Đồng loạt rà soát quy trình lọc máu sau sự kiện rúng động ngành Y

Thứ Tư, 31/05/2017, 22:26

Tai biến y khoa nghiêm trọng khiến 7 người tử vong ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình đã gây nên sự rúng động mạnh mẽ trong toàn ngành y tế. Đặc biệt, sự cố như một lời cảnh báo với tất cả các BV trên cả nước về an toàn lọc máu. Vì thế, ngay sau khi vụ tai biến, các BV đều khẩn trương chấn chỉnh quy trình chuyên môn nói chung, đặc biệt là quy trình lọc máu nói riêng. 


Trao đổi với PV Báo CAND vào ngày 31-5, GS. Trần Bình Giang –Giám đốc BV Việt Đức cho biết, sau khi nhận thông tin về vụ việc đáng tiếc ở BVĐK tỉnh Hòa Bình, ông lập tức cho rút kinh nghiệm toàn BV, đồng thời chỉ đạo rà soát toàn bộ qui trình của tất cả các khoa chuyên môn, đặc biệt là qui trình tiệt khuẩn, súc rửa ở Khoa Thận –Lọc máu. 

Các phòng chức năng cùng Khoa Thận –Lọc máu kiểm tra lại toàn bộ trang thiết bị, hóa chất theo qui trình vốn đã được chuẩn hóa từ lâu theo tiêu chuẩn của một BV ngoại khoa hàng đầu và đơn vị ghép tạng lớn. 

Không chỉ sử dụng hóa chất để sục rửa hệ thống lọc, bắt đầu từ 6-2017, BV Việt Đức sẽ có thêm hệ thống diệt khuẩn bằng nhiệt, để có 2 nấc diệt khuẩn bằng hóa chất và vật lý, nhằm giảm tối đa nguy cơ trong quá trình lọc máu. “Việc này đòi hỏi phải đầu tư thêm nhưng BV vẫn làm vì an toàn người bệnh là trên hết” -, GS. Giang nhấn mạnh.

Công tác tập huấn cho nhân viên y tế ở Khoa Thận –Lọc máu tiếp tục được coi trọng. Hiện nay, BV Việt Đức có 30 máy chạy thận, mỗi ngày lọc máu cho khoảng 100 người. Vì thế, việc chấn chỉnh quy trình chuyên môn ở BV Việt Đức có ý nghĩa đặc biệt để bảo vệ sức khỏe và tính mạng người bệnh.

Ths. Nguyễn Đình Hưng – Giám đốc BV Xanh Pôn cũng cho biết, BV có Đơn nguyên thận nhân tạo với 10 máy và khoảng 60 bệnh nhân thường chạy thận, đồng thời còn phục vụ ghép tạng, nên từ lâu, quy trình lọc máu đã được chuẩn hóa. Tuy nhiên, trước sự cố ở Hòa Bình, lãnh đạo BV Xanh Pôn đã tổ chức rút kinh nghiệm cho toàn BV, đồng thời, chỉ đạo các khoa chuyên môn rà soát lại quy trình, không riêng lĩnh vực chạy thận. 

Trước đây, việc tập huấn, công tác kiểm soát quy trình vẫn được tiến hành thường xuyên, nay càng được tăng cường hơn với tiêu chí đảm bảo chất lượng phục vụ bệnh nhân tốt nhất. “Sự cố vừa qua cũng là bài học chung, để chúng tôi nâng cao tinh thần trách nhiệm, không để xảy ra sai sót đáng tiếc.” - Giám đốc BV Xanh Pôn chia sẻ.

Quy trình lọc máu ở BV Bạch Mai luôn được chuẩn hóa 

Là địa phương có nhiều đơn vị chạy thận, đồng thời được Bộ Y tế giao tiếp nhận bệnh nhân từ BVĐK Hòa Bình chuyển về, cuối chiều 30-5, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã ký công văn khẩn yêu cầu các BV trên địa bàn có thực hiện kỹ thuật thận nhân nhanh chóng tạo rà soát lại quy trình chuyên môn, kỹ thuật, kiểm tra lại toàn bộ máy móc, trang thiết bị đảm bảo đúng theo quy định của Bộ Y tế trước khi sử dụng cho người bệnh, tránh để xảy ra sự cố y khoa. 

Riêng BV Thận Hà Nội phải xây dựng kế hoạch rà soát, kiểm tra lại toàn bộ quy trình lọc máu ngoài thận tại tất cả các đơn vị màng lưới và tổ chức tập huấn quy trình chuyên môn cho các đơn vị trong màng lưới.

Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên có 4 đơn vị chạy thận nhân tạo là Bệnh viện A, Bệnh viện C, BV huyện Đại Từ, BV huyện Phú Bình với tổng số gần 200 bệnh nhân. Ông Nguyễn Vy Hồng-Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên cho biết sáng 31-5 ông đã ký công văn khẩn gửi các đơn vị trên yêu cầu xây dựng kế hoạch rà soát, kiểm tra lại quy trình kỹ thuật thận nhân tạo; tổ chức tập huấn lại quy trình chuyên môn cho toàn bộ cán bộ liên quan đến kỹ thuật này. 

Sau tai biến y khoa nghiêm trọng tại Hòa Bình, nhiều người không khỏi lo lắng về quy trình chạy thận nhân tạo. Để người dân có thể yên tâm, TS. Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng khoa Thận Nhân tạo (BV Bạch Mai) cho biết: Quy trình lọc máu rất chặt chẽ. Các cơ sở y tế muốn thực hiện kỹ thuật này phải thông qua các danh mục kỹ thuật được đăng ký, được Sở Y tế và Bộ Y tế cho phép thực hiện.

Hệ thống nước lọc máu rất quan trọng nên khi mua về, Ban Giám đốc cơ sở y tế ủy quyền cho những người có trách nhiệm xử lý nước nghiệm thu. Còn các vật tư tiêu hao tuân theo quy trình thầu. Bên cạnh những điều kiện này, yêu cầu các bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ sư thực hiện phải được đào tạo ở cơ sở mà Bộ Y tế cho phép như BV Bạch Mai, Việt Đức. 

Sau khi đào tạo xong chúng tôi sẽ kiểm tra xem họ có đủ khả năng thực hiện kỹ thuật không. Theo chương trình 1816, những đơn vị đào tạo sẽ về cơ sở thực hiện cùng trong vòng 1-4 tuần, khi nào nhận định các bác sĩ, kỹ thuật viên của cơ sở làm được, mới về. Chúng tôi luôn có điện thoại đường dây nóng để bất cứ lúc nào cần có thể gọi và chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra kiểm soát.

“Hiện nay cả nước có trên 10.000 bệnh nhân chạy thận, mỗi ngày phải thực hiện trên 5.000 ca và một năm cả triệu ca. Riêng Bạch Mai một năm lọc máu 90.000 ca đều bình thường. Quy trình lọc máu được chúng tôi kiểm tra chặt chẽ, nên bệnh nhân có thể yên tâm. Tới đây, chúng tôi tiếp tục kết hợp với Sở, Bộ Y tế, cơ quan có trách nhiệm kiểm soát chặt quy trình để bảo đảm lọc máu thật an toàn.” - TS. Nguyễn Hữu Dũng cho hay.

Thanh Hằng
.
.
.