Nghịch lý chi hàng chục triệu tiền giường/ngày dù bệnh nhân nội trú không nằm

Thứ Năm, 01/11/2018, 23:00

Vấn đề chi đúng trong việc khám, chữa bệnh rất quan trọng, vì không chỉ để đảm bảo nguồn quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT), mà còn đảm bảo quyền lợi công bằng cho các bệnh nhân. Tuy nhiên, vẫn xảy ra việc trục lợi quỹ BHYT ở một số cơ sở y tế với những “tiểu xảo” mà tại nhiều hội nghị giữa ngành y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã được chỉ ra.



Tại Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm (Hà Nội), liên tục nhiều buổi tối chúng tôi có mặt ở các khoa điều trị và nhận thấy, các giường nằm đều trống trơn, trong khi buổi sáng đều có người nằm. Hỏi ra mới biết, mỗi ngày ở đây tiếp nhận điều trị nội trú khoảng 200 người bệnh, nhưng cứ chiều tối là bệnh nhân về nhà, như các bệnh nhân điều trị ngoại trú. 

Thế nhưng, Bệnh viện vẫn thanh toán giường nằm nội trú như bệnh nhân có mặt. Không lẽ, là nơi quản lý bệnh nhân, Bệnh viện lại không biết tình trạng này?

Buổi tối ở một số khoa không còn bệnh nhân nào, dù tiền giường vẫn thanh toán

Như vậy mỗi ngày, ở đây, Bảo hiểm y tế đã phải chi trả khoảng 40 triệu đồng và mỗi tháng chừng 1,2 tỷ đồng cho tiền giường. Đây là một con số không hề nhỏ. Người bệnh không nằm điều trị nội trú, trong khi BHYT vẫn phải chi trả, là một sự lãng phí quá lớn. Tại sao bệnh nhân chưa đến mức phải điều trị nội trú – bằng chứng là chiều chiều họ vẫn về nhà – mà Bệnh viện lại đưa họ vào diện nằm nội trú, vừa vi phạm qui chế của Bộ Y tế đề ra, vừa lãng phí tiền của nhân dân. Hay đây là sự cố tình? 

Vấn đề đặt ra ở đây là số tiền này sẽ vào túi ai? Vì sao việc lãng phí như vậy lại để xảy ra kéo dài triền miên mà lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm không có biện pháp ngăn chặn, hay đây là một sự “chỉ đạo xuyên suốt” ở Bệnh viện này? Nói có sự chỉ đạo là bởi tình hình này diễn ra không chỉ một khoa, mà đồng đều, từ nội, ngoại, nhi, truyền nhiễm, khoa tai mũi họng vv…Cũng lạ là vì sao Bảo hiểm xã hội ở Gia Lâm, hay của TP Hà Nội lại không hề biết việc này, hay biết mà làm ngơ?

Có phải chỉ riêng Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm hay vẫn còn những Bệnh viện khác có kiểu sử dụng quỹ BHYT một cách vô tội vạ như thế này? Và như vậy, mỗi năm có bao nhiêu tỷ đồng BHYT bị “ném ra gió” bởi cách làm như thế này? Nếu cứ lạm dụng BHYT kiểu này, nguồn quỹ nào chịu nổi và người thiệt thòi vẫn là người bệnh, nhất là nếu quỹ bị vỡ.

Điều này đặt ra những câu hỏi về trách nhiệm của lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm cũng như của BHXH địa phương trong việc thực hiện quản lý và giám sát chi quỹ BHYT.

Mai Thùy
.
.
.