Xây dựng và thí điểm chi trả khám chữa bệnh theo nhóm chẩn đoán liên quan

Thứ Ba, 21/04/2015, 22:20
Theo Thạc sỹ Cao Ngọc Ánh, Vụ Kế hoạch Tài chính thuộc Bộ Y tế cho biết, Đề án xây dựng và thí điểm phương thức chi trả chi phí khám chữa bệnh theo nhóm chẩn đoán liên quan - phân loại từng trường hợp bệnh theo chẩn đoán và các đặc điểm khác của người bệnh như tuổi, giới, mức độ nặng nhẹ của bệnh, bệnh đi kèm và các thủ thuật được thực hiện - được triển khai tại 5 tỉnh là Ninh Bình, Hà Nam, Quảng Bình, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu từ năm 2015 – 2020.

 Mục tiêu của đề án là xây dựng, thí điểm và hoàn thiện phương thức chi trả theo nhóm chẩn đoán liên quan cho toàn bộ các bệnh, nhóm bệnh; xây dựng hệ thống tổ chức triển khai thí điểm nhóm chẩn đoán liên quan và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng vào hệ thống chi trả của cơ sở khám chữa bệnh.

Theo đó, Đề án được xây dựng dựa trên 7 nguyên tắc gồm: Đảm bảo cân bằng thu chi quỹ Bảo hiểm y tế, công bằng trong phân bổ quỹ, xây dựng giá đầy đủ chi phí; nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, năng lực quản lý, hiệu quả hoạt động; tác động tích cực trong hành vi chuyển tuyến và vượt tuyến, giảm tải bệnh viện tuyến trên; giải quyết các hạn chế vướng mắc của các phương thức chi trả khác; phù hợp với xu hướng quốc tế; không gây những biến động lớn với hệ thống thanh toán chi phí khám chữa bệnh; phát triển y tế cơ sở.

 Ưu điểm của phương thức thanh toán theo nhóm chẩn đoán liên quan là phân nhóm các can thiệp giúp giải quyết chi phí, giá tương đối; tiết kiệm chi phí điều trị trên 1 bệnh nhân, nâng cao hiệu quả hoạt động ở cấp độ bệnh viện; tiết kiện tối đa chi phí điều trị - thời gian nằm viện, giảm tối đa các xét nghiệm...; đảm bảo sự minh bạch và chất lượng hoạt động của nhà cung cấp dịch vụ và sử dụng nguồn lực. Tuy nhiên phương thức thanh toán này cũng có những nhược điểm như có tác động tiêu cực tới mức độ điều trị và chất lượng dịch vụ; điều kiện triển khai, quản lý và kỹ thuật rất phức tạp...

Hải Châu
.
.
.