Chi phí cho y tế cơ sở thấp, trong khi số người khám, chữa bệnh chiếm đa số

Thứ Hai, 19/11/2018, 17:09

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, lưu ý: 70% số người đi khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) ở tuyến huyện, tuyến xã, nhưng chi BHYT chỉ chiếm 30%. 20% KCB ở tuyến xã nhưng kinh phí chi BHYT từ 2,6 – 2,8%, là nghịch lý. Y tế dự phòng ở tuyến cơ sở không tỉnh nào đạt được 30% tổng kinh phí đầu tư cho y tế. Để giải bài toán này theo ông Lợi cần đào tạo cấp bách chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở, đồng thời, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất trang thiết bị ở TYT.



Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, với 70-80% dân số sống ở nông thôn thì mô hình trạm y tế (TYT) theo nguyên lý y học gia đình là cần thiết, vì là nơi gần nhất để người dân tiếp cận. Do đó Bộ Y tế đặt ra mục tiêu đến năm 2019, mỗi tỉnh có ít nhất 15% số TYT theo nguyên lý y học gia đình và 10 năm tới hình thành mạng lưới này khắp cả nước.

Tại buổi tọa đàm 'Đổi mới hoạt động tuyến y tế cơ sở theo nguyên lý y học gia đình” do Bộ Y tế và Cổng thông tin Chính phủ tổ chức tại Hà Nội ngày 19-11, bà Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết việc cung ứng chăm sóc sức khỏe (CSSK) theo nguyên lý y học gia đình có nhiều lợi ích cho cộng đồng vì chi phí hợp lý, tiện lợi. 

Theo mô hình truyền thống, bác sĩ chủ yếu phát hiện bệnh và điều trị, nhưng theo mô hình mới, bác sĩ quan tâm tới cả các vấn đề về tâm lý và môi trường xã hội. Người bệnh được chăm sóc hiệu quả mà chi phí không tốn kém bởi dịch vụ chăm sóc ban đầu kỹ thuật đơn giản và không tốn tiền. Mô hình này mang lại sự hồi sinh cho hệ thống y tế cơ sở, đồng thời, sàng lọc để giảm bệnh nhân lên tuyến trên, tránh quá tải BV Trung ương.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng cần phải đánh giá, phân loại cả hệ thống TYT, nơi nào phát triển thì giữ lại, nơi nào thì không cần tồn tại... 

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội chỉ ra các giải pháp phát triển y tế cơ sở

“Tôi hoàn toàn tin tưởng tuyến trung ương và phần nào tin tưởng tuyến tỉnh, nhưng y tế tuyến huyện và tuyến xã thì rất đáng lo ngại. Bộ Y tế cần tham mưu cho Chính phủ cơ cấu lại tài chính y tế. Phải tập trung đầu tư cho y tế cơ sở” – Ông Lợi nhấn mạnh.

Bà Phan Lê Thu Hằng cũng thừa nhận sự bất cập về tài chính và là rào cản phát triển của y tế cơ sở. Tỷ trọng BHYT giữa các cấp rất chênh, trong khi WHO khuyến cáo dành cho TYT là 20% thì hiện nay mới chỉ được khoảng 3% - 4%. Chi thường xuyên cho TYT rất thấp, chỉ đủ cho bộ máy hoạt động, mà không đảm bảo hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, hậu quả là tạo sức ỳ cho cán bộ y tế, kìm hãm phát triển. 

Bên cạnh đó, mức thanh toán BHYT cho các dịch vụ CSSK đang ở mức rất thấp, trong khi một số danh mục thiết yếu để đưa vào dịch vụ theo nguyên lý y học gia đình như khám dự phòng, sàng lọc, khám lưu trú, KCB lưu động còn chưa được thanh toán. Cộng thêm hạ tầng cơ sở vật chất, nhân lực yếu kém dẫn đến chất lượng dịch vụ TYT chưa đạt yêu cầu.

Theo ông Lợi, cơ cấu chi ngân sách cho ngành y tế còn chưa ưu tiên cho y tế cơ sở. Bộ Y tế cần xem xét lại vấn đề này bởi đó là lý do nhiều năm nay dù có nhiều chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới mà vẫn có những TYT hết sức khó khăn. Phải rà soát lại cơ cấu chi từ quỹ BHYT cho CSSKBĐ từ KCB, phòng bệnh... đồng thời nâng mức đóng BHYT lên với cơ cấu chi của BHYT phải hợp lý.

Trước những ý kiến cho rằng có sự bất cân xứng giữa hệ thống bệnh viện và hệ thống CSSK ban đầu khi bệnh viện dùng nhiều nguồn lực đáng ra dùng ở tuyến y tế cơ sở sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết: Mô hình bác sĩ gia đình có ưu điểm như có thể chỉ định cho bệnh nhân lên thẳng tuyến trung ương, không mất thời gian làm thủ tục chuyển lần lượt. Vì thế, phải tập trung xây dựng y tế cơ sở bền vững và coi y tế xã, phường như một cửa ngõ, nền tảng để CSSK cho nhân dân.

“Ngành y tế cũng cần phải bàn thêm với BHXH Việt Nam để chi thêm cho y tế cơ sở, vì chi phí cho cơ sở thấp hơn nhưng hiệu quả cao hơn. Cần tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội vấn đề: quỹ BHYT hiện giờ mới chi cho KCB nên cần  tính đến chi cho cả dự phòng bởi nếu phòng bệnh tốt thì không phải chữa bệnh.” – Ông Lợi nhấn mạnh.

Để giải quyết những vấn đề cho y tế cơ sở, bà Hằng cho rằng ngành y tế phải thực hiện đồng bộ 4 giải pháp: Tăng ngân sách nhà nước cho y tế, đặc biệt là cho y tế cơ sở đạt 4,5% GDP; thực hiện mở rộng quyền lợi gói dịch vụ BHYT như dịch vụ dự phòng, khám sàng lọc, phục hồi chức năng, quản lý các bệnh không lây nhiễm; tăng mức bảo hiểm cho những dịch vụ cung ứng tại TYT và hạn chế những gia tăng bất hợp lý của bệnh viện để dành kinh phí đầu tư cho y tế cơ sở. Đổi mới phân bổ ngân sách cũng như phương thức tài chính phân bổ dựa vào kết quả hoạt động và hiệu quả đầu ra.”

Thanh Hằng
.
.
.