Cảnh báo tử vong do ăn hải sản lạ chưa nấu chín

Thứ Năm, 01/04/2021, 10:24
Sau 2 tiếng ăn cua mặt quỷ trên biển dù đã được nấu chín, một ngư dân ở Thanh Hóa đã ngộ độc dẫn đến ngừng tim, hiện đang điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng rất nguy kịch.


Đã có nhiều ca ngộ độc rất nặng, thậm chí tử vong vì ăn hải sản lạ hoặc hải sản chưa chế biến chín. Mặc dù đã được cảnh báo, song vẫn có người mắc phải do thói quen ăn thức ăn lạ hoặc thức ăn sống.

Độc tố gây chết người

Ngư dân làm nghề đánh bắt xa bờ khi bắt được cua mặt quỷ (hay còn gọi là cua “còng chữ thập”) đã không bỏ đi mà một số người luộc lên ăn không biết rằng, cua mặt quỷ cũng có độc tố như cá nóc. Điển hình là một gia đình ngư dân ở huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, sau khi đi biển bắt được cua mặt quỷ đã vài lần chế biến ăn, nhưng chưa lần nào bị ngộ độc. 

Tuy nhiên, 2h chiều ngày 27/3, một thành viên trong gia đình là anh Đỗ Văn Ch. (46 tuổi) sau khi kéo lưới đã bắt được nhiều cua mặt quỷ và luộc lên ăn. Sau đó, anh bắt đầu mệt, nôn nhiều và tê bì miệng, lưỡi, chân tay. Anh nhanh chóng được các ngư dân đi cùng thuyền đưa vào bờ và đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, huyện Tĩnh Gia. 

Người dân tuyệt đối không được ăn cua mặt quỷ.

Đến khoảng 21h cùng ngày, bệnh nhân rơi vào nguy kịch, khó thở, suy hô hấp và ngừng tim. Được các bác sĩ hồi sức, ép tim, bệnh nhân đã có mạch trở lại và được chuyển đến Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân Ch. được chuyển đến trung tâm trong tình trạng hôn mê, liệt hoàn toàn, phải dùng thuốc vận mạch, bóp bóng và đặt nội khí quản. Bệnh nhân được chẩn đoán sơ bộ là ngộ độc cua mặt quỷ. 

"Hiện bệnh nhân được điều trị hồi sức, thở máy… Tình trạng ngộ độc của bệnh nhân rất nặng, cần được theo dõi chặt chẽ và điều trị tích cực, chưa thể nói trước điều gì", TS.BS Nguyễn Trung Nguyên nhận định.

Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, ở Việt Nam hiện có ít nhất 3 loại cua biển độc được biết tới là cua mặt quỷ, cua hạt và cua Phờ lo ri đa, được phân bố ở các vùng biển của miền Trung, Nha Trang và một số vùng khác. Đặc biệt, dù nấu chín nhưng độc tố trong cua vẫn giữ nguyên. 

Theo BS Nguyên, đây là độc tố cực mạnh với hệ thần kinh, chỉ cần 0,5mg đã có thể gây tử vong cho người lớn. Diễn biến ngộ độc cua mặt quỷ rất nhanh, có thể xuất hiện sau ăn trong vòng vài tiếng trở lại. Nhiều trường hợp bệnh nhân ăn ngoài biển, trên tàu, trên đảo, bị ngộ độc và khi đưa vào bờ thì không kịp cứu chữa, đã có trường hợp bị tử vong trên đường tới viện.

“Vi khuẩn ăn thịt người” có trong nhiều vỏ hải sản

Ăn thực phẩm sống rất dễ nhiễm sán, vi khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn V. vulnificus - một loại "vi khuẩn ăn thịt người" thường ký sinh trong các loại có vỏ như tôm, hàu, sò, ốc đã và người mắc gia tăng trong thời gian gần đây. Tại Khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn và Điều trị vết thương, Bệnh viện Việt Đức đã từng điều trị cho thủy thủ sau nhiều ngày lênh đênh trên biển nhiễm vi khuẩn này dẫn đến nhiễm trùng vết thương, hoại tử, sốt cao và nguy cơ tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Cách đây chưa lâu, một ngư dân ở Hải Phòng đã tử vong sau khi ăn hải sản chưa nấu chín nhiễm vi khuẩnV.vulnificus. Sau khi ăn hải sản chưa nấu chín, ngư dân đau bụng, nôn, tiêu chảy nhiều lần kèm theo sốt cao 39-40 độ. Sau vài giờ bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng, kèm theo tình trạng nổi ban phỏng nước, xuất huyết, hoại tử diện rộng. 

