Trò chuyện Chủ nhật

Cần xử lý lỗ hổng trong khai báo y tế tự nguyện của người dân

Chủ Nhật, 15/03/2020, 08:58
Nhiều ý kiến cho rằng, việc trông chờ vào ý thức khai báo trung thực của khách nhập cảnh, của người dân chưa mang lại hiệu quả, bởi vụ lọt lưới bệnh nhân 17 là một ví dụ điển hình. Và hiện nay, Việt Nam đang thực hiện khai báo sức khỏe toàn dân tự nguyện trên ứng dụng (app) NCOVI-VNPT cả hai nền tảng AppStore và Google Play.

Việt Nam đang ở giai đoạn hai của chống dịch COVID-19, những giải pháp mà Chính phủ đưa ra là tiếp tục kiên trì và thực hiện nghiêm nguyên tắc chống dịch “ngăn chặn, phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng, dập dịch” với các biện pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc trông chờ vào ý thức khai báo trung thực của khách nhập cảnh, của người dân chưa mang lại hiệu quả, bởi vụ lọt lưới bệnh nhân 17 là một ví dụ điển hình.

Chúng ta đang thực hiện khai báo sức khỏe toàn dân tự nguyện trên ứng dụng (app) NCOVI-VNPT cả hai nền tảng AppStore và Google Play. Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai xung quanh vấn đề này.                                                           

Phóng viên (PV): Vừa qua liên quan đến việc bệnh nhân số 17 đi từ vùng dịch về nhưng lọt lưới do khai báo không trung thực đã bộc lộ lỗ hổng trong việc kiểm soát người nhập cảnh đến từ vùng dịch. Ca bệnh này đã có triệu chứng bệnh trước đó vài ngày khi nhập cảnh về Việt Nam, là một chuyên gia truyền nhiễm, ông đánh giá thế nào về việc kiểm dịch y tế với hành khách nhập cảnh có triệu chứng bệnh nhưng lại bỏ sót?

PGS.TS Đỗ Duy Cường.

PGS.TS Đỗ Duy Cường: Từ bệnh nhân số 17, có thể thấy 3 lỗ hổng trong việc kiểm dịch y tế quốc tế tại các sân bay, cửa khẩu hiện nay. Để phát hiện dấu hiệu người bệnh COVID-19 khi nhập cảnh là rất khó, hiện nay chỉ trông chờ vào khai báo của hành khách và cặp nhiệt độ, nhưng cả 2 vấn đề này đều có lỗ hổng. Một số trường hợp chỉ nghĩ cho bản thân, không nghĩ đến cộng đồng, khai báo dịch tễ không trung thực, cố tình chứ không phải do yếu tố khách quan như trường hợp bệnh nhân 17 nên đã lọt nhập cảnh và dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, gây hậu quả nặng nề.

Lỗ hổng thứ 2 là cặp nhiệt độ dễ bị bỏ sót ca bệnh. Theo nghiên cứu của Trung Quốc với hơn 1.000 bệnh nhân, trong đó hơn 50% không có sốt khi nhập viện, nên cặp sốt sẽ bỏ sót. Nếu tin vào sàng lọc cặp sốt là chúng ta bỏ sót ca bệnh. Kể cả đánh giá yếu tố lâm sàng khi nhập cảnh, trong trường hợp người bệnh có ho trước đó vài ngày, nhưng đúng lúc kiểm tra y tế người ta không ho, hoặc người ta nín ho thì cũng không phát hiện được.

Nếu như bệnh cúm 100% có ho, sốt, chảy nước mắt, mũi là nhìn thấy ngay, nhưng COVID-19 lại không có biểu hiện đó nên nhân viên làm kiểm dịch y tế ở cửa khẩu dễ bỏ lọt. Lỗ hổng này không có giải pháp thay thế.

Lỗ hổng thứ 3 là xét nghiệm ngay đang trong giai đoạn ủ bệnh sẽ cho kết quả âm tính. Khai báo cách ly, các trường F2, F3, F4 sợ thông tin cá nhân bị lộ ra nên không khai thật nên dễ bỏ sót ca bệnh.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 gần đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo, những người nào khai báo gian dối, đặc biệt là người nhập cảnh vào Việt Nam, nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị khởi tố hình sự theo Luật Phòng chống Bệnh truyền nhiễm. Chúng ta phải có biện pháp răn đe, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm thì mới không bỏ lọt người bệnh tiếp theo.

