Có thể điều chuyển giám đốc bệnh viện nếu để quá tải và phòng khám nhếch nhác

Thứ Bảy, 17/01/2015, 09:42
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Sau khi các BV ký cam kết, Bộ Y tế sẽ công bố danh sách các BV không còn nằm ghép. Những BV đủ cơ sở vật chất mà vẫn để bệnh nhân nằm ghép và khu khám bệnh nhếch nhác, quy trình KCB quá rườm rà sẽ không để giám đốc điều hành, hoặc điều chuyển sang vị trí khác...

Quá tải bệnh viện (BV) đã trở thành vấn đề nóng của ngành y tế nhiều năm qua, vì ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều trị cho người bệnh, khi việc nằm ghép có thể khiến người bệnh bị nặng thêm, như dịch sởi tháng 4-2014 tại BV Nhi TƯ. Vì thế, những ngày đầu năm 2015, 3 BV là BV Nhi TƯ, BV Nội tiết và BV K, là 3 đơn vị luôn bị quá tải, cam kết không có bệnh nhân nằm ghép đã khiến người dân đặc biệt quan tâm. Đây là tín hiệu vui cho người bệnh, cũng như cho cả ngành y tế khi sau nhiều năm quyết tâm, nay mới le lói thay đổi. Vì thế, ngày 16/1, đích thân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì cuộc họp với các BV tuyến TƯ, các BV tuyến cuối của một số địa phương, nhằm tìm ra các biện pháp tối ưu cho vấn đề giảm tải BV, để các BV cam kết không có người bệnh nội trú nằm ghép. Do đây là hội nghị bàn các giải pháp nội bộ nên báo chí đã không được phép tham dự.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn chứng thực tế: Với người khỏe mạnh mà nằm ghép 2 ngày còn không chịu nổi thì người ốm, sốt phải nằm ghép là không thể chấp nhận được. Do đó, yêu cầu các BV phải tập trung vào việc giảm tải BV, nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB). Bộ trưởng nhấn mạnh: Tuy nhiên, để giảm tải, chỉ các BV tuyến TƯ không thể làm được nếu các BV tuyến dưới vẫn chuyển bệnh nhân lên. Kinh nghiệm giảm tải ở nước ngoài là phải có hệ thống BV vệ tinh, phòng khám bác sĩ gia đình mới giảm được ở tuyến TW. Do đó, các BV tuyến TƯ muốn giảm tải được, bên cạnh tăng số giường bệnh thì vai trò của hệ thống BV vệ tinh rất lớn.

Từ thực tế của BV Nhi TƯ có tỷ lệ nằm ghép trên 130%, đặc biệt, tại Khoa Hô hấp, bệnh nhi phải nằm ghép 3 - 4, thậm chí 6 cháu/giường, nay số giường bệnh mới tăng rất ít, nhưng đã giảm tải được. Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Điều đặc biệt quan trọng để giảm tải chính là những giải pháp của BV, do năng lực quản lý điều hành của giám đốc BV. Do đó, bên cạnh giải pháp tăng số giường thì rất cần khả năng điều hành, quản trị của giám đốc BV như giảm điều trị nội trú, tăng điều trị ngoại trú, lọc bệnh, kê thêm giường bệnh có thể được, đưa các bác sĩ giỏi ra phòng khám, lọc bệnh kỹ hơn và kiên quyết không nhận bệnh nhân nếu chưa đến mức phải tuyến trên điều trị vv… Nếu giá dịch vụ thấp thì các BV sẽ còn đông, do đó, giải pháp giảm tải về kinh tế phải là chính. Đặc biệt, với cơ chế tài chính hiện nay các BV không muốn giảm tải để tăng nguồn thu, do đó, các giám đốc BV cần có ý thức tự trọng để giảm tải.

Các BV Bạch Mai, BV Ung bướu muốn giảm tải thì các BV vệ tinh ở Ninh Bình, Phú Thọ, Nghệ An, Lai Châu, Lào Cai, Hòa Bình phải tăng khả năng để không chuyển tuyến. Nhiều kỹ thuật, BV tuyến tỉnh có thể làm tốt hơn tuyến TƯ, vấn đề là chuyển giao công nghệ, cơ sở vật chất và chăm sóc tốt, như các BV Phú Thọ, BV Lào Cai thì sẽ giảm chuyển tuyến. Do đó, khi các BV tuyến TƯ ký cam kết giảm tải, phải có sự đồng hành của các BV tuyến tỉnh mới thành công.

Bệnh viện Nhi TW là 1 trong 3 bệnh viện cam kết không để tình trạng bệnh nhân nằm ghép.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Sau khi các BV ký cam kết, Bộ Y tế sẽ công bố danh sách các BV không còn nằm ghép. Những BV đủ cơ sở vật chất mà vẫn để bệnh nhân nằm ghép và khu khám bệnh nhếch nhác, quy trình KCB quá rườm rà sẽ không để giám đốc điều hành, hoặc điều chuyển sang vị trí khác.

PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi TƯ, chia sẻ kinh nghiệm giảm tải của BV Nhi TƯ: BV chủ động đầu tư để tăng cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, tăng số bàn khám, giảm thời gian xét nghiệm từ 4 tiếng xuống còn 2 tiếng, yêu cầu các trưởng khoa ra phòng khám khám bệnh để người dân được hưởng lợi. Đặc biệt, BV đã xây dựng hệ thống lọc bệnh để các bác sĩ giỏi theo dõi bệnh nhân trước khi quyết định cho về nhà hay điều trị nội trú. Hằng ngày rà soát khoa nào bệnh nhân nhiều hơn số giường sẽ yêu cầu trưởng khoa tìm nguyên nhân và đưa bệnh nhân nặng về phòng cấp cứu để bệnh nhân không bị nặng thêm. Hệ thống hồi sức tích cực của BV được đầu tư lớn đã góp phần quan trọng để giảm tử vong. BV còn có kế hoạch chẩn đoán điều trị tốt.

Một giải pháp quan trọng của BV Nhi TƯ còn là liên kết hệ thống với các BV tuyến TW, BV tuyến dưới và liên tục có phản hồi trong hệ thống về tình trạng bệnh nhân, để Giám đốc các BV quyết liệt hơn trong việc điều chuyển bệnh nhân hay không. Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, để giảm tải bền vững, cần các biện pháp căn cơ là xây dựng cơ sở 2, đào tạo con người về cả chuyên môn, giao tiếp lẫn hiểu biết pháp luật.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB, tình trạng nằm ghép tập trung ở các BV Chợ Rẫy, Phụ sản TƯ, Viện Huyết học - truyền máu TƯ, BV Nhiệt đới TƯ vv… Thực tế cho thấy việc cam kết không để tình trạng nằm ghép của các BV tuyến TW là khả thi, nếu tăng cường năng lực tuyến dưới, giảm chuyển tuyến, vượt tuyến, nhất là công tác quản lý điều hành ở các BV; tăng cường điều trị ngoại trú, hạn chế điều trị nội trú vv… Do đó, việc ký cam kết không để nằm ghép sẽ là 1 tiêu chí đánh giá năng lực chỉ đạo điều hành của giám đốc BV.

Một nội dung cam kết giảm tải của các BV là sẽ minh bạch, cập nhật tình hình quá tải BV hàng tuần. Nhưng tại hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê bình BV Bạch Mai vì đến nay, đã không có số liệu về vấn đề này. Trong khi đó, đã có hơn 10 BV cho biết sẽ cam kết không để tình trạng bệnh nhân nằm ghép.

Thanh Hằng
.
.
.