Chồng chéo khi 6 bộ cùng quản lý một “cây thuốc” Đông y

Thứ Tư, 18/07/2018, 18:06

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm phát triển nền Đông y Việt Nam, ông Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết tỷ lệ khám chữa bệnh (KCB) y dược cổ truyền (YDCT) và kết hợp YDCT với y học hiện đại, tỷ lệ giường bệnh cho YDCT ở tuyến tỉnh đều giảm.



Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chỉ ra: Việt Nam có nguồn dược liệu phong phú, nhiều bài thuốc hay, nhưng vẫn chưa phát huy được trong KCB. Nhiều bài thuốc hay của Tuệ Tĩnh Đường chưa được phát triển, nên mới dừng ở việc đi KCB từ thiện cho bà con. Người dân khi có bệnh đều nghĩ đến KCB Tây y, trong khi nhiều bệnh, thuốc Đông y chữa được. Tỉ lệ KCB kết hợp giữa Đông y và Tây y còn khiêm tốn. Nguồn dược liệu còn bị khai thác bừa bãi.

Người đứng đầu ngành y tế cũng thừa nhận một số điều khoản trong Luật KCB, Luật BHYT, Luật Dược... đã bộc lộ những điểm chưa phù hợp, thậm chí, cản trở sự phát triển của YDCT.

Nhiều rào cản của YHCT đã được thẳng thắn chỉ ra, nhằm tìm giải pháp khắc phục cho YHCT. 

Các ý kiến đồng ý rằng đang có sự chồng chéo trong quản lý nhà nước giữa các bộ ngành. Ví như Bộ Y tế quản lý dược liệu dùng làm thuốc, thuốc dược liệu, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc cổ truyền;  Bộ NN&PTNT quản lý nuôi trồng cây thuốc, quản lý rừng trong đó có động vật, thực vật làm thuốc; Bộ Công Thương quản lý việc buôn bán, xuất nhập khẩu dược liệu dùng cho các lĩnh vực khác thuốc như: Thực phẩm, thực phẩm chức năng (TPCN), mỹ phẩm, công nghiệp hóa dược, tinh dầu, chất thơm; Bộ Khoa học & Công nghệ quản lý về nghiên cứu, công nghệ và tiêu chuẩn hóa; Bộ Tài chính (Tổng Cục Hải quan) quản lý, giám sát việc nhập khẩu dược liệu;  Bộ Quốc phòng (Bộ đội biên phòng) phối hợp quản lý dược liệu nhập lậu qua đường tiểu ngạch; UBND các tỉnh/thành phố quy hoạch vùng nuôi trồng, chỉ đạo nuôi trồng và khai thác cây thuốc trên địa bàn. 

Hiện chưa có cơ quan làm đầu mối để thống nhất quản lý chuỗi dược liệu. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào YDCT còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của YDCT.

Nhiều đại biểu bày tỏ trăn trở trước Đông y VN chưa phát triển xứng tầm

Theo Cục Y dược cổ truyền, một số Luật hiện hành bộc lộ những hạn chế như áp dụng các quy định của y học hiện đại đối với YDCT là không hợp lý. Khi thực hiện Luật KCB, còn nhiều vướng mắc cho YHCT trong việc cấp chứng chỉ hành nghề, nên hiện có khá đông người hành nghề không được cấp chứng chỉ. Nhóm người hành nghề theo kinh nghiệm dân gian, nhóm là ông lang bà mế (hành nghề KCB theo tri thức truyền thống của dân tộc hay y học dân tộc thiểu số) vẫn không có cơ chế quản lý, kiểm soát được.

Ông Phạm Vũ Khánh cho hay việc thực hiện Luật BHYT cũng còn nhiều khó khăn trong KCB và thanh quyết toán BHYT về YDCT. Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị cấp tính tại các bệnh viện (BV) đa khoa thì được chuyển đến BV YHCT, nhưng do các rào cản trong cơ chế chuyển tuyến khiến bệnh nhân không được chuyển đến BV YHCT. Hiện số người đăng ký KCB BHYT ban đầu tại các BV YHCT rất thấp, do đó, cần mở rộng nhóm đối tượng lựa chọn BV YHCT tỉnh đăng ký ban đầu. 

Cần xem xét vấn đề thanh toán BHYT cho những bệnh nhân ngoại trú trái tuyến ở các BV YHCT và sử dụng thuốc nam trong KCB tại tuyến cơ sở. Chưa có cơ chế tăng cường thuốc nam sử dụng trong chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt ở tuyến y tế cơ sở, nhất là trong đấu thầu thuốc YHCT.

Dây chuyền sắc thuốc hiện đại ở BV YHCT Bộ Công an

Đại diện Cục Y dược cổ truyền cũng cho rằng, Luật An toàn thực phẩm (ATTP) qui định TPCN gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học, dẫn đến nhiều tổ chức, cá nhân đã chuyển dạng các bài thuốc YHCT quý thành dạng TPCN để được lưu hành, đồng thời quảng cáo như dược phẩm. Hiện tượng quảng cáo vượt quá khả năng chuyên môn, hoặc sai sự thật trên mạng xã hội và một số phương tiên thông tin đại chúng tràn lan, khiến cho người dân mất lòng tin với YHCT, ảnh hưởng đến uy tín của các thầy thuốc YHCT chân chính. Trong khi đó, chế tài chưa đủ mạnh hoặc xử lý khó khăn, khiến cho việc ngăn chặn chưa hiệu quả.

Mặt khác, xu hướng sản xuất TPCN chỉ từ một vị thuốc với dịch vụ cung ứng tiện lợi, nên người dân dễ tiếp cận, dẫn đến tình trạng lạm dụng mà không tuân theo nguyên lý sử dụng thuốc của YHCT, dễ xảy ra những tác động xấu cho sức khỏe. Công tác truyền thông chưa phù hợp cũng góp phần tạo nên việc nhiều người dân, kể cả đội ngũ cán bộ y tế, hiểu chưa đúng bản chất của YHCT trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Hành lang pháp lý liên quan đến quản lý dược liệu trong Luật Dược chưa đầy đủ, khiến cho việc xử lý khó khăn; cũng chưa có quy định chặt chẽ việc bảo tồn, thu hái dược liệu tự nhiên; chế tài kiểm soát việc sản xuất, chế biến, buôn bán, kinh doanh dược liệu chưa đủ mạnh là nguyên nhân của tình trạng dược liệu/thuốc YHCT không đảm bảo chất lượng trôi nổi trên thị trường.

Trong lĩnh vực YHCT, các đơn vị y tế trong CAND đã luôn quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học, để phát triển và ứng dụng các tiến bộ vào KCB. Một trong số đó là  đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Bảo tồn nguồn gen, cây thuốc quý hiếm tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc” giai đoạn 2013-2017. Kết quả đã làm được 786 tiêu bản cây thuốc, xác định tên khoa học 322 loài cây thuốc, di thực trên 200 nguồn gen cây thuốc quí hiếm, có giá trị đưa về bảo tồn tại BV Công an tỉnh Tuyên Quang và Phú Thọ đều cho kết quả  tốt.


Thanh Hằng
.
.
.