PV: Chúng ta đang áp dụng khai báo y tế toàn dân qua ứng dụng app trên điện thoại. Nhiều ý kiến cho rằng, biện pháp này không có nhiều khả thi vì đây là khai báo tự nguyện, nếu chúng ta kỳ vọng vào sự khai báo trung thực của người dân để nắm bắt thông tin qua hình thức này sẽ không cao. Ông có ý kiến gì về nhận xét này?

PGS.TS Đỗ Duy Cường: Khai báo y tế sức khỏe toàn dân trên app điện thoại về mặt ý tưởng, kỳ vọng là rất tốt vì không có gì tốt hơn là lắng nghe thông tin chính xác từ người dân, nếu qua khai báo có trường hợp dấu hiệu bệnh, giúp chúng ta xử lý kịp thời.

Nhưng qua vài ngày triển khai, tôi nghe ngóng tình hình thì thấy nhiều người chưa biết tải app, hoặc không có điện thoại thông minh, hoặc không biết sử dụng điện thoại để khai báo… Chưa kể có người khai sai, thông tin giả, hoặc không khai sai nhưng có người mắt kém đánh nhầm số điện thoại, địa chỉ A sang địa chỉ B… Nếu không có cơ chế, trông chờ hay kỳ vọng vào sực trung thực của người dân trong khai báo sức khỏe toàn dân bằng hình thức này, tôi nghĩ hiệu quả không cao.

Lẽ ra trước khi triển khai nên nghe ngóng ý kiến từ người dân, hoặc nên áp dụng trong TP Hà Nội và các thành phố lớn, bởi người dân ở các thành phố có học vấn cao, có điều kiện mua điện thoại, biết cách sử dụng app; Hoặc áp dụng ở các vùng có dịch đang lây lan, thuận tiện cho việc người dân tương tác với Chính phủ, sau đó chúng ta đánh giá và thấy khả thi mới nhân rộng.

Sở dĩ tôi nói người dân ở các tỉnh đang có dịch lây lan khi triển khai ứng dụng app này rất hữu ích là bởi app giúp người cách ly tại nhà biết được những thông tin ở bên ngoài từ nguồn tin chính thống từ Chính phủ, giúp người dân biết không nên đến địa điểm này, nơi kia đang khoanh vùng cách ly; hoặc ca bệnh ở khu vực nào, bệnh viện nào điều trị COVID, nơi nào cách ly tập trung…

PV: Tuy nhiên, ứng dụng app đã được triển khai trên toàn quốc, vậy làm thế nào để thu được những thông tin hữu ích từ khai báo của toàn dân, giúp công tác chống dịch của chúng ta hiệu quả hơn, thưa PGS?

PGS.TS Đỗ Duy Cường: Triển khai giải pháp này, theo tôi tính khả thi sẽ cao nếu người dân khai đúng, khai đủ, giúp cho cơ quan y tế kiểm tra, phát hiện và cách ly kịp thời với những người có triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, để làm được điều này thì công tác tuyên truyền phải rõ hơn, tốt hơn nữa để người dân không bị hoảng, bị sợ phải cách ly mà không dám khai thực tình trạng sức khỏe của mình.

Đặc biệt là công tác sàng lọc, phân tích thông tin hàng ngày từ người dân khai báo gửi về phải được làm với đội ngũ có nghiệp vụ cao. Ví dụ, qua thống kê có tới 5% là tin giả; hoặc thu thập được nhiều thông tin hữu ích như có tới 80% người già không sử dụng được app, mà bệnh này tấn công chủ yếu vào người già, nếu họ không sử dụng được thì lại không có tác dụng; hoặc người ốm họ có sử dụng được app không…

Theo đánh giá của tôi, ứng dụng khai báo sức khỏe toàn dân trên app là biện pháp dễ quản lý, tuy nhiên, sau một thời gian triển khai phải tổ chức đánh giá xem có bao nhiêu người sử dụng, phân tích những ưu điểm và hạn chế để rút kinh nghiệm. 

PV: Ông đánh giá thế nào về những giải pháp của Chính phủ, Bộ Y tế trong giai đoạn hai chống dịch? Nếu dịch bùng phát ở TP Hà Nội, chúng ta ta có đủ nguồn lực để điều trị hay không?

PGS.TS Đỗ Duy Cường: Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá tình hình dịch COVID-19 ngay từ giai đoạn đầu đã chậm chạp, đến khi dịch lan ra hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ mới công bố đại dịch là muộn. Nhưng Việt Nam lại rất tỉnh táo, cảnh giác, luôn đặt mức cảnh báo cao hơn so với cảnh báo của WHO.

