Tử vong do sốt xuất huyết:

Công tác điều trị bệnh nhân nặng chưa được quan tâm đúng mức

Thứ Hai, 11/05/2015, 08:47
Số ca tử vong do sốt xuất huyết (SXH) đã xuống thấp nhất trong vòng 10 năm qua, nhưng vẫn còn tới 20 ca tử vong do SXH trên cả nước trong năm 2014. Từ đầu năm 2015 tới nay, cả nước đã có 8.320 ca mắc SXH; riêng miền Nam số ca mắc tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại Hội nghị Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2015, công tác dự phòng, đặc biệt là công tác điều trị bệnh nhân nặng do SXH vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Phòng chống sốt xuất huyết: “Hãy nhìn bài học kinh nghiệm từ dịch sởi 2014”

Số liệu từ Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết, số ca mắc và tử vong vì SXH ở khu vực phía Nam từ đầu năm tới nay đã tăng cao so với 2014. Ngành y tế cũng ghi nhận có 6 trường hợp tử vong, trong đó TP Hồ Chí Minh có 2 ca. Năm 2014, trong số 20 ca tử vong do SXH trên cả nước thì TP Hồ Chí Minh vẫn là địa phương có số tử vong do SXH cao nhất: 5 ca.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tình hình số ca mắc và tử vong do SXH tại phía Nam cho thấy, rất cần chú ý tới công tác điều trị để giảm thiểu tử vong. Năm 2014 cả nước có 31.484 trường hợp mắc tại 50 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó chiếm tỉ lệ 4,4% là số ca SXH nặng. Năm 2013, số tử vong do SXH cao hơn (22 trường hợp). Nhưng không phải vì vậy mà cho rằng việc điều trị SXH đã tốt hơn.

Ảnh minh họa:Lê Khải.

Theo đó, số ca nặng do SXH vẫn tập trung chủ yếu tại 10 tỉnh tại phía Nam, gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu; Bình Dương; Đồng Nai; Khánh Hòa; Long An; TP Hồ Chí Minh; Tây Ninh; Bình Phước; Phú Yên và Bình Thuận.

Bác sĩ Nguyễn Minh  Tiến, Trưởng Khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh cho biết: “Trong 16 bệnh nhi tử vong do SXH năm 2014, đáng chú ý là 4/16 ca là có kèm dư cân, gây khó khăn khi điều trị, 6/16 ca sốc nặng và vào sốc sớm, các ca này ngoài biểu hiện sốc do SXH còn kèm theo kẹt, không đo được huyết áp; một số ca ngoài sốt SXH còn kèm sốc nhiễm trùng; có 2/16 ca do chuyển viện quá trễ. Qua việc phối hợp với tuyến dưới cho thấy, nhiều nơi, cán bộ y tế chưa làm được phương pháp đo huyết áp xâm lấn hoặc làm nhưng thất bại. Với các ca SXH kèm vào sốc sớm, không được hỗ trợ thở máy sớm, đo huyết áp xâm lấn thì rất dễ tử vong”.

Từ những phân tích trên, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng: “Nhiệm vụ của công tác điều trị SXH trong năm 2015 tại phía Nam, là các bệnh viện tuyến trên cần duy trì đường dây nóng, hỗ trợ tuyến dưới qua tư vấn, theo chỉ đạo tuyến từng khu vực; cấp cứu kịp thời. Đặc biệt là “lớp tập huấn thở máy nâng cao” cần được phổ biến kỹ càng cho cán bộ y tế tuyến dưới thuần thục. Không cần phải nghe thành tích của các cơ sở, chỉ cần nhìn vào tỉ lệ số ca tử vong/tổng số ca mắc SXH của từng địa phương. Hãy tìm ra bài học kinh nghiệm phòng chống dịch SXH từ chính ngay dịch sởi xảy ra trong năm 2014 mà rút kinh nghiệm”.

Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng nhất thiết phải được điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu

PGS.TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh dẫn giải: Qua các ca SXH nặng được chuyển tới BV Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, đáng chú ý là nếu ở tại Khoa Nhi, bệnh nhân SXH nặng sẽ được chuyển từ Khoa Nhiễm lên Hồi sức tích cực điều trị. Bệnh nhân SXH chuyển sang tình trạng nặng không có điều kiện chuyển lên hồi sức cấp cứu mà thường để ở khoa Nhiễm. Trong khi sốc do SXH Dengue ở người lớn rất nguy hiểm, diễn tiến nhanh, giống hệt bệnh cảnh sốc do nhiễm trùng, với nhiều triệu chứng dữ dội, phải được hồi sức tích cực nhanh chóng, lọc máu kèm thở máy. Không có BS chuyên sâu điều trị bệnh nhân SXH nặng, không trang thiết bị cần thiết, theo BS Vĩnh Châu, sẽ khó giảm thiểu tử vong trong điều trị SXH, bệnh nhân SXH nặng phải được đưa lên khoa Hồi sức tích cực”.

Khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 1, TP. Hồ Chí Minh, nơi điều trị cho bệnh nhi sốt xuất huyết.

Ngoài ra, từ năm 2014, BV Bệnh nhiệt đới đã tăng cường các lớp chuyên sâu tập huấn về kiến thức hồi sức, nhất là điều trị bệnh nhân SXH nặng, gửi giấy mời tới các BV tỉnh, nhưng bác sĩ đi học lại không được trang bị kiến thức “hồi sức chuyên sâu”, đáp ứng cho điều trị bệnh nhân sốc do SXH Dengue. Điều này chứng tỏ, giảm thiểu tử vong do SXH vẫn chưa được quan tâm.     

Huyền Nga
.
.
.