Có hay không thuốc làm từ thịt người?

Thứ Bảy, 10/11/2018, 16:11

Thông tin về thuốc làm từ thịt người có xuất xứ ở Trung Quốc do Nigeria vừa công bố đang khiến dư luận kinh hoàng. Trước những lo ngại về loại thuốc thiếu tính nhân văn này, ngày 10-11, các chuyên gia về y học cổ truyền của Việt Nam lại cho biết y văn không nhắc đến loại thuốc trên.



Theo TS. Trần Thái Hà – Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương thì ngay cả trong các sách cổ cũng không nghe nhắc đến việc dùng thịt người làm thuốc. Trước đây, trong Đông y có nói đến vị thuốc "Tử hà sa" (nhau thai người), nhưng hiện nay các bác sĩ y học cổ truyền cũng không dùng đến nữa.

TTND. Trần Văn Bản, Chủ tịch Hội đông Y Việt Nam cũng cho rằng nói như thế là không đúng. Bởi theo ông, tất cả cơ quan tổ chức trong cơ thể con người đều có ADN ví dụ trong xương, tóc, móng… và trong cả cơ nữa. Nhờ AND tồn tại ở trong xương mà các nhà khoa học đã xác định được huyết thống và thân nhân của những liệt sĩ. Như vậy ADN có ở mọi thành phần trong cơ thể. Khi trong thuốc có ADN (từ nhau thai) thì xét nghiệm sẽ có ADN, nhưng thấy ADN trong thuốc thì không thể khẳng định đó là thịt người mà chỉ là nhau thai thôi.

Thuốc chứa thịt người bị chính quyền Hàn Quốc tịch thu

Đặc biệt theo, theo BS. Bản, từ trước đến nay cả Tây Y và Đông Y đều sử dụng nhau thai làm nguyên liệu, thành phần của thuốc và bài thuốc. Ở Tây y trước đây nhau thai được sử dụng để sản xuất Philatop, nhưng do nguồn không đáp ứng được nên sau này các nhà khoa học đã dùng gan động vật để sản xuất philatop. Còn trong Đông y, nhau thai được sử dụng trong bài thuốc Hà sa đại tẩu hoàn - bài thuốc rất bổ khí huyết, dùng cho những người bị suy nhược cơ thể. Riêng vị hà sa (rau thai nhi) khoa học đã xác định có rất nhiều hoormon đặc biệt ở trong đó, mà những cái khác không có. Bài thuốc hà sa đại tẩu hoàn giúp cơ thể trường sinh bất lão, mà trường sinh bất lão chuẩn nhất từ dây rốn, chữa được 9 loại bệnh nghiêm trọng.

Chủ tịch Hội đông y Việt Nam cũng cho biết, thông tin này ông đã biết cách đây mấy năm và cũng là vấn đề mà ông đã tranh luận từ nhiều năm trước ở Hàn Quốc. BS. Bản lý giải thêm, ngày xưa, sau khi sản phụ đẻ, người ta cắt lại một đoạn dây rốn, treo cho khô đi và bảo để cho trẻ khỏi giật mình… 

Nhưng đó không phải là mục đích chính, mà người ta giữ lại một mẩu dây rốn để không may người đó mắc bệnh hiểm nghèo thì sau này người ta lấy cái đoạn dây rốn ấy ra làm bài thuốc cho chính người đó dùng. Tuy nhiên không phải thầy thuốc nào cũng biết việc này và không phải thầy thuốc nào cũng có bài thuốc đó. Việc cắt lại đoạn dây rốn chính là tiền thân của phương pháp tế bào gốc được lấy từ cuống rốn và nhau thai. Đây cũng là một tiền đề mở ra tiến bộ khoa học cực kỳ lớn.

Theo BS. Trần Văn Bản, Hàn Quốc là nước đầu tiên làm tế bào gốc, rồi đến Nhật Bản. Song đây lại là phương pháp mà cả hai nước không khuyến khích, khi Chính phủ cho phép làm nhưng giá thành cực kỳ cao. Dưới góc độ khoa học thì làm tế bào gốc rất tốt. Lợi ích đầu tiên có thể thấy là tế bào gốc sản sinh ra nhiều tế bào mới khác thay thế tế bào hỏng của các cơ quan tổ chức trong cơ thể con người. Bài thuốc hà sa đại tẩu hoàn là tiền thân việc nghiên cứu dây rốn (tế bào gốc) của Hàn Quốc.

Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) cũng cho biết, trong Đông y, chỉ có duy nhất một bộ phận của người được sử dụng làm thuốc chữa bệnh, đó là nhau thai của bà đẻ trong bài thuốc Hà xa đại tạo hoàn. Nhau thai là bộ phận trong tử cung của người mẹ, phần phụ của thai, có nhiệm vụ bảo vệ và nuôi dưỡng bào thai. 

Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào chứng minh được điều này và nhau thai cũng chỉ bổ dưỡng như thịt gà, thịt bò… Hơn nữa, việc sử dụng nhau thai làm thức ăn cũng có nhiều nguy cơ, nhất là khi bà đẻ mắc bệnh truyền nhiễm. Theo ông Vũ Quốc Trung thì ông chưa từng nghe nói đến bài thuốc dùng thịt người để điều trị bệnh.



Thanh Hằng
.
.
.