Cọng tàu dừa nằm trong cơ thể hơn 3 năm mà không hay biết

Thứ Năm, 13/09/2018, 15:34

Vào ngày 11-9-2018, Khoa Chấn Thương Chỉnh Hình Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á – Vĩnh Long (BVXA – VL) vừa tiến hành phẫu thuật loại bỏ cọng tàu dừa đã đâm xuyên vào bàn tay bệnh nhân và nằm trong đó hơn 3 năm.

Bệnh nhân L. (62 tuổi, ngụ tại H. Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cho biết, cách đây hơn 3 năm trong quá trình lao động bệnh nhân bị tàu dừa đâm vào tay trái gây chảy máu. Bệnh nhân có đi khám và mổ 2 lần nhưng tay vẫn sưng đau và chảy dịch. Qua quá trình tìm hiểu cùng với sự tin tưởng nên bệnh nhân đã tìm đến BVXA – VL để điều trị.

Sau khi đến khám tại BVXA – VL, bệnh nhân được các bác sĩ chuyên khoa Chấn Thương Chỉnh Hình thăm khám kỹ lưỡng và cho chỉ định siêu âm. Kết quả ghi nhận bệnh nhân bị một dị vật đâm xuyên vào tay trái, gây nhiễm trùng nặng và có chỉ định phẫu thuật để cắt lọc.

Cọng tàu dừa 2 mm sau 3 năm được phẫu thuật lấy ra khỏi tay bệnh nhân. 

Ngay sau đó, bệnh nhân đã được tiến hành phẫu thuật cắt lọc và tìm lấy được một dị vật ở kẽ giữa ngón I,II là một miếng tàu dừa dài khoảng 2cm, đường kính khoảng 2mm. Sau phẫu thuật, tình hình bệnh nhân đã ổn định, bàn tay trái không còn cảm giác bị đau nhức.

Các bác sĩ chuyên khoa Chấn Thương Chỉnh Hình BVXA – VL cho biết, người bệnh thường chủ quan khi bị các dị vật như mảnh gỗ/thủy tinh/ đá/ xương... nhỏ "cắm" vào da (dân gian thường gọi là "dằm") và chỉ đến bệnh viện khi đã bị nhiễm trùng, sưng đau, hoặc nặng hơn. 

Đa số các trường hợp, bác sĩ sẽ phải mở rộng vết thương để loại bỏ dị vật ra, công việc này đòi hỏi trình độ chuyên môn cũng như dụng cụ và môi trường phòng mổ đảm bảo vô trùng nên không thể tùy tiện. Nếu người bệnh tự xử lý hoặc không xử lý gì dị vật, ngoài khả năng bị nhiễm trùng, còn có nguy cơ bị mắc bệnh uốn ván rất nguy hiểm.

Do đó, các bác sĩ chuyên khoa Chấn Thương Chỉnh Hình BVXA – VL khuyến cáo, khi bị các vật nhọn đâm vào tay thì nên đến các cơ sở y tế uy tín để kiểm tra và loại bỏ dị vật một cách an toàn trong thời gian sớm nhất, nhằm tránh các biến chứng cũng như can thiệp phẫu thuật không cần thiết.

H.Nga
.
.
.