Chuẩn hóa một quy trình cứu người

Thứ Ba, 14/03/2017, 10:08
Các bác sĩ (BS) BV Chợ Rẫy đang nỗ lực xây dựng “Báo động đỏ” thành một quy trình được chuẩn hóa.


“Báo động đỏ” tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy đã trở thành một cụm từ quen thuộc. Những ca bệnh cần sự ứng phó kịp thời đến từng giây, từng phút tại BV tuyến cuối này đã giành lại sự sống cho nhiều bệnh nhân (BN) tưởng chừng đã bị “tử thần” gọi tên. Các bác sĩ (BS) BV Chợ Rẫy đang nỗ lực xây dựng “Báo động đỏ” thành một quy trình được chuẩn hóa.

Đua với thần chết để cứu người

Theo BS Trương Thế Hiệp, Phó khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy, trong năm 2016, tổng số ca được cấp cứu khẩn theo quy trình Báo động đỏ chỉ là 15 ca, nhưng riêng đầu năm 2017 tới nay, số ca được cứu sống từ Báo động đỏ này đã là 8 ca. Hầu hết BN vào trong tình trạng “10 phần, đã chết 9”, nếu không được thực hiện mổ cấp cứu khẩn, sẽ tử vong.

Có những ca BN nhập viện đã trong tình trạng quá nguy cấp, các phẫu thuật viên đã tiến hành ca mổ mà không cần gây mê, vì trên thực tế, BN vào đã hôn mê, không bắt mạch nổi. Khẩn cấp tới mức, người BS có khi chỉ còn kịp "kẻ" một đường dao lên ngực của BN mà dẫn lưu dịch, máu tụ bên trong ra, mới họa may cứu được BN.

Điển hình có thể kể tới trường hợp một BN người Nhật, được cứu sống ngay trong đêm giao thừa Tết Đinh Dậu 2017. BN đã 70 tuổi, đến Việt Nam để du lịch. Vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất, BN bất ngờ ngất xỉu do cơn đau tim. Ngay sau đó, BN được sơ cứu tại sân bay rồi đưa đi cấp cứu tại BV FV, rồi được chuyển đến BV Chợ Rẫy.

BS Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Hồi sức Phẫu thuật tim BV Chợ Rẫy cho biết, BN trên bị bóc tách động mạch chủ, tình trạng nguy kịch, nếu không phẫu thuật kịp thời sẽ tử vong. Ngay sau đó, qui trình cấp cứu khẩn của BV Chợ Rẫy được báo động; các BS có mặt nhanh chóng để tiến hành phẫu thuật cứu sống BN.

Sau 6 ngày phẫu thuật, BN tỉnh táo, tiếp xúc tốt và được xuất viện khỏe mạnh. Sau trường hợp BN người Nhật, là trường hợp cả 3 BN đều là nam, còn trẻ được đưa vào Khoa trong tình trạng rất nặng, người bị tắc mạch máu lớn trong lồng ngực, người bị tổn thương mạch máu phổi; người bị một vết thương tim,…

Khi được Báo động đỏ, các BS của Khoa Hồi sức tích cực, Khoa Ngoại lồng ngực - mạch máu, và Khoa Ngoại tiêu hóa đã cùng hội chẩn và vào cuộc. Họ đã trực tiếp đứng suốt hơn 2 giờ để  phẫu thuật, cứu sống cả 3 BN. Các BN hồi phục hoàn toàn sau 5 ngày.

Gần đây nhất là trường hợp một nam BN, 32 tuổi, bị tổn thương nặng, mạch, huyết áp đo bằng 0 khi nhập viện sau TNGT do đầu xe container đụng phải, gây dập, rách gan.

Ngay lập tức, BS khoa hồi sức cấp cứu và Khoa Ngoại lồng ngực được mời xuống. Ca mổ thám sát phát hiện tổn thương của tĩnh mạch khiến một lượng máu rất lớn đổ vào trong tim. Êkíp đã tiến hành dẫn lưu máu ra ngoài cho BN tới 2 lít, cứu sống BN.

Các y, bác sỹ Khoa Cấp cứu của BV Chợ Rẫy nỗ lực giành giật sự sống cho các bệnh nhân.

Chuẩn hóa một quy trình đã “quen tay”

Được biết, năm 2015 và 2016 mỗi ngày BV Chợ Rẫy tiếp nhận 250 BN cấp cứu/ngày. Nhưng cuối 2016 tới nay lượng BN cấp cứu tới BV Chợ Rẫy lên tới 350 ca/ngày. Trong đó, 2/3 số BN này được nhập nội trú, nhưng có tới 10% lượng BN là được chuyển mổ cấp cứu.

Theo BS Hiệp, những BN nặng trong tình trạng không thể chuyển tới phòng cấp cứu lớn của BV được, các BS phải can thiệp gấp bằng hồi sức tích cực; đồng thời, tuỳ theo tình trạng tổn thương của BN mà gọi ngay cho các BS, phẫu thuật viên trong các khoa xuống để phối hợp, mổ ngay để cứu tính mạng cho bệnh nhân.

Tại Khoa Cấp cứu, nơi đây từ khi tiếp quản tòa nhà làm việc, theo thiết kế cũ của người Nhật, đã có xây dựng một phòng mổ nằm ngay trong Khoa cấp cứu, được thiết kế của một phòng mổ chính quy, đảm bảo cả việc chống nhiễm khuẩn chứ không phải là phòng tiểu phẫu hay là phòng mổ “tạm”, đủ điều kiện mổ khẩn những ca không thể chuyển về phòng mổ lớn của BV.

Thực tế trên cho thấy mô hình xây dựng phòng mổ tại Khoa Cấp cứu đã phát huy tối đa được công dụng của nó, kịp thời cứu sống nhiều BN nguy kịch. Từ thực tế, BV Chợ Rẫy đang khảo sát để tiến hành triển khai một số phòng mổ cấp cứu tại các khoa điển hình, nhằm mang lại nhiều cơ hội cứu sống BN mà trong tình huống cần một số trang thiết bị chuyên dụng trong lĩnh vực chuyên khoa.

Đặc biệt, để mang lại lợi ích cao nhất cho BN, Ban Giám đốc BV Chợ Rẫy chỉ đạo, cần phải "chuẩn hoá" hoàn toàn qui trình Báo động đỏ. Còn nói ví von như BS CK II Trương Thế Hiệp là “chúng tôi dù đã có đứa con trưởng thành, lớn rồi nhưng giờ mới làm giấy khai sinh thật đàng hoàng cho nó!”

Huyền Nga
.
.
.