Cấy máy chữa suy tim, Việt Nam bắt kịp kĩ thuật ngang tầm thế giới

Thứ Bảy, 22/07/2017, 17:39
Ngày 22/7, Bệnh viện Chợ Rẫy đã công bố một thành công trong việc ứng dụng kĩ thuật "Cấy máy tái đồng bộ (CRT) để điều trị suy tim". Việc ứng dụng kĩ thuật Y khoa hiện đại nhất trong điều trị các bệnh lý tim mạch phức tạp của các bác sĩ Việt Nam đã phát triển ngang tầm với các nước trong khu vực và Thế giới.

Bệnh nhân nam tên: P.C.V (53 tuổi, ngụ Biên Hòa Đồng Nai) được chẩn đoán mắc bệnh tim từ lâu và đang được điều trị ngoại trú. Trước khi nhập viện 2 tuần, bệnh nhân cảm thấy mệt, khó thở nhiều hơn khi đi lại xung quanh nhà, thỉnh thoảng 2-3 đêm lại xuất hiện các cơn khó thở sau khi ngủ được vài tiếng, khiến bệnh nhân tỉnh giấc phải ngồi dậy để thở, vã mồ hôi và bắt đầu có tình trạng phù chân nhiều. 

Sau khi nhập bệnh viện Chợ Rẫy đã được chẩn đoán: “Dọa phù phổi cấp – Suy tim III – Bệnh tim thiếu máu cục bộ – Đái tháo đường type 2 có kết quả siêu âm chức năng tống máu tim chỉ còn 21%".   

Trước hết, các y bác sĩ trong 3 ngày đầu phải giúp bệnh nhân thoát khỏi tình trạng suy tim cấp. Sau đó, Ê kíp các bác sĩ khoa Nội Tim mạch và khoa Điều trị rối loạn nhịp tiếp tục kiểm tra và nhận thấy, bệnh nhân có rất nhiều yếu tố nguy hiểm: Suy tim nặng có chức năng tống máu thất trái giảm 21% (< 35%). 

Tình trạng suy tim vẫn tiến triển xấu dù đã điều trị nội khoa tích cực trước đó. Ê kíp hội chẩn và quyết định thực hiện "cấy máy tái đồng bộ (CRT)" để điều trị tình trạng suy tim.

Hình ảnh X-quang sau đặt máy. Bệnh nhân được cắt chỉ, cho xuất viện sau phẫu thuật 07 ngày

 Để chuẩn bị, bệnh nhân đã được cho Siêu âm tim đánh giá mất đồng vận tim; Chụp động mạch vành đánh giá và khảo sát vị trí lỗ xoang vành. 6 ngày cho công tác chuẩn bị rất cẩn trọng này. Sau đó bệnh nhân mới được tiến hành phẫu thuật đặt máy điều trị. Sự nỗ lực của họ cũng gặp thử thách lớn, vì ngay trong khi trong lúc làm thủ thuật, bệnh nhân lên cơn khó thở dữ dội, khò khè, phổi ran ẩm, tỉ lệ oxy hóa thấp. Ê kíp nhanh chóng vừa tiến hành song song vừa hồi sức xử trí phù phổi cấp.

Ông P.C.V đã chia sẻ những hình ảnh phấn khởi nhất của ông sau khi được bác sĩ BV Chợ Rẫy cứu mạng thoát khỏi căn bệnh suy tim nguy hiểm.

Sau 1h30 phút, cuộc phẫu thuật thành công. Sau phẫu thuật đặt máy, thông số quan trọng nhất quyết định hiệu quả đó là chức năng tống máu của tim. Ghi nhận, kết quả siêu âm tim với chức năng tống máu cải thiện từ 21% lên 35%, buồng tim nhỏ lại từ 72 mm xuống còn 64 mm, không còn tình trạng mất đồng bộ trong tim.

Chiều ngày 21/7, tròn 2 tháng sau được đặt máy chữa suy tim, bệnh nhân vào tái khám trong tâm trạng hoàn toàn khoẻ khoắn. Ông V. cho biết, sức khoẻ ổn định, có thể tự sinh hoạt cá nhân được, hoạt động thể dục buổi sáng như đi bộ nhanh, đi bộ đường dốc hay leo cầu thang được 2 lầu không thấy khó thở nữa.

BS CKII Nguyễn Tri Thức, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch-Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết: "Phẫu thuật "cấy máy tái đồng bộ tim" là một kĩ thuật cao trong điều trị suy tim. Hiện nay trên thế giới, ưu thế và tính hiệu quả của phương pháp này đã được khẳng định qua nhiều nghiên cứu. Là phương pháp có thể đảo nghịch quá trình suy tim, tái cấu trúc cơ tim. Phương pháp này đã được các bác sĩ khoa Điều trị Rối loạn nhịp –Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện thuần thục và mang lại nhiều lợi ích cho những bệnh nhân suy tim. Tuy nhiên vẫn còn một trở ngại là: hiện giá thành của máy vẫn còn khá cao. (Trung bình khoảng 400 triệu đồng, tùy loại máy phù hợp với từng bệnh nhân). Kĩ thuật này thành công tại Chợ Rẫy đã minh chứng việc theo kịp khoa học kĩ thuật Thế giới trong điều trị những bệnh tim mạch mà Chợ Rẫy đã làm được".

Huyền Nga
.
.
.