Chuyên gia Pháp-Việt phối hợp nghiên cứu, khảo sát, điều trị bệnh gút

Chủ Nhật, 25/06/2017, 09:39

Vừa qua tại TP Hồ Chí Minh, đại diện Tổng lãnh sự quán Pháp, Trường Đại học Paris 7, Trường Đại học Y- Dược TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Quân Y 175 – Bộ Quốc Phòng, Trung Tâm nghiên cứu bệnh gút Pháp – Việt cùng Phòng Khám Đa khoa (PKĐK) Viện Gút TP Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức cuộc gặp gỡ khoa học: “Bệnh gút ở Việt Nam: Hiện trạng; phương tiện cần triển khai thực hiện để hiểu rõ hơn và điều trị bệnh gút tốt hơn”.


Tại cuộc gặp gỡ, GS Thomas Bardin, Đồng GĐ Trung tâm nghiên cứu bệnh gút Pháp Việt đã cung cấp nhiều thông tin về bệnh gút qua nghiên cứu của ông và cộng sự. Bệnh gút là bệnh do axit uric dư thừa dẫn đến hình thành của các tinh thể ở khớp. Các tinh thể này kích hoạt cơn đau dữ dội, cấp tính và cuối cùng phá hủy các khớp, nếu không được điều trị, người bệnh sẽ rơi vào hoàn cảnh tàn phế. 

Đặc biệt các lắng đọng sẽ thâm nhập vào bên dưới da và thận bệnh nhân, làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống cũng như khả năng làm việc của bệnh nhân. Điều đáng báo động, bệnh gút sẽ càng trở nên nghiêm trọng, có thể dẫn tới tử vong khi điều trị không dứt điểm. Khi kết hợp trên bệnh nhân bị cao huyết áp, có thể dẫn đến tiểu đường, bệnh tim và suy thận.

Giáo sư Thomas Bardin trao đổi với các Chuyên gia tại hội thảo về bệnh gút.

Ông Nguyễn Đình Quang, Chủ tịch Viện Gút cho hay, Viện Gút TP. Hồ Chí Minh được thành lập từ năm 2008, là nơi điều trị chuyên về bệnh gút. 

Từ năm 2011, Viện Gút được chuyển thành Trung tâm Nghiên cứu Bệnh gút Pháp – Việt cùng phối hợp với PKĐK Viện Gút TP HCM nghiên cứu nhắm hoàn thiện hơn mô hình điều trị cho bệnh nhân gút. Từ năm 2014, Giáo sư Thomas Bardin, Trường đại học Paris 7 và bệnh viện Lariboisière đã trực tiếp đến hỗ trợ cho công tác điều trị ở PKĐK Viện Gút. Và đây cũng được coi là trung tâm đầu tiên và duy nhất trên Thế giới điều trị chuyên sâu về bệnh gút.

Các Chuyên gia Pháp và Bác sĩ Việt Nam trao đổi về việc điều trị cho bệnh nhân gút tại Viện Gút TP Hồ Chí Minh.

Tại hội nghị, GS Thomas Bardin cũng đưa tới một cảnh báo: bệnh gút là bệnh mạn tính nhưng thường được xem là bệnh cấp tính, điều trị chủ yếu bằng thuốc kháng viêm nhưng qua khảo sát cho thấy, nhiều bệnh nhân điều trị bằng dẫn xuất của cortisol có tác dụng giảm viêm, nhưng không hạ axit uric và là nguồn gốc của nhiều biến chứng (béo phì, tiểu đường, cao huyết áp, loãng xương…). 

Đồng thời, nảy sinh tình trạng "nghiện" cortisol đang diễn ra trên nhiều bệnh nhân gút. Ngoài ra, bệnh gút vẫn được cho rằng, là "bệnh của nhà giàu", xuất hiện ở nhiều người do chế độ ăn uống nhiều đạm, nhưng thực tế, trong số bệnh nhân tới khám nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí có bệnh nhân ăn chay trường cũng bị gút.

Giáo sư Thomas Bardin cũng công bố, qua nghiên cứu của ông cho thấy, bệnh gút liên quan rất lớn tới yếu tố gen di truyền và hiện nhóm nghiên cứu của ông cũng đang đặt ra vấn đề có hay không các môi liên hệ với yếu tố nhiễm chất độc da cam tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, các đơn vị liên quan cũng thực hiện lễ kí kết trong vấn đề mở rộng, hợp tác, nghiên cứu và điều trị cho bệnh nhân gút tại Viện Gút TP Hồ Chí Minh. Điều này sẽ khuyến khích sự trao đổi song phương giữa các nhà nghiên cứu, đẩy mạnh sự hợp tác tích cực giữa Pháp và Việt Nam. Đặc biệt, trong thoả thuận giữa Trung tâm với Trường ĐH Y dược và Bệnh viện Quân y 175- Bộ quốc phòng, sẽ đẩy mạnh việc hợp tác nghiên cứu, khảo sát và đưa ra qui trình phối hợp mang tới cơ hội cứu chữa thành công nhất cho những bệnh nhân gút nặng, nhất là những trường hợp có nguy cơ tử vong cao.

Lễ kí kết giữa các bên thoả thuận đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu, khảo sát và điều trị cho bệnh nhân gút tại Việt Nam. 


Huyền Nga
.
.
.