Chính phủ có hàng loạt chỉ đạo quyết liệt, Thủ tướng chỉ đạo “chống dịch như chống giặc” như một lời hiệu triệu đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân, sự đoàn kết, chung lòng chống dịch của cả hệ thống chính trị. Chưa có quốc gia nào chống dịch mà huy động được cả lực lượng Công an vào công tác xác minh, truy tìm hàng ngàn người là những đối tượng tiếp xúc từ F1 đến F3 với người bị bệnh như nước ta. Hơn nữa, chúng ta có một hệ thống y tế xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở, chỉ cần một chỉ đạo của Bộ Y tế là hệ thống này kích hoạt hiệu quả.

Tôi từng tiếp xúc với nhiều đồng nghiệp ở nước ngoài, họ phải ngạc nhiên với hệ thống y tế xuyên suốt của chúng ta. Tất cả những nỗ lực, quyết tâm trên giúp chúng ta chiến thắng giai đoạn đầu của trận chiến.

Chống dịch của Việt Nam đang trong giai đoạn hai, đây là giai đoạn khó khăn và nguy hiểm khi dịch đã lan ra 148 quốc gia, vùng lãnh thổ, khi tại TP Hà Nội của chúng ta đã có ca bệnh thứ 9, nên phải cảnh giác cao độ. Giai đoạn này, Chính phủ nào quan tâm, quyết liệt thì sẽ hạn chế được lây lan dịch bệnh, nơi nào thờ ơ, không quan tâm thì dịch lan mạnh, tử vong cao. Ví dụ ở Ý, chỉ trong 2 tuần, số ca mắc và tử vong đứng thứ 2 thế giới. Hiện nay, nhiều nước châu Âu dịch lan nhanh và bùng phát mạnh, nhưng tâm lý chống dịch vẫn còn chủ quan, lơi lỏng.

Việt Nam vẫn tiếp tục kiên trì với các giải pháp quyết liệt chống dịch của giai đoạn trước, và theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, giai đoạn này chúng ta phải mạnh mẽ hơn. Với sự chuẩn bị như vậy, khi các ca bệnh mới xâm nhập, chúng ta không lúng túng, bình tĩnh, tự tin để xử lý.

Chúng ta đã xây dựng kịch bản 5, tính tới 30.000 ca nhiễm. Ví dụ, chúng ta đã xây dựng kịch bản Hà Nội có 10.000 người mắc bệnh. Tính theo tỷ lệ của Trung Quốc, cứ 1.000 người bệnh thì có 80% mắc bệnh nhẹ, 15% bệnh nặng và 5% nguy kịch (phải thở máy, một nửa là tử vong). Nếu vậy, theo kịch bản, Hà Nội sẽ có 8.000 người bệnh nhẹ, 1.500 người bệnh nặng thở ôxi và 500 bệnh nhân phải thở máy.

Chúng ta đã chuẩn bị đầy đủ nơi điều trị cho người nhẹ, người nặng, người thở máy. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đủ chỗ điều trị cho 1.000 người. Riêng Bệnh viện Bạch Mai sẽ dành khu nhà mới xây 500 giường bệnh nằm ở nơi riêng biệt để thu dung và điều trị, chuyển toàn bộ nhân viên y tế của Trung tâm Bệnh Nhiệt đới ra, kết hợp với bác sĩ tình nguyện, các bác sĩ chuyên khoa khác hỗ trợ với hàng trăm chiếc máy thở, kể cả máy ECMO… nên người dân không phải hoang mang, lo lắng thiếu chỗ điều trị khi dịch bùng phát.

Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm với chống dịch SARS, dịch cúm H5N1, dịch sởi, nên đối với bác sĩ truyền nhiễm chúng tôi đều bình tĩnh, như một kịch bản có sẵn nên không lúng túng. 

17 năm trước chúng ta chống SARS cũng áp dụng như bây giờ: Cách ly, phong tỏa, tập trung các nguồn lực và sự quyết tâm, quả cảm của ngành y. Tôi tin rằng, với bài học thành công trong chiến đấu với dịch SARS, sự chủ động, bình tĩnh, cảnh giác, đánh “giặc” trên nhiều mặt trận như hiện nay, chúng ta sẽ khống chế được dịch bệnh sớm.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư!

Trần Hằng (thực hiện)
.
.
.