Cảnh báo tình trạng viêm tụy cấp ở trẻ em béo phì

Thứ Năm, 30/04/2020, 15:01

Đây là bệnh nhi viêm tụy cấp trên cơ địa béo phì thứ 2 từ đầu năm 2020 đến nay được Bệnh viên Nhi đồng Cần Thơ (BVNĐCT) chữa khỏi.


Ngày 30/4, Ths-BS Huy Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ (BVNĐCT) cho biết, các BS của BV vừa điều trị thành công cho một bệnh nhi viêm tụy cấp trên cơ địa béo phì. Đây là bệnh nhi viêm tụy cấp trên cơ địa béo phì thứ 2 từ đầu năm 2020 đến nay được BVNĐCT chữa khỏi.

Trước đó, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc của BV tiếp nhận một bé gái 10 tuổi, cân nặng lên đến 62kg với tình trạng ói, đau bụng quằn quại. Người nhà cho biết, cháu bệnh một ngày, đau bụng nhiều vùng thượng vị, ói, sốt cao liên tục nên đưa đi khám và được nhập viện. 

Bé gái 10 tuổi béo phì, bị viêm tụy cấp được BVNĐCT điều trị khỏi.

Tại Khoa Cấp cứu tổng hợp, bé gái nhanh chóng được cho thở oxy kèm kháng sinh, bù dịch tích cực, sau đó chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc điều trị. Tại đây, cháu bé lừ đừ, sốt cao, mạch nhanh, bụng đau, chướng và còn ói nhiều lần ra dịch màu xanh rêu. 

Cháu bé được chỉ định tiếp tục bù dịch; kèm theo sử dụng phối hợp kháng sinh cao cấp; tạm nhịn ăn qua đường miệng kết hợp với nuôi ăn qua đường tĩnh mạch. Song song làm các xét nghiệm cần thiết, như: công thức máu; amylase máu (xét nghiệm dùng để đo hoạt độ enzyme amylase trong mẫu máu); amylase nước tiểu, lipase máu, cấy máu… 

Các cận lâm sàng chẩn đoán hình ảnh cũng được thực hiện, như: X-quang bụng không chuẩn bị; siêu âm bụng và đặc biệt là chụp cắt lớp vi tính ổ bụng để đánh giá mức độ nặng của bệnh theo thang điểm Balthazar cũng như các biến chứng. 

Kết quả xét nghiệm amylase máu rất cao, lên đến 613.6 IU/L; amylase nước tiểu 4.060 U/d; kết quả  chụp cắt lớp vi tính ổ bụng cho thấy viêm tụy cấp thể phù nề độ C-D theo thang điểm Balthazar.

Theo Ths-BS Ông Huy Thanh, viêm tụy cấp là một tình trạng bệnh nặng, với tỷ lệ tử vong khá cao, gần 50% khi có suy đa tạng. Ngoài việc khám toàn diện, theo dõi sát thì chẩn đoán hình ảnh có vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh trên những bệnh nhân triệu chứng không điển hình, đồng thời đánh giá sớm cũng như biến chứng của bệnh một cách chính xác hơn. 

Trường hợp này, bệnh nhi béo phì triệu chứng không rõ ràng. Tuy nhiên, do sự kỹ lưỡng của các BS, cùng trợ giúp kết quả của máy chụp cắt lớp hiện đại tại BV nên phát hiện sớm, kịp thời cứu sống bệnh nhi. Sau gần 10 ngày điều trị, bé gái hết đau bụng, không sốt, không ói và được xuất viện. 

“Để phòng ngừa bệnh viêm tụy cấp cho trẻ béo phì, cha mẹ nên kiểm soát chế độ ăn uống hợp lý của trẻ; kết hợp với các hoạt động tập luyện sức khỏe thường xuyên cho các bé; khám tư vấn dinh dưỡng cho trẻ béo phì”, BS Thanh khuyến cáo.

Viêm tụy cấp xảy ra ở tất cả các nhóm tuổi, kể cả trẻ sơ sinh. Gần đây có nhiều báo cáo tỷ lệ viêm tụy cấp gia tăng ở trẻ em ước tính từ 3,6-13,2/100.000 bệnh nhi mỗi năm. Viêm tụy cấp do tăng triglyceride máu chiếm tỉ lệ khoảng 14% các trường hợp viêm tụy cấp. Trong khi đó, theo một số nghiên cứu tại Mỹ thì có đến 24,1% trẻ béo phì có tình trạng tăng triglyceride máu.

Văn Đức
.
.
.