Chi phí cho y tế của người dân tuy đã giảm nhưng vẫn còn cao

Thứ Bảy, 30/04/2016, 19:12
Những báo cáo về y tế công cộng của Trường Đại học Y tế công cộng đưa ra gần đây, đã khiến nhiều người quan tâm và lo ngại, khi những con số về gánh nặng chi phí y tế với người dân hiện là quá cao và là một nguyên nhân làm “nghèo hóa” nhiều gia đình.


Theo báo cáo "Gánh nặng chi phí cho y tế từ tiền túi và bảo vệ tài chính tại Việt Nam 1992-2014" của Trường Đại học Y tế Công cộng thì gần 20 năm qua, tổng chi cho y tế tại Việt Nam tăng từ 5,2% GDP lên 6,9% GDP (tương đương 190.000 tỷ đồng). Đây là các khoản tiền mà các gia đình phải trả cho việc sử dụng dịch vụ y tế như tiền khám, tiền thuốc, tiên giường, tiền xét nghiệm... và chưa tính tiền đi lại, bồi dưỡng, chi cho mua bảo hiểm và các khoản được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả…”.

Tuy nhiên, ngày 30-4, Bộ Y tế đã lên tiếng về vấn đề này. Theo đó, sau khi có các thông tin về việc “Hàng trăm nghìn người gánh chi phí y tế thảm họa”, Trường Đại học Y tế Công cộng đã giải thích: Nghiên cứu “Gánh nặng chi phí từ tiền túi người dân và bảo vệ tài chính” do nhóm nghiên cứu của Trường thực hiện với sự hỗ trợ về kỹ thuật của WHO tại Việt Nam, nhằm phân tích mức độ chi phí từ tiền túi của người dân Việt Nam qua thời gian dựa trên số liệu sẵn có của Điều tra mức sống hộ gia đình do Tổng cục Thống kê thực hiện trong thời gian từ năm 1992 đến năm 2014.

Những năm gần đây, chi phí cho y tế của người dân giảm tuy vẫn còn cao.

Phương pháp nghiên cứu do WHO và nhiều nước trên thế giới sử dụng trong việc đo lường mức độ bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Bài trình bày của PGS.TS. Hoàng Văn Minh cũng nêu rõ “Tỷ lệ hộ gia đình tại Việt Nam chịu mức chi phí thảm họa và nghèo hóa cho chi phí y tế đều giảm rõ rệt qua thời gian, và vào năm 2014 tỷ lệ hộ gia đình tại Việt Nam phải chịu mức chi phí thảm họa chỉ là 2,3% (so với tỷ lệ 8,2% năm 1992) và nghèo hóa là 1,7% (so với tỷ lệ 5,3% vào năm 1992)”. Các kết quả này cũng đã được đăng tải tại báo cáo Tổng quan chung ngành Y tế năm 2013, 2014, 2015.

Theo bà Bùi Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng thì báo cáo của PGS. TS. Hoàng Văn Minh trích dẫn số liệu của Tài khoản y tế Quốc gia về mức chi phí từ tiền túi cho y tế hiện đại ở Việt Nam và cũng nêu rõ tỷ lệ này đã giảm qua thời gian vào năm 2012 chỉ còn hơn 47% so với hơn 50% trước đây. Con số mức chi phí từ tiền túi cho y tế 54,8% (so sánh với các nước trong khu vực) là sử dụng số liệu của năm 2007 và được đăng tải tại Báo cáo chung Tổng quan ngành Y tế năm 2013 (bài báo gốc được xuất bản tại tạp chí Lancet năm 2011). Như vậy, kết quả chính của nghiên cứu cho thấy mức chi phí từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế, tỷ lệ chi phí thảm họa và nghèo hóa do chi phí y tế ở Việt Nam đã đều giảm qua thời gian (thể hiện xu hướng tích cực).

TS. Lokky Wai,Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng cho rằng, hệ thống y tế của Việt Nam đã có nhiều thành tựu nhưng cũng có không ít khó khăn. Tuổi thọ trung bình của người dân tăng liên tục, các chỉ số y tế cơ bản tăng so với chỉ số GDP.

Bức tranh về dịch tễ của Việt Nam đang thay đổi với gánh nặng bệnh tật phức tạp. Bệnh không truyền nhiễm đang là gánh nặng với số mắc và tử vong sớm. Bệnh truyền nhiễm đang khó kiểm soát trong dự phòng và điều trị. Thực tế này đòi hỏi ngành Y tế Việt Nam cần can thiệp sâu hơn về y tế công cộng.

Tuy nhiên, nghiên cứu của Trường Đại học Y tế Công cộng cũng chỉ ra, Việt Nam cần nỗ lực để giảm tỷ lệ chi phí từ tiền túi cho y tế từ hộ gia đình xuống dưới 30% theo khuyến cáo của WHO và qua đó tiếp tục giảm thiểu tỷ lệ chi phí thảm họa và nghèo hóa nhằm đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Thanh Hằng
.
.
.