Cần kiểm định chất lượng đào tạo và năng lực hành nghề của bác sĩ

Thứ Ba, 26/09/2017, 17:48
Việc đào tạo bác sĩ ở Việt Nam chưa có chuẩn, còn chồng chéo, trùng lắp; quy mô đào tạo chưa gắn với nhu cầu và yêu cầu sử dụng của hệ thống y tế; năng lực nghề nghiệp chưa gắn với vị trí việc làm, chưa phân định rõ các trình độ... đó là những bất cập trong ngành Y tế làm ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) cho người dân. 

Những bất cập này đã được chỉ ra tại Hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo nhân lực y tế do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 26-9 với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

GS. Ngô Quý Châu –Phó Giám đốc BV Bạch Mai băn khoăn chất lượng đào tạo của ta đang ở đâu khi hệ thống đào tạo hiện vẫn chưa ổn. Ở Pháp, bác sĩ phải học 8 năm mới ra trường và phải học thêm ít nhất 2 năm nữa mới được KCB, còn ở Việt Nam, chỉ học 6 năm đã trở thành bác sĩ. Số lượng bác sĩ nội trú có chất lượng còn ít, không đáp ứng được nhu cầu, dẫn đến thiếu hụt trầm trọng. Nếu không thay đổi về vấn đề đào tạo, Việt Nam sẽ mãi chênh về chất lượng, trình độ giữa các tuyến và không thể giải quyết được bài toán quá tải bệnh viện (BV) hay những sự cố y khoa.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo

“Hiện nay, giữa đào tạo và nhu cầu sử dụng không khớp nhau. Đào tạo không đáp ứng yêu cầu nên người bệnh ở tuyến dưới phải dồn về tuyến trên. Đầu vào chưa chuẩn từ cơ sở đến thầy giáo thì không thể có bác sĩ chuẩn được. Do đó phải xây dựng chuẩn quốc gia trong đào tạo, đánh giá thực hành để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”- PGS. Nguyễn Tấn Bỉnh –Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nêu ý kiến.

Đồng quan điểm này, Hiệu trưởng Trường Đại học Y –Dược Hải Phòng cũng nhấn mạnh yêu cầu đào tạo phải có chuẩn mới đảm bảo chất lượng KCB. Ông Diệp Tuấn –Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cũng cho hay, ở nhiều nước, các trường y đào tạo và cấp bằng, chứng chỉ hành nghề và có tổ chức độc lập để đánh giá chất lượng riêng.

Trong khi đó, việc cấp chứng chỉ hành nghề KCB hiện được quy định dựa vào bằng tốt nghiệp do các cơ sở đào tạo cấp. Điều này không đánh giá được khách quan năng lực khi họ hành nghề. Vì vậy, thi để cấp phép hành nghề là giải pháp quan trọng nhằm kiểm soát chất lượng đào tạo và năng lực hành nghề của nhân lực y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường nhận xét, để hình thành được năng lực hành nghề của nhân viên y tế, các nước luôn chú trọng đến việc chuẩn hoá và kiểm định chất lượng của các cơ sở, chương trình đào tạo. Tuy nhiên, điều đó vẫn không thể đảm bảo rằng tất cả các nhân lực y tế do các cơ sở đào tạo đều đủ năng lực cơ bản để hành nghề. Bởi vậy, việc sát hạch trước khi hành nghề trở thành khâu rất quan trọng, là điều kiện bắt buộc để cấp phép hành nghề. Quy định này giúp cho người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng, an toàn, cũng như vì lợi ích của chính cơ sở y tế và nhân viên y tế.

Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm 

Nhưng ở Việt Nam, việc kiểm soát năng lực hành nghề của sinh viên sau tốt nghiệp đang gặp nhiều thách thức bởi theo quy định, các cơ sở đào tạo được chủ động xây dựng chương trình đào tạo và công bố chuẩn đầu ra sau khi được Bộ GD&ĐT phê duyệt, trong khi việc cấp chứng chỉ hành nghề KCB đang được quy định dựa trên bằng tốt nghiệp do các cơ sở đào tạo cấp và hồ sơ pháp lý. Vì vậy việc đánh giá khách quan năng lực trước khi hành nghề KCB của người thầy thuốc vẫn bỏ ngỏ.

Theo Thứ trưởng Cường, ở các nước, việc kiểm soát chất lượng đào tạo và năng lực hành nghề của nhân lực y tế do một Hội đồng y khoa quốc gia thực hiện. Đây là cơ quan do nhà nước ủy quyền, chịu trách nhiệm ban hành các chuẩn năng lực hành nghề của nhân lực y tế cũng như chuẩn chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo và tổ chức sát hạch năng lực nhân viên y tế trước khi họ tham gia vào hoạt động KCB độc lập.

“Thi để cấp phép hành nghề là một giải pháp quan trọng nhằm kiểm soát chất lượng đào tạo và năng lực hành nghề của nhân lực y tế, song lại là việc làm chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam” - Thứ trưởng Lê Quang Cường nhấn mạnh.

Nhiều đại biểu trong nước và quốc tế tham dự hội nghị

Các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực y tế và đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực y tế ở nước ta trong thời gian tới. Theo đó phải lập Hội đồng Y khoa quốc gia, đề xuất bước đi, xây dựng mô hình tổ chức phù hợp với bối cảnh kinh tế-xã hội và đơn giản các thủ tục hành chính ở nước ta vv…

Đánh giá cao kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh nhân lực y tế là yếu tố quan trọng, là điều kiện tiên quyết quyết định chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế. Nhân lực y khoa rất đặc biệt bởi đây là nghề đặc biệt, được đào tạo đặc biệt, tuyển dụng đặc biệt và đãi ngộ đặc biệt. 

Do đó, Bộ Y tế cần đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực y khoa theo lộ trình. Việt Nam hiện có 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đại học nhưng chưa có trung tâm đủ năng lực kiểm định về đào tạo y khoa. Vì vậy, Việt Nam cần có một cơ sở kiểm định chung và thành lập các chuẩn chương trình, lấy kinh nghiệm từ các nước, áp dụng vào thực tiễn của Việt Nam sao cho phù hợp.


Thanh Hằng
.
.
.