Các bác sĩ cấy khuẩn 2 mẫu máu đều dương tính với V. vulnificus. Mặc dù đã được các bác sĩ Bệnh viện 108 điều trị kháng sinh mạnh ngay từ đầu, thở máy, lọc máu liên tục, thuốc vận mạch nâng huyết áp và các biện pháp điều trị hồi sức tích cực khác nhưng bệnh vẫn nặng lên nhanh chóng, tiên lượng tử vong, gia đình xin cho bệnh nhân về sau 4 ngày điều trị.

Bệnh nhân Nguyễn Văn Ch. vẫn đang phải thở máy, tiên lượng rất nặng.

Năm 2020, Khoa Hồi sức truyền nhiễm, Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện 108 tiếp nhận một số bệnh nhân nhiễm trùng máu do vi khuẩn ăn thịt người nêu trên. Bệnh nhân đến viện có diễn biến rất nặng, nhanh chóng xuất hiện sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, có tỷ lệ tử vong cao. 

Theo BS Nguyễn Sỹ Thấu, Khoa Hồi sức truyền nhiễm, Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện 108, V.vulnificus là vi khuẩn sống tự do trong nước biển hoặc nước lợ (vùng cửa sông) hoặc kí sinh trong các loài thủy sinh có vỏ. Vi khuẩn này có thể gây hoại tử cân cơ rất nhanh, do đó còn được gọi là “vi khuẩn ăn thịt người”. Nguy hiểm hơn, bệnh nhiễm trùng máu do V. vulnificus gây tử vong cao, lên đến 50%, thậm chí 90% nếu bệnh nhân có sốc nhiễm khuẩn, tụt huyết áp tại thời điểm nhập viện và thường tử vong trong vòng 48 giờ mặc dù được điều trị tích cực.

Theo các bác sĩ, nếu chúng ta ăn hải sản sống hoặc nấu chưa kĩ, đặc biệt là hàu sẽ dễ dàng lây vi khuẩn này. Một thống kê với 180 bệnh nhân nhiễm trùng do V.vulnificus cho thấy, có 92,8% bệnh nhân có ăn hàu sống trong vòng 2 ngày trước đó. Thời gian ủ bệnh là 3 tiếng – 6 ngày. 

Vi khuẩn V.vulnificus còn lây qua vết thương hở, đã có trường hợp bị nhiễm qua những vết thương rất nhỏ, như vết đâm bởi đuôi con tôm, vỏ hàu khi tắm biển. Ngoài ra, nhiễm trùng có thể xảy ra khi phơi nhiễm vết thương có từ trước với vi khuẩn V.vulnificus.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, có những nhóm người dễ bị mắc bệnh hơn, bao gồm người nghiện rượu, viêm gan, xơ gan, tan máu bẩm sinh, đái tháo đường, suy thận mạn, u lympho… và nam giới, đặc biệt là nam giới tuổi cao dễ mắc bệnh hơn nữ giới. 

Vì vậy, người dân không ăn hải sản chưa được nấu chín; tránh bị thương khi tham gia các hoạt động có nguy cơ tiếp xúc vết thương với vi khuẩn, như tắm biển, câu cá biển, đánh bắt và chế biến hải sản… 

Nếu có vết thương hãy thận trọng khi tiếp xúc với nước biển, nước lợ, hải sản sống và đến khám ngay tại cơ sở y tế khi có các biểu hiện đường tiêu hóa, sưng nóng đỏ đau tại vết thương, đau hoặc nổi ban, bọng nước ở chân tay sau khi nghi ngờ có tiếp xúc với nguồn bệnh.           

Đặc biệt, BS Nguyễn Trung Nguyên cũng khuyến cáo người dân, đặc biệt là ngư dân, tuyệt đối không nên ăn cua mặt quỷ, chỉ nên ăn các loại hải sản, cua, mực, tôm, ghẹ… quen thuộc. Những loại cua lạ, kỳ dị, hình hài khác thường thì không nên ăn. 

Người dân đi biển cũng nên dự trữ mang theo than hoạt tính để trong trường hợp nghi ngờ ngộ độc có thể gây nôn thì uống ngay tại chỗ để giải độc. 

Trên tàu, thuyền đi biển cũng nên trang bị các phương tiện cấp cứu ban đầu. Các ngư dân cũng cần được tập huấn các kiến thức sơ cứu ban đầu để có thể sơ cứu tại chỗ cho bệnh nhân trước khi đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Trần Hằng
.
.
.