Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung chia sẻ chiến lược thực tế phòng chống COVID -19

Thứ Hai, 30/11/2020, 17:57
Chiều ngày 30/11, tại TP Đà Nẵng đã điễn ra Hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch COVID-19 năm 2020. Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng hàng trăm đại diện ngành Y tế các địa phương trong cả nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng: Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng lớn đến an sinh - xã hội của hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. 

Tính đến nay, dịch COVID-19 đã lây lan ra 218 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 50 triệu người mắc, trên 1,4 triệu người tử vong. Tổ chức Y tế thế giới nhận định, dịch COVID-19 còn kéo dài đến hết năm 2021 và tiếp tục có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.

Toàn cảnh Hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch COVID-19 năm 2020.

Tại Việt Nam, mặc dù đã qua 89 ngày không ghi nhận ca mắc lây nhiễm trong cộng đồng, vẫn ghi nhận các ca nhập cảnh được cách ly ngay; các ổ dịch đã được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội về cơ bản đã quay trở lại như trước thời điểm dịch bùng phát lần thứ 2. Cả nước đang khẩn trương thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trên toàn cầu, nhiều quốc gia đều có số mắc COVID-19 ngày càng có xu hướng gia tăng, một số nước ở châu Âu đã tái phong tỏa, thực hiện giãn cách, nhưng tình hình lây nhiễm COVID-19 chưa thấy có xu hướng giảm. 

Trong thời điểm cuối năm 2020, với việc nhu cầu rất lớn người Việt Nam trở về từ các nước, đoàn nước ngoài đến trao đổi, làm việc với các đối tác Việt Nam, đặc biệt là nhập cảnh trái phép nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ các nước vào Việt Nam hiện rất lớn, hiện hữu đòi hỏi chúng ta cần phải nỗ lực rất lớn trong phòng chống dịch COVID-19,  Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định.

Tham luận tại hội nghị, PGS. Trần Như Dương, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã chia sẻ: “Bài học kinh nghiệm về chuyên môn y tế trong công tác khoanh vùng, truy vết, xử lý ổ dịch COVID-19 tại thực địa tại TP Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung”. Bằng việc duy trì 5 chiến lược lớn xuyên suốt, nhất quán để phòng chống dịch COVID-19 và đã được chứng minh qua thực tiễn là phù hợp và hiệu quả. 


Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung phòng chống COVID-19 hiệu quả dựa vào việc duy trì 5 chiến lược: “chiến lược ngăn chặn; chiến lược phát hiện; chiến lược cách ly; chiến lược khoanh vùng dập dịch và chiến lược điều trị hiệu quả”.

Qua kinh nghiệm thực tiễn chống dịch tại Đà Nẵng và một số tỉnh khu vực miền Trung, các tỉnh đã rất nhanh chóng thực hiện tốt công việc này. Một trong những kinh nghiệm rất quan trọng nữa của chiến lược phát hiện đó là thực hiện xét nghiệm diện rộng, xét nghiệm nhanh tại cộng đồng cũng như xét nghiệm những nhóm người nguy cơ cao để phát hiện ngay nguồn bệnh trong vùng dịch. Công việc này đã được TP Đà Nẵng đầu tư nguồn lực rất mạnh và thực hiện một cách hết sức quyết liệt trong suốt giai đoạn chống dịch. Chỉ trong vòng 1 tháng riêng TP Đà Nẵng đã thực hiện xét nghiệm tới 326.000 mẫu bệnh phẩm phục vụ chống dịch – là một con số vô cùng ấn tượng, một con số biết nói trong cuộc chiến chống dịch của Đà Nẵng.

Từ kinh nghiệm thực tiễn chống dịch tại Đà Nẵng, hàng ngày, các nhóm dịch tễ của Trung ương và CDC Đà Nẵng đã liên tục bám sát phân tích số liệu dịch tễ, chỉ ra các điểm nóng dịch tễ, các ổ dịch phức tạp để từ đó đề nghị chính quyền địa phương khoanh vùng chống dịch kịp thời. 

 Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung cũng đã rất thành công và linh hoạt trong công tác khoanh vùng dập dịch trong thời gian chống dịch vừa qua. Một trong những kinh nghiệm trong chống dịch tại thực địa không thể không nói tới việc chống dịch dựa vào cộng đồng, huy động sức mạnh của cộng đồng tham gia vào công tác phòng chống dịch. 

Trong đợt chống dịch vừa qua, tại miền Trung, chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền các địa phương đã thành lập được hàng vạn tổ phòng chống dịch COVID cộng đồng trực tiếp tham gia vào công tác phòng chống dịch tại thực địa (Đà Nẵng: 2.200 tổ, Quảng Nam: 5.500 tổ, Quảng Ngãi: 2.300 tổ, Quảng Trị: 4434 tổ). Với số lượng này đồng nghĩa với việc chúng ta đã huy động thêm được gần 3 vạn người trực tiếp tham gia chống dịch một cách tích cực và hiệu quả tại cộng đồng.

 Những tổ COVID cộng đồng chính là những hạt nhân của phong trào toàn dân tham gia phòng chống dịch. Mục tiêu của tổ COVID cộng đồng chính là giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 chủ động tại từng hộ gia đình. Tổ COVID cộng đồng cũng là cầu nối chủ động về công tác phòng chống dịch của chính quyền và ngành y tế đến với nhân dân, giúp cho người dân yên tâm, tin tưởng và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch.


Hoài Thu
.
.
.