Các bác sĩ Công an góp phần tích cực vào việc chữa bệnh cho một cựu binh Xôviết từng chiến đấu ở Việt Nam

Thứ Hai, 24/12/2018, 10:34
Ông Povely Anatoly Mikhailovich, sinh năm 1943, là chuyên gia quân sự Liên Xô đã sang Việt Nam trong nhiệm kỳ từ tháng 4 năm 1966 đến tháng 2 năm 1967 để đào tạo các chiến sĩ Bộ đội tên lửa phòng không các Trung đoàn 274 và 285 thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân Việt Nam...


Trong thời gian công tác ở Việt Nam, ngoài việc huấn luyện và đào tạo, ông đã trực tiếp cùng các học trò của mình tham gia cuộc chiến chống không quân Mỹ ném bom xuống các mục tiêu dân sự ở miền Bắc Việt Nam. Trước khi kết thúc nhiệm kỳ công tác, ông Povely được Chính phủ Việt Nam tặng Huy chương Hữu nghị và Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân tặng Kỷ niệm chương 5-8.

Vừa qua, ông Povely bị bệnh đột quị phải nằm viện dài ngày. Ban chấp hành Hội Người Việt Nam tại thành phố St. Peterburg thường xuyên đến thăm ông và đã ghi thư trao đổi với tôi, đề nghị tôi đến Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an gặp bác sĩ, xin được mua thuốc đông y bằng kinh phí của Hội Người Việt Nam.

Ông Povely cùng vợ (thứ 3 và 4 từ trái qua) với cựu cán bộ Quân chủng Phòng không - Không quân.

Ngày 5-9-2018, tôi đã đến gặp Đại tá Trần Ích Quân, bác sĩ chuyên khoa cấp II, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an để tường trình lại với bác sĩ bệnh lý của ông Povely trên cơ sở thông tin của Ban chấp hành Hội Người Việt Nam tại thành phố St. Peterburg cũng như của con gái ông Povely đã gửi cho tôi.

Ngoài thông tin về bệnh lý, tôi còn báo cáo thêm với bác sĩ Trần Ích Quân rằng, đây là một chuyên gia quân sự Liên Xô đã sang Việt Nam trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại do không quân Mỹ gây ra ở miền Bắc, mà khi đó tôi là người phiên dịch tiếng Nga đã từng được làm việc với ông.

Sau khi nghe tôi báo cáo, Bác sĩ Quân nói với tôi: “Đây là một bệnh nhân mà Bệnh viện chúng tôi cần tìm mọi cách để có thể sớm đẩy lùi con bệnh của ông, đây cũng là vinh dự và trách nhiệm của đội ngũ thầy thuốc chúng tôi”.

Bác sĩ Quân đã kê đơn thuốc, lấy 10 thang và gọi nhân viên của mình đem đơn thuốc đó đến phòng hành chính đóng dấu của bệnh viện để khi đem thuốc qua Hải quan được thuận lợi, đồng thời nhân viên đó đã dẫn tôi đến quầy bán thuốc giới thiệu để các nhân viên bán thuốc làm theo lời dặn của bác sĩ.

Rất may, ngày 9-9, có người trong Hội Người Việt Nam ở St. Peterburg về Hà Nội và trở lại St. Peterburg. Tôi đã kịp dịch công chứng đơn thuốc để khi qua Hải quan Nga không bị phiền hà và dịch lời hướng dẫn cách sắc thuốc để con gái ông biết cách sắc thuốc đông y.

Ngày 20-9, tôi nhận được thư của gia đình ông Povely cũng như thư của anh Phạm Mạnh Cường - Ủy viên Ban chấp hành Hội Người Việt Nam tại thành phố St. Peterburg báo tin là bệnh của ông Povely có chuyển biến tốt. Cũng trong ngày hôm đó, tôi được anh Dương Chí Kiên, Ủy viên Ban chấp hành Hội Người Việt Nam ở St. Peterburg báo tin qua điện thoại, anh đang ở Hà Nôi. Cả 3 nguồn thông tin đều nói hiện tại ông Povely đã có chuyển biến tốt về bệnh “đột quỵ”, song lại phát sinh một căn bệnh mới, chúng tôi tạm dịch ra tiếng Việt là bệnh “hoảng loạn”. Anh Kiên đề nghị tôi vào bệnh viện gặp bác sĩ, tường trình tình hình bệnh lý của ông Povely và đề nghị được tiếp tục mua thuốc chống “đột quỵ” cũng như chống “hoảng loạn”, mỗi loại mua 20 thang.

Sau khi nghe tôi tường trình, bác sĩ Quân tập trung ngay vào việc kê đơn thuốc. Khi kê đơn thuốc chống bệnh “hoảng loạn”, bác sĩ Quân đã cẩn thận tra tự điển về các vị thuốc và gọi điện trao đổi với một vài bác sĩ đồng nghiệp xem nên dùng vị nào thích hợp hơn. Sau đó, bác sĩ Quân nói với tôi rằng, đó là những đồng nghiệp cũng đã từng học ở Trung Quốc về.

Tôi cũng kịp làm những việc dịch thuật như lần trước và anh Dương Chí Kiên đã đến gặp tôi để nhận thuốc đem về St. Peterburg. Khi thanh toán tiền thuốc theo hóa đơn của bệnh viện, anh Kiên còn hỏi tôi số tiền khám và kê đơn thuốc?

Tôi đã nói với anh Kiên rằng, bác sĩ Quân đã nói với tôi, đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an đối với các chuyên gia quân sự Liên Xô đã tham gia chiến đấu ở Việt Nam nên bệnh viện không nhận kinh phí khám và kê đơn thuốc.

Cách đây 3 ngày, tôi nhận được thông tin từ gia đình ông Povely cho biết, hiện tại ông Povely đã hết bệnh “hoảng loạn” và đang tiếp tục uống thuốc trị bệnh “đột quị” mà bác sĩ Quân kê đơn để mua 20 thang. Gia đình ông Povely nhờ tôi chuyển lời cám ơn tới bác sĩ, người đã kê và bán thuốc đông y cho ông. Tiếp đó, tôi cũng nhận được thông tin và ảnh chụp của Hội Người Việt Nam ở St. Peterburg nói về tình trạng sức khỏe của ông Povely đã có thể ngồi tiếp các bạn Việt Nam đến thăm.

Nhân dịp kỷ niệm 22 năm Ngày thành lập Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an (24-12-1966 - 24-12-2018), tôi viết bài này để bày tỏ lòng biết ơn không chỉ của gia đình ông Povely mà cả của chúng tôi – những người bạn cùng chung chiến hào với ông Povely và những người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại St. Peterburg tới tập thể đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an, đặc biệt là bác sĩ Trần Ích Quân đã đem hết khả năng chuyên môn của mình, với trách nhiệm cao của người thầy thuốc mặc sắc phục CAND, đã kê những đơn thuốc đông y rất có hiệu nghiệm đối với một bệnh nhân là cựu chiến binh Xôviết bị đột quị, nay đã đi lại được.

Ninh Công Khoát
.
.
.