Cứu sống bệnh nhân bị uốn ván nặng

Thứ Năm, 09/04/2015, 08:00
Ngày 8/4, BS Nguyễn Hoàng Các, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Sóc Trăng cho biết, sau 25 ngày tích cực cấp cứu, điều trị, các thầy thuốc của bệnh viện đã cứu sống một bệnh nhân bị uốn ván nặng, có nguy cơ tử vong khi gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu…

Theo lời kể của ông Thạch Thal (58 tuổi, ngụ tại ấp Wach Píc, phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng), ngày 1/3, do bất cẩn, ông bị đập đầu vào một vật cứng gây rách da đầu ở vùng trán bên phải. Cứ nghĩ vết thương chỉ xây xát ngoài da nhẹ nên ông không quan tâm, không chú ý chăm sóc bằng cách rửa vết thương bằng thuốc sát trùng…Đến ngày 3/3, vết thương sưng tấy, người nóng sốt, khó chịu mới đi kiểm tra thì được biết ông bị nhiễm trùng uốn ván nặng và được chuyển cấp cứu tại BVĐK Sóc Trăng.

Bệnh nhân Thạch Thal đã qua cơn nguy kịch và đang dần hồi phục sức khỏe. 

Theo Bác sĩ Tăng Vũ (Trưởng khoa nhiễm trùng), ông Thạch Thal nhập viện trong tình trạng tím tái toàn thân, khó thở. Qua thăm khám, các bác sĩ kết luận ông bị nhiễm trùng uốn ván nặng, suy hô hấp, nguy cơ tử vong rất cao. Sau khi có kết quả chẩn đoán ban đầu, BVĐK Sóc Trăng đã tập trung toàn lực để tích cực cứu chữa bệnh nhân, như: cấp cứu mở khí quản, cho thở bằng máy, dùng thuốc giãn cơ, an thần, chống co giật, bù nước điện giải…với chế độ chăm sóc đặc biệt.

Sau 25 ngày được các thầy thuốc BVĐK Sóc Trăng tích cực cứu chữa, ông Thạch Thal đã tỉnh lại, sức khỏe càng ngày càng chuyển biến tích cực, qua khỏi cơn nguy kịch. Gặp chúng tôi tại phòng bệnh, ông Thạch Thal hồ hởi, nói: “Tôi tưởng mình không qua khỏi, bây giờ thấy yên tâm rồi. Coi như tôi được sinh ra lần thứ hai vậy. Sau lần này, tôi sẽ cảnh giác hơn với những vết trầy xước trên da”.

Kể về quá trình điều trị của chồng mình, bà Kim Thị Sal cho biết thêm: “Gia đình tôi nghèo lắm, khi đưa ông đi điều trị, trong túi không có tiền. May nhờ có các bác sĩ tận tình giúp đỡ nên việc điều trị của chồng tui trở nên suôn sẻ”.

Bác sĩ Tăng Vũ cho biết: “Bệnh nhân Thạch Thal vào viện cấp cứu có bảo hiểm 100% nhưng hoàn cảnh quá nghèo, không có tiền để lo cho cuộc sống nên chúng tôi đã vận động mọi người chung tay góp sức giúp ông có cái ăn, cái uống trong thời gian chữa bệnh”.

Cũng theo Bác sĩ Tăng Vũ, một thực trạng đáng lo ngại là trong những năm gần đây, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận, điều trị trên 15 bệnh nhân bị uốn ván nặng, phần lớn là ở thị xã Vĩnh Châu. Nguyên nhân do bà con lao động nghèo, đi làm thuê làm mướn, chủ quan khi bị trầy xước da, không đi tiêm ngừa uốn ván khi bị đứt da nên dẫn tới bị nhiễm trùng nặng mới đưa đi cấp cứu. Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền cho bà con biết nguy cơ của uốn ván và khuyến cáo bà con khi bị đứt da nên đi tiêm ngừa để đảm bảo an toàn cho tính mạng của mình.

Cao Xuân
.
.
.