Bệnh nhân muốn “vượt tuyến” điều trị:

Các bệnh viện phải đáp ứng và cung cấp hồ sơ điều trị

Thứ Bảy, 20/12/2014, 15:53
Đã có nhiều trường hợp đau lòng xảy ra trong công tác chuyển tuyến giữa các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB), khiến bệnh nhân tử vong và bệnh viện (BV) phải lãnh những hậu quả ngoài mong muốn và làm giảm uy tín của ngành Y tế. Đó là điều đã được thẳng thắn đưa ra tại hội nghị về vấn đề này do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội vào ngày 19/12.

Nhìn nhận thực trạng còn nhiều bất cập trong công tác chuyển tuyến BV, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB cho biết, đã có nhiều tai biến đáng tiếc do chuyển tuyến khi để thai phụ ngất, cháu bé tử vong vì không được cứu chữa kịp thời, hoặc không cho chuyển tuyến nhưng nhân viên y tế lại không giải thích cặn kẽ cho người nhà bệnh nhân, dẫn đến bức xúc khi người bệnh tử vong.

Hàng loạt vụ việc đau lòng đã được đưa ra, minh chứng cho công tác chuyển tuyến thiếu khoa học của ngành Y tế thời gian qua. Có trường hợp khi cho bệnh nhân chuyển tuyến, bác sĩ đã không ghi vào hồ sơ những việc đã xử lý cấp cứu, dẫn đến người bệnh tử vong. Đó là trường hợp để cầm máu cho một sản phụ, bác sĩ đã đặt miếng gạc lớn vào âm đạo, rồi chuyển tuyến trên, nhưng việc xử lý này lại không ghi vào hồ sơ. Do vậy, BV tuyến sau tiếp nhận đã không thể biết được trong người bệnh nhân có miếng gạc, khiến bệnh nhân bị nhiễm trùng, sốt cao triền miên, điều trị tất cả các loại thuốc mà cuối cùng vẫn không qua khỏi. Mãi đến khi gia đình khâm liệm, phát hiện có miếng gạc thò ra, mới biết nguyên nhân tử vong là do gạc tụt sâu vào bên trong người bệnh, nhiễm trùng, gây sốt cao.

Các bệnh nhân được chuyển tuyến khoa học, hiệu quả điều trị thường tốt hơn.

Những vấn đề bất cập trong quy định về chuyển tuyến bệnh viện sẽ được khắc phục, khi theo qui định mới của Bộ Y tế được chính thức triển khai từ 19/12, quyền lợi của người bệnh sẽ được đảm bảo nhiều hơn: được KCB đầy đủ, nếu cơ sở KCB không đủ khả năng thì họ được quyền chuyển lên tuyến trên. Trong trường hợp cơ sở KCB có đủ khả năng, nhưng người bệnh không muốn điều trị tại đó mà muốn chuyển, thì BV vẫn phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, thủ tục liên quan đến chuyên môn kỹ thuật, để tạo điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân được KCB ở nơi khác, đáp ứng đúng yêu cầu của họ.

Ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý KCB cho biết: Khi người bệnh có nhu cầu chuyển tuyến, BV phải giải quyết để đảm bảo quyền lựa chọn cơ sở KCB của người dân. Tuy nhiên, trước khi chuyển bệnh nhân đi BV khác, dù có cấp cứu hay không, dù chuyển tuyến theo yêu cầu gia đình người bệnh, thì cơ sở y tế tiếp nhận/đang điều trị vẫn phải có trách nhiệm sơ cấp cứu ổn định rồi mới chuyển. Nếu là bệnh nhân cấp cứu và đúng tuyến, BV phải có phương tiện và người tháp tùng, còn nếu người dân từ chối điều trị đúng tuyến, mà muốn vượt tuyến do nhu cầu riêng, gia đình phải tự chịu trách nhiệm. Nhưng, trước khi chuyển đi, BV vẫn phải giải thích rõ cho người bệnh/gia đình họ biết những vấn đề sẽ gặp phải, đồng thời, cung cấp thông tin để người bệnh biết về phạm vi quyền lợi và mức thanh toán chi phí KCB BHYT khi KCB không đúng tuyến chuyên môn kỹ thuật. Không chỉ các cơ sở KCB, mà các cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Y tế,  Sở Y tế, phải tổ chức giao ban chuyển tuyến, quản lý tốt thông tin BV.

Với các qui định mới của Bộ Y tế, vấn đề chuyển tuyến và quản lý thông tin được đặt ra cụ thể, để hy vọng nâng cao được chất lượng điều trị, giảm tử vong cho người bệnh từ việc chuyển tuyến đảm bảo an toàn.

Thanh Hằng
.
.
.