Tiêm nhầm vaccine:

Cần chấm dứt tình trạng lỗi hệ thống ở cơ sở

Thứ Ba, 30/12/2014, 09:04
Phải khẳng định rằng, chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống bệnh sởi - rubella có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe cho trẻ em và đã được Bộ Y tế tổ chức triển khai kỹ càng. Đã có trên 12 triệu trẻ được tiêm phòng an toàn là một nỗ lực không nhỏ của ngành Y tế để thực hiện Chiến dịch tiêm phòng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn có những sai sót trong chuyên môn xảy ra, cho thấy, bất chấp sự ráo riết và quyết tâm ở cấp trên, một số nơi y tế ở cơ sở vẫn không thực hiện nghiêm chỉ đạo của ngành.

Điển hình là vụ tiêm nhầm vaccine cho 31 thai phụ ở Bắc Ninh ngày 20/12. Dù chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng vẫn là những lỗi không thể chấp nhận được, như quan điểm của ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW.

Rõ ràng, những chuyện tiêm nhầm vaccine không hề mới và hậu quả lớn, nhỏ đều đã xảy ra, đủ để những thầy thuốc có lương tri phải thức tỉnh. Nhưng thực tế, sai sót cứ tiếp nối sai sót trong khoảng thời gian không hề dài, đủ gióng lên những hồi chuông cảnh báo về vấn đề y đức, về sự thiếu trách nhiệm với sức khỏe người dân của một số nhân viên y tế ở cơ sở.

Đi tìm câu hỏi cho nguyên nhân của sai sót trong tiêm chủng, TS Nguyễn Văn Phi, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho rằng: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những sai sót. Đó là đơn vị quản lý trực tiếp của Trạm y tế xã là Trung tâm y tế thị xã Từ Sơn đã không kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Nhất là với một xã như Tương Giang (Bắc Ninh) có tới 31 thai phụ là khá đông, càng cần có sự giám sát của cấp trên.
Từng có giai đoạn, sai sót trong tiêm chủng đã khiến người dân không dám đưa trẻ đi tiêm phòng.

TS Nguyễn Văn Phi chỉ ra: Mấu chốt của các vụ tiêm nhầm vaccine đều là do nhân viên y tế không thực hiện đúng quy trình mà Bộ Y tế đề ra, khi đã bỏ qua các bước: tiếp đón, tư vấn, khám sàng lọc - chỉ định tiêm - tiêm, bệnh nhân ngồi chờ và nhân viên y tế ghi vào sổ. Thay vào đó, nhân viên y tế chỉ thực hiện mỗi việc tiêm vaccine. Bên cạnh đó, trong tủ thuốc dây chuyền lạnh bảo quản vaccine thường có danh mục thuốc, sổ theo dõi thuốc. Nếu cán bộ y tế làm đúng qui trình, sẽ không dẫn đến sai sót.

Một vấn đề nữa cũng được đặt ra, nhất là trong vụ việc ở Tương Giang, đó là ở tuyến xã, phường không được có thuốc lưu, nhưng ở đây lại có thuốc dư, dẫn đến nhầm lẫn thuốc. Vì vậy, việc cấp thuốc ở Trung tâm y tế thị xã Từ Sơn cũng cần phải xem xét, rút kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Trần Hiển cũng nhấn mạnh trước các sai sót trong tiêm chủng: Tinh thần trách nhiệm của cán bộ tiêm chủng quá thấp, chủ quan không thể chấp nhận được, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của người dân vào ngành Y tế nói chung và công tác tiêm chủng nói riêng. Về nguyên tắc, trước khi tiêm, cán bộ y tế cần phải kiểm tra đối chiếu rất kỹ về đối tượng tiêm, loại vaccine, hạn sử dụng, liều tiêm, đường tiêm… để tránh xảy ra nhầm lẫn. Nhưng các khâu đối chiếu, kiểm tra đã bị bỏ qua, dẫn đến sự cố đáng tiếc. Bên cạnh đó, lật lại các vụ tiêm nhầm vaccine cho thấy, các sai phạm đều có điểm chung là bảo quản vaccine không đúng quy định.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng chỉ rõ, công tác đảm bảo tiêm chủng vẫn còn lỗi hệ thống và lỗi ở cơ sở thực hiện chưa đúng quy trình, chưa đầy đủ các bước. Vấn đề đặt ra lúc này là ngành Y tế các địa phương cần khẩn trương rà soát lại công tác an toàn tiêm chủng, không nên để “mất bò mới lo làm chuồng”. Ngoài ra, người dân cũng cần biết các bước qui định của Bộ Y tế trong việc tiêm phòng để giám sát nhân viên y tế, nhằm bảo vệ sức khỏe của chính mình và con em.

Thanh Hằng
.
.
.