn đề quản lý bệnh mạn tính, không lây nhiễm tại y tế cơ sở bước đầu có kết quả tốt. Tại các địa phương như Hà Nội, Hà Tĩnh… đã có khoảng 80% dân số được lập hồ sơ quản lý sức khỏe; đã có 240 phòng khám bác sĩ gia đình tại 7 tỉnh, thành phố; gần 80% người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại y tế cơ sở.

Tuy nhiên, hoạt động của các TYT vẫn còn khó khăn khi dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ở đây chưa đạt yêu cầu, mới thực hiện được 50-70% các dịch vụ kỹ thuật, khoảng 40% danh mục thuốc theo phân tuyến; nhân lực còn thiếu và yếu; cơ chế tài chính còn nhiều bất cập, chưa phù hợp. Vì thế, người dân chưa tin vào chất lượng khám, chữa bệnh ở TYT xã, dẫn đến vượt tuyến không cần thiết, gây quá tải cho các BV tuyến trên, lây nhiễm chéo BV. Nhiều bệnh nhân từ miền Tây lên TP. Hồ Chí Minh để khám tiểu đường typ 2, hay chỉ để khám sức khỏe tổng thể. Điều này tác động xấu cho xã hội khi BHYT phải chi nhiều hơn, người dân cũng phải bỏ tiền túi ra nhiều hơn.

 Bên cạnh đó, việc bỏ trần BHYT 20% ở tuyến xã sẽ không giải quyết được gì nếu BV tuyến huyện vì quyền lợi của mình mà giữ bệnh nhân, không chuyển về tuyến dưới, hoặc người dân thấy BV tuyến trên có nhiều thuốc hơn nên cũng không về TYT xã/phường điều trị.”- Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ.

Từ thực tiễn đó, người đứng đầu ngành y tế yêu cầu các cơ sở y tế tuyến Trung ương cần tập trung làm kỹ thuật cao, giảm từ khám 5-6.000 người/ngày xuống dưới 4.000 người/ngày. Các Sở Y tế cũng cần đưa nhân lực xuống TYT xã và Trung tâm y tế huyện, đẩy danh mục kỹ thuật, thuốc xuống TYT xã, phường. Có bệnh nhân cứ lên BV Bạch Mai khám tiểu đường vì họ bảo ở tuyến dưới không có thuốc này. Tại sao không đưa thuốc BHYT tiểu đường xuống tuyến dưới? Đây là một bất cập giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ Y tế giải đáp các vấn đề từ các TYT xã/phường đặt ra

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu trong thời gian tới, các TYT hoạt động theo nguyên lý y học gia đình là phải quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, mạn tính với các bệnh tiểu đường, huyết áp, hen phế quản… Sở Y tế các tỉnh, thành phố sớm phê duyệt danh sách danh mục kỹ thuật, thuốc tại TYT xã, làm việc với BHXH tỉnh để thanh toán BHYT cho người dân; tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân hiểu thêm về vai trò của y tế cơ sở…

Tại các điểm cầu, đại diện các địa phương cũng chia sẻ kinh nghiệm trong  triển khai mô hình TYT hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. TS. Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết tại các TYT được lựa chọn thí điểm đã có các bác sĩ của 4 BV tuyến trung ương về hỗ trợ công tác chuyên môn. Mặt khác, Sở Y tế đã giao cho từng BV tuyến huyện hỗ trợ các TYT. Sau khi các TYT được chọn thí điểm triển khai hoạt động, tại mỗi quận, huyện sẽ lựa chọn 2 TYT tiếp tục nhân rộng.

Còn Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết đã đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm bổ sung trang thiết bị y tế cho TYT theo tiêu chuẩn nhằm nâng cao điều kiện tổ chức khám, chữa bệnh tại trạm; cung ứng thuốc đầy đủ theo gói dịch vụ y tế cơ bản đáp ứng nhu cầu người bệnh; đào tạo cập nhật kiến thức về y học gia đình, bác sĩ thực hành tổng quát; điều động luân phiên bác sĩ từ BV, trung tâm y tế quận, huyện xuống TYT.

Thực hiện quy chế phối hợp, tạo sự ràng buộc trách nhiệm giữa trung tâm y tế và BV quận, huyện trong hoạt động hỗ trợ TYT. Áp dụng hình thức xã hội hóa một số hoạt động cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại TYT. Kết nối với BV tuyến trên để hỗ trợ chuyên môn cho các TYT. Đẩy mạnh khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế.


Thanh Hằng
.
.
.