Cập nhật kỹ thuật mới trong điều trị ung thư tế bào bạch cầu

Thứ Sáu, 18/01/2019, 16:50

Ngày 18-1, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức hội nghị chẩn đoán và điều trị u Lympho - bệnh ung thư tế bào bạch cầu dòng Lympho, một trong 10 loại ung thư thường gặp, để cập nhật những kỹ thuật mới nhất. Nhiều giáo sư, chuyên gia đầu ngành của Việt Nam và chuyên gia quốc tế thuộc các lĩnh vực ung bướu, huyết học, giải phẫu bệnh đã có báo cáo tham luận tại hội nghị.



PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh- Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Số liệu thực tế của Trung tâm huyết học và Trung tâm ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cho thấy bệnh u Lympho có tỉ lệ mắc cao, ở nhiều dạng bệnh khác nhau, biểu hiện ở nhiều cơ quan. Vì thế, các chuyên khoa huyết học, ung bướu, tiêu hóa, xương khớp, da liễu, chuyên khoa ngoại … đều phải điều trị bệnh này. Do tính đa dạng mà việc chẩn đoán nhiều khi rất khó khăn, các phương pháp điều trị chưa thống nhất, đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, nhiều cơ sở y tế. 

PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh- Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai 

Những năm qua, Bệnh viện Bạch Mai đã phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa, nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị u Lympho nên đã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Hội nghị lần này được tổ chức nhằm tiếp tục cập nhật những kỹ thuật mới nhất của nhiều chuyên khoa trong Bệnh viện Bạch Mai và nhiều bệnh viện khác, nhằm giúp cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả hơn, tăng thời gian sống cho bệnh nhân và giảm tỉ lệ tử vong.

GS.TS. Mai Trọng Khoa 

Theo GS.TS. Mai Trọng Khoa -Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), ở Việt Nam, tỷ lệ mắc u Lympho theo tuổi là 5,2/100.000 dân. Bệnh gặp ở nam nhiều hơn nữ. Tỷ lệ mắc bệnh cao ở các nhóm tuổi 35-40 và 50-55, tuổi trung bình 50-60 tuổi.

 Đặc biệt, hiện nay tỷ lệ gặp ở người cao tuổi có xu hướng gia tăng. Bệnh thường biểu hiện tại hạch (nên còn gọi là ung thư hạch) chiếm trên 60% hoặc biểu hiện u ở ngoài hạch và có thể ở bất cứ cơ quan, vị trí khác nhau trong cơ thể, hay gặp như ở da, đường tiêu hóa (dạ dày, đại trực tràng…), vòm mũi họng, lưỡi, thần kinh trung ương, hốc mắt….

Hội nghị thu hút chuyên gia thuộc các lĩnh vực ung bướu, huyết học, giải phẫu bệnh

PGS.TS. Nguyễn Văn Hưng (Trung tâm Giải phẫu bệnh –Bệnh viện Bạch Mai, bộ môn Giải phẫu bệnh – Đại học Y Hà Nội) đã cập nhật những kiến thức mới nhất về u Lympho ác tính, cách nhận biết cũng như các kỹ thuật điều trị mới nhất, mang lại hy vọng cho người bệnh về kết quả điều trị.

BS. Đỗ Huyền Nga của Bệnh viện K cũng chỉ ra các yếu tố nguy cơ của căn bệnh này và phương pháp điều trị theo nguy cơ của Bệnh viện K đã mang lại những kết quả đáng kể. Việc phối hợp điều trị tích cực giữa các phương pháp, nhất là ở giai đoạn sớm, đều cải thiện sức khỏe người bệnh, giảm nguy cơ tử vong.

Từ kinh nghiệm điều trị thực tế, PGS.TS. Phạm Cẩm Phương - Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định vai trò của Rituximab trong điều trị u Lympho ác tính không Hodkin. Theo PGS. Phương, Rituximab-chop là phác đồ điều trị tiêu chuẩn, giúp cải thiện đáng kể tỉ lệ đáp ứng toàn bộ sau 8 chu kỳ. Rituximab có hiệu quả lâu dài trên bệnh nhân lớn tuổi, đặc biệt cải thiện đáng kể các chỉ số sống còn trên bệnh nhân trẻ tuổi.

Việc các bác sĩ của các chuyên ngành của Bệnh viện Bạch Mai mạnh dạn áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị u Lympho đã giúp cải thiện được thời gian sống thêm đáng kể cho bệnh nhân, ngay cả những người đã ở giai đoạn muộn, hoặc ở những bệnh nhân cao tuổi, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Đây thực sự là hy vọng mới cho những người mắc căn bệnh nguy hiểm này.


Thanh Hằng
.
.
.