Đào tạo sau đại học – giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Thứ Bảy, 15/12/2018, 15:46
Làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo các bác sĩ sau khi ra trường, nhằm phục vụ công tác khám, chữa bệnh (KCB) cho nhân dân tốt nhất, là vấn đề xuyên suốt tại hội nghị đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học (SĐH) do Trường Đại học Y Hà Nội (ĐHYHN) tổ chức tại Hải Dương vào ngày 15-12, với sự tham gia của nhiều trường đại học y, Sở Y tế trong cả nước.


Theo GS. Tạ Thành Văn- Hiệu trưởng Trường ĐHYHN, để cung cấp các bác sĩ có tay nghề cao phục vụ công tác KCB, những năm gần đây, Trường ĐHYHN đã có nhiều giải pháp. Với quan điểm đổi mới toàn diện, Ttrường đã tập trung cải thiện chất lượng nghiên cứu khoa học, gắn kết nghiên cứu khoa học với đào tạo SĐH, đặc biệt trong việc đào tạo nghiên cứu sinh và bác sĩ nội trú – 2 lĩnh vực làm nên thương hiệu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Trường. Từ năm 2012, Trường đã xây dựng ngân hàng câu hỏi để đảm bảo thi cử bằng hình thức trắc nghiệm minh bạch, khách quan và công bằng.

 “Đặc biệt, không thể lấy bệnh nhân làm thí nghiệm, Trường ĐHYHN đã xây dựng Trung tâm mô phỏng xứng tầm, để đào tạo chuyên khoa SĐH) và đào tạo chuyển giao công nghệ. Các kỹ thuật nội soi, thăm dò chức năng… đều phải làm trên mô hình theo chuẩn năng lực cho các lĩnh vực”- GS. Văn cho biết.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến

Một vấn đề cũng được đặt ra là những năm qua chỉ tiêu đào tạo bác sĩ nội trú tăng  nhanh. Năm 2018, ngân sách nhà nước chưa cân đối được khoảng 17 tỷ. Năm 2019, số lượng bác sĩ nội trú tiếp tục tăng, thì ngân sách có thể không cân đối được khoảng 30 tỷ. Điều này khiến nhà trường phải cân nhắc quy mô đào tạo bác sĩ nội trú, đặc biệt là chỉ tiêu và phương thức đào tạo.

Giải pháp của Trường ĐHYHN được GS. Văn đưa ra là tăng đào tạo có địa chỉ, đào tạo theo nhu cầu xã hội để không thất thoát nhân lực mà lại giảm chi ngân sách: Trường ký hợp đồng đào tạo bác sĩ nội trú với UBND TP Hà Nội, kinh phí do Hà Nội chi trả toàn bộ. Nhờ đó, 6 năm qua, Hà Nội đã có thêm 89 bác sĩ nội trú. Cách làm này giúp Hà Nội có nguồn nhân lực cao, mà ngân sách không phải chi trả. Hiệu quả từ mô hình này khiến nhiều địa phương cũng mong muốn được thực hiện.

PGS.TS. Đoàn Quốc Hưng, Trưởng phòng Quản lý và đào tạo SĐH –Trường ĐHY Hà Nội chỉ rõ: Trong suốt 40 năm (1974-2014), tại Trường ĐHY Hà Nội –“con chim đầu đàn” của cả nước về đào tạo y khoa, cũng chỉ đào tạo được 1983 bác sĩ nội trú trong tổng số 17.661 sinh viên (chiếm 11,2%). Sau khi tốt nghiệp, 95% bác sĩ nội trú này làm việc tại BV Bạch Mai, Việt Đức, Nhi Trung ương, Phụ sản Trung ương, BV Phổi Trung ương vv…Trong khi đó, ngành y tế Hà Nội có 41 BV, chỉ có 0,2% bác sĩ nội trú, còn các BV tuyến tỉnh toàn miền Bắc hơn 20 triệu dân lại không có bác sĩ nội trú nào. Đây là một trong những nguyên nhân quá tải ở BV tuyến Trung ương.

GS. Tạ Thành Văn –Hiệu trưởng Trường ĐHY Hà Nội cho biết các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế 

Bên cạnh đó, mô hình đào tạo bác sĩ nội trú hơn 40 năm qua không còn phù hợp, đòi hỏi phải đổi mới. Vì thế, từ chỗ mỗi năm chỉ đào tạo 20-30 bác sĩ nội trú, không đáp ứng nhu cầu về nguồn bác sĩ có năng lực cho các BV, Trường ĐHYHN đã mở rộng thành đào tạo năng lực thực hành chuyên môn. Năm 2018, đã có 481 thí sinh của 10 trường Trường ĐHY trên cả nước trúng tuyển bác sĩ nội trú, trong đó có nhiều chuyên ngành đang thiếu như lao, tâm thần, truyền nhiễm, y học cơ sở vv… Các bác sĩ nội trú sau khi ra trường sẽ là nguồn nhân lực cao, công tác tại cả các BV công lẫn BV tư, góp phần cải thiện chất lượng KCB trên cả nước.

Về các bác sĩ nội trú đã được Trường ĐHYHN đào tạo theo “đặt hàng” của UBND TP Hà Nội, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Các bác sĩ nội trú thực hiện tốt qui định về đạo đức, qui tắc ứng xử với bệnh nhân và đồng nghiệp, có chuyên môn tốt, phát huy được kiến thức đã đào tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bước đầu góp phần vào nâng cao chất lượng KCB. Các bác sĩ đều thực hiện thành thạo các kỹ thuật thường quy và một số kỹ thuật chuyên sâu, phối hợp với các đồng nghiệp trong hội chẩn, điều trị các ca bệnh khó, góp phần nâng cao chất lượng và thu hút điều trị nội trú.

GS. Tạ Thành Văn –Hiệu trưởng Trường ĐHY Hà Nội 

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: Muốn KCB được, bác sĩ phải được đào tạo SĐH. Nếu không, bác sĩ không thể nâng cao chất lượng KCB vì các bác sĩ sẽ gặp nhiều khó khăn trong công việc và hiệu quả sẽ không cao. Tuy nhiên, các BV phải trả lương xứng đáng cho các bác sĩ nội trú.

Thứ trưởng Tiến đánh giá cao việc Trường ĐHYHN đã làm tốt công tác đào tạo SĐH cũng như thành lập Trung tâm mô phỏng, vì là việc đầu tư cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo và chuyển giao công nghệ.

Để đáp ứng yêu cầu của Bộ Giáo dục –Đào tạo về tiêu chí nghiên cứu sinh phải công bố nội dung và kết quả nghiên cứu của luận án trong tối thiểu 2 bài báo quốc tế - một thách thức trong lĩnh vực đào tạo nghiên cứu sinh, GS. Văn cho biết giải pháp của Trường ĐHYHN là đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và xuất bản quốc tế của trường, trong đó khuyến khích các đề tài nghiên cứu kết hợp lâm sàng với nghiên cứu khoa học cơ bản và tăng cường hợp tác quốc tế. Trường cũng sẽ tăng cường liên kết đào tạo với các trường, cơ sở nghiên cứu trong nước và quốc tế có uy tín với mục tiêu trở thành một trường đại học nghiên cứu hàng đầu trong cả nước.


Thanh Hằng
.
.
.