Ca mổ "bắt thai" phối hợp giữa các bác sĩ Sản-Nhi

Thứ Năm, 24/01/2019, 20:37
Ca mổ bắt thai cân não này được các bác sĩ Bệnh viện (BV) Từ Dũ phối hợp BV Nhi Đồng 1, TP HCM, thực hiện thành công vào sáng 21/1. Thông tin cũng được BS Đào Trung Hiếu-Phó GĐ BV Nhi Đồng 1 TP HCM cho biết thêm vào chiều 24-1.

Cái khó ở đây là phải mổ thông đường thở cho em bé trước khi cắt rốn trong khi thông thường bánh nhau sản phụ sẽ tự bong tróc trong vòng 8-10 phút sau khi bé chào đời. Nếu bánh nhau không bong trong thời gian này, sản phụ sẽ bị mất rất nhiều máu, nguy cơ ảnh hưởng tính mạng. Trong khi đó em bé có dị tật bướu hạch bạch huyết ở cằm, khi cắt dây rốn bé không thở được thì sẽ chết. 

Các bác sĩ hai BV trao đổi về ca mổ cho em bé trường hợp con của thai phụ 30 tuổi ( Phú Yên) vào chiều 24-1.

Cũng theo BS Đào Trung Hiếu, phương pháp này nói nôm na là kiểm soát đường thở em bé ngay sau khi em bé ra khỏi tử cung bà mẹ ngay trong lúc sanh, kiểm soát làm sao thông thoáng ngay đường thở, em bé nở phổi ngay khi ra đời, sau khi cắt rốn. Nhưng thực sự mà nói là ca mổ vô cùng áp lực do phải làm phải tốc độ thật nhanh. Vì khi đưa em bé ra ngoài tử cung bà mẹ, nhau sẽ bong ngay ra từ 5-10 phút. Do đó BS phải làm đúng thời gian này, nếu loay hoay kiểm soát đường thở chưa xong mà nhau bong ra rồi thì coi như ca mổ thất bại. Đồng nghĩa em bé tử vong. Đa số em bé trong trường hợp bị bướu chèn đường thở như trên trước đây các bà mẹ đều có chỉ định huỷ thai. Phương pháp xử trí đưa em bé ra ngoài tử cung trước khi sanh này vừa giữ được con vừa giữ được mẹ.
BS Phan Thanh Bình trao đổi về một trường hợp bé bị dị tật tương tự theo dự kiến sẽ được hai BV phối hợp mổ vào thứ 7( 25-1-2019)

Bác sĩ Phan Thanh Bình, Khoa Chăm sóc trước sinh, BV Từ Dũ, kể: "Như vậy, tính ra ê kíp chỉ có 8 phút để vừa làm thao tác xẻ tử cung, rồi sổ nước ối, đưa đầu em bé ra, đặt nội khí quản, thông đường thở bé khỏi suy hô hấp sau sanh. Bài toán khó nhất đã làm được đó là chạy đua thời gian thao tác cho kịp. Từ thành công của những ca này chúng tôi hy vọng có thêm nhiều cơ hội cứu sống được thêm những em bé có dị tật tương tự vì y học VN mình đã có đủ khả năng".

Đây cũng là ca đầu tiên phối hợp chính thức giữa 2 BV về việc xử trí đưa em bé ra ngoài tử cung trước khi sinh đối với những trường hợp không may mang dị tật bướu chẹn phải đường thở như thai nhi này.

Được biết, thai phụ 30 tuổi quê Phú Yên, mang thai 19 tuần thì phát hiện thai nhi có bướu hạch bạch huyết dưới cằm. Khối bướu chèn ép đường thở nên em bé nguy cơ không thở được sau khi cắt dây rốn chào đời. Các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ đã theo dõi sát tình hình thai phụ. Khi thai đủ 38 tuần, bác sĩ lên kế hoạch cùng các bác sĩ Nhi Đồng 1 mổ bắt con phối hợp hai chuyên khoa sản - nhi, và thành công ngoạn mục.

Huyền Nga
.
.
.